Họ là ai?
Thế hệ Z là mắt xích cuối cùng trong chuỗi khái niệm X (1966-1976), Y (1977-1994), và Z được sử dụng để miêu tả nhóm người sinh ra trong khoảng thời gian 1995-2012. Hiện trên toàn thế giới có khoảng 23 triệu người thuộc thế hệ Z và con số này đang tăng lên nhanh chóng. Sự khác biệt giữa thế hệ Z và người tiền nhiệm – thế hệ Y hay còn được biết đến với tên gọi khác là Millennials nằm ở cách thức trao đổi thông tin.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Epinion và OMD, lứa thanh niên thuộc thế hệ Z thích giữ liên lạc qua phương thức trực tuyến. Đặc điểm này xuất phát từ điều kiện sinh trưởng giữa kỷ nguyên toàn cầu hóa và các ứng dụng trao đổi thông tin, lên lạc qua mạng Internet. Thêm vào đó, tiềm lực tài chính hùng hậu thừa hưởng từ gia đình và tiếng nói ảnh hưởng đến quyết định mua sắm, thế hệ Z được các chuyên gia thương hiệu nhận định là con át chủ bài cứu cánh của các nhà mốt.
Tầm ảnh hưởng của thế hệ Z bắt đầu được coi trọng trong khoảng thời gian 2013-2016 khi những cái tên đình đám như cậu cả nhà Beckham – Brooklyn Beckham, chị em người mẫu May & Ruth Bell, con gái của nam diễn viên kỳ cựu Will Smith – Willow Smith, con gái của tài phiệt bất động sản Mohamed Hadid – Gigi Hadid, và cô em gái thứ hai của nhà Kardashian – Kendall Jenner đều được các nhà mốt danh tiếng như Burberry, Chanel, Versace chiêu mộ.
.
Điểm chung giữa họ là xuất thân từ những gia đình đầy quyền lực, tầm ảnh hưởng rộng trên mạng xã hội và độ tuổi trung bình dưới 20. Những lý do trên khiến họ trở thành con át chủ bài nhằm kích cầu doanh thu, cứu cánh cho tình hình kinh doanh ảm đạm, tụt dốc của nhiều thương hiệu.
Giám đốc Sáng tạo có vai trò gì?
Cách đây khoảng 2 thập kỷ, vị trí Giám đốc Sáng tạo của các nhà mốt giữ trọng trách mang tính sống còn khi lèo lái định hướng mỹ thuật. Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của thế hệ Z – nhóm đối tượng tôn vinh triết lý sống cá nhân, gu thẩm mỹ riêng và tiếng nói có tầm ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của các thành viên khác trong gia đình, vai trò định hướng của Giám đốc Sáng tạo trở thành câu hỏi thường trực. Miễn bàn đến các yếu tố chuyên môn, bài toán kinh doanh cung – cầu cũng đủ khiến giới thời trang hoài nghi về việc “vị thuyền trưởng” của các nhà mốt liệu còn đủ sức làm thỏa mãn khách hàng, đặc biệt là nhóm đối tượng thuộc thế hệ Z, hay không?
.
Khoảng thời gian 2015-2016 chứng kiến những cuộc chia tay đình đám giữa những tên tuổi sáng tạo và các nhà mốt danh tiếng. Có thể kể đến Raf Simons và Dior; Alber Elbaz và Lanvin; Alexander Wang và Balenciaga; Massimiliano Giornetti và Salvatore Ferragamo; Hedi Slimane và Saint Laurent. Thậm chí, tin đồn phỏng đoán về sự soán ngôi “bậc thầy sáng tạo” Karl Lagerfeld và Chanel cũng bắt đầu râm ran trên Internet. Nhiều ý kiến cho rằng doanh số không đạt như kỳ vọng là nguyên nhân chính của những cuộc chia tay. Điều khiến giới mộ điệu ngạc nhiên là quy luật đào thải dường như đang càn quét ngành thời trang toàn cầu.
Giữa bối cảnh đòi hỏi sự cân bằng giữa yêu cầu tăng trưởng doanh thu và khả năng đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, khái niệm “It Designer” dường như không còn phù hợp đặc biệt trong bối cảnh xu thế “lấy người tiêu dùng làm trọng tâm” (consumer-driven). Xét về bài toán kinh tế, chi phí để nuôi bộ máy sáng tạo gồm Giám đốc Mỹ thuật/Sáng tạo, nhóm cộng sự và kế hoạch chiến lược thay đổi đồng nhất về tầm nhìn mỹ thuật cũng tiêu tốn một khoản ngân sách không nhỏ.
.
Đường hướng sáng tạo tại nhiều nhà mốt cũng ghi nhận sự thay đổi lớn. Thay vì những sản phẩm đơn thuần phục vụ mục đích trình diễn, nhiều nhà mốt tập trung các dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày của đối tượng khách hàng. Xu hướng này được thể hiện rõ nét qua mùa mốt Xuân-Hè 2016 khi những món đồ phụ kiện ưu tiên yếu tố công năng.
“See now, Buy now” có phải là điều kỳ diệu?
Sự gia tăng tầm ảnh hưởng của thế hệ Z không chỉ thể hiện qua việc thay đổi cơ chế điều hành mà còn ở cách thức vận hành của những nhà mốt lớn. Xu hướng See Now, Buy now (tạm dịch: Nhìn tận mắt, mua liền tay) trở thành kim chỉ nam được nhiều nhà mốt lựa chọn để nhanh chóng tái cơ cấu. Trong chiến lược kinh doanh tổng thể, Burberry tiên phong khi hợp nhất toàn bộ show diễn dành cho nam và nữ giới và trình diễn 2 lần/năm thay vì 4 lần/năm như hiện nay.
.
Hãng cũng hợp nhất 3 dòng sản phẩm Prorsum, London và Brit dưới tên gọi chung Burberry. Ngay sau khi show diễn kết thúc, toàn bộ trang phục trình diễn sẽ có mặt tại hệ thống cửa hiệu của hãng trên toàn cầu. Mặc dù quyết định của Burberry nhận được nhiều ý kiến trái chiều, những tên tuổi đình đám khác như Tom Ford, Prada và Tommy Hilfiger cũng theo gót chân của Burberry.
Tại thời điểm này, sẽ là quá sớm để khẳng định sự thành công của phương thức kinh doanh See now, Buy now. Tuy nhiên, ngành thời trang với đặc tính liên tục vận động và thay đổi vẫn rất cần những quyết định, thử nghiệm táo bạo để không ngừng làm mới mình.
.
—
Xem thêm
Trong thế giới thời trang 2016, 7 điều gì đang chờ ta?
Sự sáng tạo & một thế giới thời trang dịch chuyển quá nhanh
Top 10 khoảnh khắc “tái sinh” của làng thời trang thế giới
Nhóm thực hiện
Bài: Thanhhuysing - Ảnh: Tư liệu