Những câu chuyện về Marie Antoinette, vẻ đẹp phóng khoáng, trần trụi của phố đèn đỏ Paris và hình ảnh người mẹ uyển chuyển trong điệu flamenco đã in sâu vào tâm hồn NTK John Galliano từ thuở ấu thơ. Những ký ức ấy, một cách nào đó đã biết cách nảy mầm cùng ông, trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho hành trình sáng tạo nghệ thuật. Mỗi thiết kế của Galliano không chỉ dừng lại ở một bức tranh tĩnh mà phải là cả một bộ phim chuyển động, sàn diễn biến thành vở kịch phi lý, và người mẫu hóa thân thành các nhân vật hư cấu trong thế giới cổ tích muôn màu. Cùng với sự hỗ trợ đắc lực của những cộng sự tài năng như Pat McGrath và Philip Treacy, vương triều Galliano khởi đầu.
BÀI LIÊN QUAN
Gây sốt giới chuyên môn ngay từ BST tốt nghiệp “Les Incroyables” tại Central Saint Martins, John Galliano đã thách thức mọi chuẩn mực truyền thống với tinh thần cải cách của cuộc cách mạng Pháp. Những quý tộc với tư tưởng cách tân mới cầm cờ bước lên sàn diễn: cặp mắt trắng, ủng cao cổ, áo cổ điển xếp tầng và họa tiết kẻ dọc xanh dương đã tiên đoán cho chặng hành trình tuyên ngôn táo bạo. Với tinh thần phản kháng mãnh liệt, Galliano đã đưa giới mộ điệu London, đặc biệt là cửa hàng thời trang danh tiếng Browns, phải ngỡ ngàng trước tài năng thiên bẩm và góc nhìn đương đại mới.
Đứng trước ngưỡng cửa thập niên 90 với những thách thức không nhỏ, John Galliano đã dũng cảm đặt cược vào sự sáng tạo của mình. Bộ sưu tập “Công chúa Lucretia” (Xuân-Hè 1994), lấy cảm hứng từ một nàng công chúa Nga trốn chạy, đã trở thành “canh bạc” thành công. Những nàng công chúa đôi mươi bay lượn trên sàn diễn với váy áo xòe rộng, âm nhạc hoang dã và hình ảnh Kate Moss được Galliano tận tình chỉ tay đã đi vào lịch sử thời trang đương đại. Sự táo bạo và phá cách của Galliano đã chinh phục tâm hồn Anna Wintour, mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho sự nghiệp của ông.
Tiếp nối thành công đó, bộ sưu tập Thu-Đông 1994 lại đưa chúng ta đến một thế giới hoàn toàn khác: thế giới lấy cảm hứng từ mỹ nữ Kiki de Montparnasse và sự giao thoa giữa cảm quan Đông – Tây. Galliano đã tái hiện những cô gái kimono gợi cảm và bí hiểm, trên mình những thắt lưng obi hoa hồng, mũ cloche và áo khoác lông cừu Deco. Không quá khó để thấy Galliano bị cám dỗ bởi sự ma mị của tinh thần Đông Á, Đông Dương và ngày càng rõ ràng hơn qua những nhiệm kỳ sau này.
“Gã điên Anh quốc” lại tiếp tục khiến dân tình chia phe, đặt dấu chấm hỏi khi một NTK người Anh lại được bổ nhiệm cho một thương hiệu Pháp lâu đời. Hình ảnh Givenchy từ lâu đã gắn liền với sự thanh lịch, sang trọng, dễ dàng hình dung qua tượng đài Audrey Hepburn trong bộ phim “Breakfast at Tiffany’s” đã bị khuynh đảo khi ông bước vào. Những giá trị tưởng chừng bất biến được thổi ngay một làn gió mới, đương đại và cách tân với các thiết kế tối đa, gây hoài nghi và huyền bí. Vì sao những đường viền xếp nếp của áo ngủ lại nằm tài tình được trên những thiết kế sang trọng của Givenchy?
Dior dưới triều đại John Galliano sẽ không bao giờ khiến bạn bỏ qua nếu bạn thực sự yêu thời trang. Khi “New Look” nguyên bản của Christian Dior đã đánh bay quan niệm về vẻ đẹp nữ tính thời Hậu Chiến, thì Galliano tiếp tục đẩy Dior lên tầm cao mới với mỹ quan New Look “mới” đầy kịch tính, vượt qua mọi giới hạn không – thời gian. Trong khi các nhà thiết kế đương đại dễ dàng vấp phải những chỉ trích dữ dội khi cho người mẫu diện các bộ cánh lấy cảm hứng từ tầng lớp lang thang hoặc “bất khả xâm phạm”, thì John Galliano lại tỏ ra tự do và táo bạo hơn cả. BST Xuân-Hè 2000 mở đầu với hình ảnh Đức Giáo Hoàng mặc váy bước vào (thiết kế mà Rihanna mặc tại Met Gala sau này), thách đố cặp tính từ thiêng liêng – trần tục. Cô dâu chú rể cổ điển Á – Âu tiến vào khán đài, tiếp sau là những cô gái nguyên thủy trong bộ cánh da cá sấu kỳ hoặc và những cô cảnh sát “có râu”.
BST Dior Xuân-Hè 2003 của John Galliano tái hiện “động bàn tơ” huyền bí hư ảo với những cô Geisha trang điểm trắng xóa, mái tóc cầu kỳ Nihongami trong những bộ cánh bằng lụa, vải mạ bạc, dường như hóa thân thành những con rối cơ khí “Ghost In The Shell”, những bóng ma lang thang giữa không gian. BST Dior Xuân-Hè 2004 dẫn ta đến chốn Ai Cập Phi Châu với hình ảnh Nữ hoàng Nefertiti và những vị thần bước ra từ cõi đầu tiên. Người mẫu như những bức tượng sống động, với những chiếc mũ đầu chó sói quyền lực và những chiếc khuyên tai hình bọ hung lấp lánh, đã đưa khán giả vào một thế giới đầy ma mị và huyền bí.
Bậc thầy kể chuyện tiếp tục tạo ra những viễn mộng vương giả với moiré đính đá quý và lụa viền lông thú trong BST Dior Thu-Đông 2004. Hoàng hậu Elizabeth hay Marie Antoinette quằn quại với khuôn mặt phủ phấn trắng, chiếc vương miện lệch lạc khi họ đi trên đường băng với những chiếc váy xòe vuông vức và khổng lồ, dư vải để bọc bốn chiếc ghế sofa. Hình ảnh những nữ chiến binh với áo giáp mạ vàng lấp lánh, váy latex 3D ôm sát cơ thể và vương miện thủy tinh cao vút đã tạo nên một khung cảnh vừa mạnh mẽ, vừa quyến rũ tái hiện trong BST Thu-Đông 2006. Sự kết hợp giữa chất liệu cứng cáp của áo giáp và sự mềm mại của vải vóc đã tạo nên một sự tương phản đầy bất ngờ, khi vừa có thể là váy xếp nếp vừa là chiếc áo giáp ngực Joan of Arc chinh chiến.
Không bàn cãi khi Martin Margiela là thiên tài trong việc tái cấu trúc và thực hành chất liệu, thì hậu duệ John Galliano lại hoàn toàn dư sức khai thác. Những chiếc áo giáp ngực bằng vỏ sò, những chiếc váy bằng da chạm khắc hay những bộ vest tuxedo được thiết kế lại một cách tinh tế đã chứng tỏ tài năng sáng tạo không giới hạn của ông dưới triều đại mới. Có phần tinh giản hơn, ứng dụng hơn nhưng vẫn tỏa sáng, như cách chiếc áo khoác trắng với những chi tiết vải tuyn đen tạo hình khuôn mặt trong BST Martin Margiela Artisanal 2015 của Galliano vội vàng nằm trong top tìm kiếm kể cả sau khoảng thời gian đứng trước mũi dùi chỉ trích.
Và khi những màn trình diễn cũng phải giãn cách xã hội vì Covid-19, thì Maison Margiela lại tái diễn BST Thu-Đông Artisanal 2021 dưới một bộ phim điện ảnh “A Folk Horror Tale”. Kỹ thuật “l’essorage” độc đáo của những nhà giả kim, biến những mảnh vải cũ kỹ trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị. Hình ảnh những chiếc mặt nạ động vật bằng bìa cứng, những chiếc mũ ba góc và mũ thủy thủ, cùng với những chiếc quần denim xanh và áo khoác có đệm, đã đưa chúng ta trở về một thời kỳ mà con người sống gắn bó với thiên nhiên.
Gần đây nhất, ngập tràn những tiếng vỗ tay, niềm ủng hộ vô hình khi John Galliano đã trở lại với những vở diễn của mình. Bối cảnh một quán bar nằm ẩn thập niên 1920, ánh trăng mờ ảo, những bóng người trong đêm dưới ánh đèn đường, điếu thuốc trên tay trong nhiếp ảnh của Brassaï được tái hiện. Người mẫu bước ra với chuyển động gượng gạo, những con rối với khớp nối giật cục, gương mặt bóng loáng thủy tinh khiến công chúng trong sâu thẳm thở phào, chuẩn bị tinh thần đón chào sự trở lại của mỹ học Galliano trong thời đại này.
Nhóm thực hiện
Bài: Bảo Quốc
Ảnh: Tổng hợp