Trong nhiều năm, các chuyên gia phân tích nhận định rằng nền thời trang đáng giá hàng ngàn tỷ đô la Mỹ trên thực tế lại là ngành công nghiệp gây tác động nghiêm trọng nhất đến môi trường, chỉ sau ngành khai thác nhiên liệu hoá thạch.
Hàng năm, mẹ thiên nhiên bị đe dọa bởi hàng tỷ tấn quần áo được đưa vào các bãi chôn lấp không phân huỷ, chưa kể đến việc sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên quý giá và quá trình sản xuất dư thừa từ thời trang nhanh. Theo một báo cáo năm 2018 từ nhóm phát triển môi trường bền vững Quantis, tác động thời trang đối với hiện tượng biến đổi khí hậu đã tăng 35% trong giai đoạn từ 2005 và 2016 do sự thay đổi trong vật liệu sử dụng, thói quen tiêu dùng và địa điểm sản xuất.
(Ảnh: Shutter Stock)
Thế nhưng, sự hoang phí không chỉ đến từ quy trình khai thác nhiên liệu và chuỗi cung ứng. Trên Instagram tràn ngập hình ảnh chụp thiệp mời tham dự những buổi trình diễn nằm trong khuôn khổ các tuần lễ thời trang cao cấp, nhưng một thực tế đáng lo ngại rằng chính những tấm thiệp mà khách mời nâng niu ấy lại chính là tác nhân tiềm tàng nguy cơ tàn phá môi trường.
Một người tham dự show diễn tuần lễ thời trang Paris chụp lại hình ảnh thiệp mời. (Ảnh: Edward Berthelot/Getty Images)
Thật khó tin khi những hình ảnh lãng phí trong ngành công nghiệp thời trang lại được tôn vinh trên các trang mạng xã hội trong khi các nhiều nhãn hàng đang nỗ lực không ngừng để cải tiến các phương pháp tiếp cận bền vững nhằm tạo ra môi trường làm việc đạo đức và minh bạch hơn. Trong năm qua, các thương hiệu cao cấp như Gucci, Versace và Michael Kors đều cam kết khai trừ chất liệu lông thú còn nhà bán lẻ Noah lại lựa chọn thay đổi chiến lược vận hành để giảm thiểu lượng giấy và chất thải bao bì.
BÀI LIÊN QUAN
Clara Jeon – đồng sáng lập của công ty truyền thông Chapter 2 Agency có trụ sở tại New York cho biết: “Tất cả thiệp mời này sau đó đều bị bỏ lại và trở thành đống rác lớn trong các khu chôn lấp. Đây là dấu hiệu lãng phí không đáng có trong nền công nghiệp thời trang hiện đại“. Thật vậy, các tấm vé dù được thiết kế chu đáo và sang trọng thế nào cũng không được giữ lại, thay vào đó chúng nằm rải rác trên các băng ghế hoặc thậm chí là trên đường phố, theo ghi nhận thực tế từ các tuần lễ thời trang được tổ chức trước đó.
Mỗi thiệp mời dưới dạng giấy hay bìa cứng đều được in ấn tỉ mẩn và thể hiện phong cách sáng tạo riêng của từng nhà mốt. (Ảnh: The Absolute Group)
Mặc dù nếu nhìn vào khía cạnh khác thì sự thiếu vắng vé in có thể dẫn đến một số hậu quả khôn lường, cụ thể là việc gia tăng hiện tượng giả mạo vé gây thiệt hại đến chất lượng và doanh thu của một chương trình thời trang có tầm cỡ quy mô lớn. Nhưng không thể phủ nhận ảnh hưởng trầm trọng từ lượng giấy thừa thãi đối với con người, môi trường và đặc biệt là hệ sinh thái rừng.
Tính đến năm 2014, The World Count báo cáo rằng 50% chất thải do các doanh nghiệp sản xuất cấu thành từ giấy, trong đó thành phần chủ yếu để tạo nên giấy chính là cây thân gỗ. Đến năm 2030, theo ước tính sẽ chỉ còn 10% rừng nhiệt đới còn lại trên thế giới, nhưng tất cả có thể biến mất trong một thế kỷ nếu tình trạng chặt phá rừng và khai thác gỗ bừa bãi vẫn tiếp diễn để phục vụ cho nhu cầu gia tăng từ các nền công nghiệp toàn cầu. Điều này tất nhiên sẽ đặt ra mối đe dọa cho nhân loại, vì mỗi cây xanh không chỉ có khả năng cung cấp đủ oxy cho ba người mà còn góp phần chống lại ảnh hưởng tiêu cực từ hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu.
Chiến dịch quảng bá của thương hiệu Stella McCartney nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường. (Ảnh: Fashion Today)
Tuy nhiên, các doanh nghiệp và nhà điều hành cũng dần quan tâm đến vấn đề này hơn và bắt đầu lựa chọn phương án dùng vé điện tử để tiết kiệm chi phí và ngăn chặn các hành động gây lãng phí. Điển hình như tuần lễ thời trang New York đã không còn sử dụng giấy in, thay vào đó họ chuyển sang hệ thống Launchmetrics (phần mềm quản lý trên nền tảng công nghệ). Tất nhiên đây chỉ là một trong số những thay đổi rất nhỏ, nhưng cũng là dấu hiệu chứng tỏ ngành công nghiệp thời trang không hoàn toàn thờ ơ và mọi chuyện có khả năng xoay chuyển nếu như tất cả cùng chung tay để hướng đến một quy chuẩn và lối vận hành tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Những người tham dự sàn diễn thời trang Xuân – Hè của thương hiệu Vetements được phát bánh cookie thay vì thiệp mời. (Edward Berthelot/Getty Images)
—
Xem thêm:
Có hay không sự minh bạch và tính công khai trong ngành công nghiệp thời trang hiện hành?
Sử dụng lông thú nhân tạo có thực sự thân thiện với môi trường?
Nhóm thực hiện
Diệu Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Tham khảo: Fashionista/ Ảnh: Sưu tầm)