Thời trang / Thế giới thời trang

Ngoài LVMH, những “ông trùm” nào đang chế ngự thế giới thời trang xa xỉ?

Đằng sau vẻ hào nhoáng của thế giới thời trang xa xỉ là cả một đế chế được vận hành bởi những tập đoàn khổng lồ. Không chỉ nắm trong tay những thương hiệu danh tiếng, họ còn kiến tạo xu hướng và dẫn dắt làng mốt toàn cầu. Hãy cùng ELLE khám phá lăng kính của 5 tập đoàn thời trang quyền lực nhất: LVMH, Kering, PVH, Capri Holdings, Richemont.

LVMH (Louis Vuitton Moët Hennessy)

Tập đoàn đa quốc gia Louis Vuitton Moët Hennessy (LVMH) là niềm tự hào của nước Pháp, được thành lập năm 1987 từ sự hợp nhất của ba tên tuổi lừng danh: nhà mốt Louis Vuitton, hãng rượu champagne Moët et Chandon và nhà sản xuất rượu cognac Hennessy. Dưới sự dẫn dắt của hai nhà sáng lập Bernard Arnault và Alain Chevalier, LVMH đã vươn lên trở thành đế chế hùng mạnh trong ngành công nghiệp xa xỉ toàn cầu.

Đế chế thời trang LVMH
Ảnh: LVMH

Với danh mục hơn 75 thương hiệu đẳng cấp trải rộng trên nhiều lĩnh vực, LVMH khẳng định sự đa dạng và sức mạnh tổng hợp đáng kinh ngạc. Từ thời trang với những cái tên lớn nhất như Louis Vuitton, Christian Dior, Fendi, Celine, Loewe, Kenzo, Marc Jacobs… đến nước hoa, mỹ phẩm Guerlain, đồng hồ trang sức Bulgari, Tiffany & Co. và các dòng rượu vang, rượu mạnh khác.

Thời trang LVMH xa xỉ
Ảnh: LVMH

Nguyên tắc cốt lõi của LVMH xoay quanh sáng tạo song song với bảo tồn và phát triển di sản, không thỏa hiệp với chất lượng sản phẩm của mình, độc quyền và trải nghiệm khách hàng thượng lưu đặc biệt. Không chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm, LVMH còn đề cao trách nhiệm đạo đức, xã hội và môi trường khi cam kết minh bạch, chính trực trong mọi hoạt động, hướng tới phát triển bền vững và đóng góp tích cực cho xã hội. 

LVMH tài trợ Olympics
LVMH đã chi 150 triệu euro (241 triệu USD) để trở thành một trong những nhà tài trợ cao cấp cho Thế vận hội Olympic và Paralympic. (Ảnh: LVMH)
 LIFE 360 Summit LVMH
Ra mắt vào năm 2021, chiến lược Life 360 của LVMH đặt mục tiêu giảm tác động môi trường đến năm 2030, với trọng tâm vào nguyên liệu bền vững, khí hậu, sáng tạo vòng tuần hoàn và bảo tồn đa dạng sinh học. (Ảnh: LVMH)

Để khẳng định cam kết với sự sáng tạo và hỗ trợ thế hệ tài năng kế cận, LVMH còn tổ chức Giải thưởng LVMH thường niên danh giá, nơi đã từng vinh danh những nhà thiết kế trẻ xuất sắc như Simon Porte Jacquemus (LVMH Prize 2015), Marine Serre (LVMH Prize 2017) hay gần đây nhất là Ellen Hodakova Larsson (LVMH Prize 2024).

Những ứng cử viên lọt vào vòng bán kết cuộc thi LVMH Prize 2025. (Ảnh: Ssense)

Kering

Kering là tập đoàn xa xỉ khổng lồ thứ hai thế giới sau LVMH trong ngành công nghiệp triệu đô, cũng đặt trụ sở tại Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch kiêm CEO Francois-Henri Pinault, Kering không chỉ nổi tiếng với danh mục thương hiệu đẳng cấp mà còn là người tiên phong trong các sáng kiến bền vững.

Thời trang GUCCI
Ảnh: Gucci
Thời trang xa xỉ KERING
Ảnh: Saint Laurent

Tiền thân là Etablissements Pinault, được thành lập năm 1962 bởi Francois Pinault, tập đoàn đã chuyển mình thành Kering, một cái tên mang ý nghĩa chăm sóc (đọc lái của caring) và “nơi để sống” (trong tiếng Breton “ker”). Kering đứng vững với bộ chân “ba kiềng” trụ cột: Thời trang cao cấp & Đồ da, Đồng hồ & Trang sức, và Kính mắt Kering, quy tụ những thương hiệu đình đám như Gucci, Saint Laurent, Bottega Veneta, Balenciaga, Boucheron, Pomellato và nhiều hơn nữa.

Thời trang Kering xa xỉ
Ảnh: Kering

Không giống như LVMH tập trung vào các thương hiệu con trực tiếp tiếp cận người tiêu dùng, Kering định vị mình là một thương hiệu công ty, đóng vai trò là “người giám hộ” và “người trao quyền” cho các thương hiệu con. Với khẩu hiệu “Trao quyền cho Trí tưởng tượng”, Kering thúc đẩy sự sáng tạo không giới hạn, khuyến khích các thương hiệu vượt qua giới hạn, đổi mới và phát triển bền vững.

PVH Corp

PVH Corp, trước đây được biết đến với tên gọi Phillips-Van Heusen Corporation, lại là tập đoàn may mặc khổng lồ của Mỹ. Bạn có thể đã quá quen với các thương hiệu như Tommy Hilfiger, Calvin Klein, Van Heusen, IZOD hay Arrow. Ngoài ra, tập đoàn còn sở hữu các danh mục nhãn hiệu được cấp phép danh tiếng khác như Michael Kors, Geoffrey Beene và Speedo.

Thời trang đế chế PVH
Ảnh: Tommy Hilfiger

Với tầm nhìn đầy tham vọng, PVH không ngừng nỗ lực xây dựng Calvin Klein và Tommy Hilfiger trở thành thương hiệu có phong cách sống đáng khao khát nhất hành tinh. Trong khoảng thời gian gần đây, PVH đang rất tích cực theo đuổi chiến lược “Thời trang Tiến bộ”, thể hiện cam kết mạnh mẽ về trách nhiệm xã hội và môi trường. Tập trung vào ba lĩnh vực chiến lược: khí hậu, nhân quyền, và hòa nhập đa dạng, tập đoàn đang hướng tới những tác động tích cực cho con người và hành tinh.

Jennie Calvin Klein
Ảnh: Calvin Klein

Capri Holdings lvmh

Capri Holdings là tập đoàn xa xỉ khác đến từ Mỹ, nổi bật với bộ ba thương hiệu biểu tượng Versace, Jimmy Choo và Michael Kors. Tập đoàn xây dựng danh tiếng vững chắc nhờ cam kết về phong cách quyến rũ, tay nghề thủ công tinh xảo và thiết kế sáng tạo, trải rộng trên mọi danh mục thời trang xa xỉ.

Từ trái qua phải: Jonathan Akeroyd – cựu CEO của Versace, NTK Donatella Versace, John D. Idol – CEO của Michael Kors. (Ảnh: Capri)

Sức mạnh của Capri Holdings nằm ở DNA độc đáo và di sản phong phú của từng thương hiệu thành viên. Sự đa dạng trong phong cách thiết kế và đối tượng khách hàng, cùng với đội ngũ nhân viên đam mê và tài năng, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của tập đoàn. Cam kết về sự đa dạng của Capri Holdings không chỉ dừng lại ở việc đại diện, mà còn thể hiện ở việc tạo ra một không gian cởi mở và hòa nhập.

Thời trang đế chế Capri
Ảnh: Capri

Richemont lvmh

Với lĩnh vực trang sức và đồng hồ xa xỉ, có lẽ bạn sẽ quen thuộc hơn với tập đoàn Richemont. Ra đời năm 1988, tập đoàn đã khẳng định vị thế là một trong những tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới, sở hữu 19 thương hiệu danh tiếng. 

Đế chế thời trang RICHEMONT
Ảnh: Richemont
Thương hiệu thời trang RICHEMONT
Ảnh: Richemont

Bốn lĩnh vực kinh doanh cốt lõi dựng nên Richemont có thể kể đến như: trang sức và kim hoàn, hội tụ Cartier, Van Cleef & Arpels; đồng hồ với các thương hiệu trứ danh như A. Lange & Söhne, Jaeger-LeCoultre, Vacheron Constantin; thương hiệu bút và đồ da Montblanc và mảng tổng hợp đa dạng khác như Chloé, Alfred Dunhill. Chưa kể gần đây, Richemont thể hiện tham vọng khi vừa gia nhập thêm mảng làm đẹp cao cấp vào năm 2023.

Cartier
Ảnh: Cartier

Với tinh thần của một tập đoàn gia đình, Richemont theo đuổi tầm nhìn dài hạn, nuôi dưỡng và phát triển từng thương hiệu, trân trọng di sản và giá trị truyền thống. Tập đoàn hỗ trợ các thương hiệu tạo ra những sản phẩm độc đáo, chất lượng vượt thời gian, đồng thời mở rộng thị trường, nâng cao trải nghiệm khách hàng và thiết lập dịch vụ chuẩn mực xuất sắc.

Nhóm thực hiện

Bài: Bảo Quốc
Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)