8 tượng vàng Oscar và sự nghiệp trái ngành của NTK phục trang phim Edith Head
Được mệnh danh là nhà thiết kế trang phục thành công nhất trong thời kỳ hoàng kim của Hollywood, Edith Head đã hiện thực hoá thế giới giả tưởng trên màn bạc và để lại những tuyệt phẩm là cảm hứng mãi về sau cho giới mộ điệu.
Thiết kế phục trang phim chưa bao giờ là điều dễ dàng bởi những bộ cánh phải phù hợp với góc quay, màu phim và aesthetics tổng thể. Hãy lấy NTK Jennifer Johnson và Blonde làm ví dụ, khi cô đã phải thử nghiệm hàng giờ để có thể tạo ra hiệu ứng phóng đại cho chiếc váy trắng đầy tính biểu tượng của Marilyn Monroe sao cho đủ ấn tượng khi lên hình. Hiểu được điều này, giới mộ điệu lại càng thêm ngưỡng mộ và hoài niệm về Edith Head – người phụ nữ có nhiều tượng vàng nhất lịch sử Oscar. Bà cũng chính là hình mẫu của nhân vật Edna “E” Mode – NTK của các hero trong bộ phim hoạt hình Incredibles của Disney.
Giác quan nhạy cảm trong thời trang của Edith Head
Nhà thiết kế vĩ đại của thế kỷ 19 vốn là “kẻ ngoại đạo” của làng mốt vì bà xuất thân là cử nhân văn chương, và dành những năm đầu tiên của sự nghiệp để giảng dạy tiếng Pháp. Edith Head “bén duyên” với thời trang khi bà trở thành nghệ sĩ phác họa trang phục tại Paramount Picture. Mặc dù là một người không có kinh nghiệm về thiết kế nhưng bà vẫn được tin tưởng giao trọng trách tạo hình cho những bộ phim câm, mở đầu là The Wanderer vào năm 1925.
Bằng giác quan nhạy cảm bẩm sinh và tài năng cùng sự tinh tế của bản thân, nhà giáo người Pháp đã thành công rẽ hướng hoàn toàn sang mảng thiết kế. Edith Head là một cái tên quen thuộc của Viện Hàn lâm khi tạo ra những bộ cánh hoa văn vô cùng mới mẻ, độc đáo và khác biệt so với xu hướng lúc bấy giờ, như váy sarong của Dorothy Lamour, váy sequin của Ginger Rogers… Một điều đáng nể khi bà chịu trách nhiệm phục trang cho A Place In The Sun là toàn bộ thiết kế được hoàn thành trước khi bộ phim khởi chiếu tận một năm, nhưng chúng không hề lỗi mốt mà ngược lại còn tạo ra trào lưu, đặc biệt là loạt váy dạ hội lộng lẫy mà Elizabeth Taylor đã diện.
Thời trang không thể tách rời khỏi thông điệp của bộ phim
Edith Head là trở thành huyền thoại với tổng cộng 35 đề cử và 8 chiến thắng Best Costume Design của Viện Hàn Lâm cho: The Heiress (1949), Samson and Delilah (1950), All About Eve (1950), A Place in the Sun (1951), Roman Holiday (1953), Sabrina (1954), The Facts of Life (1960), The Sting (1973). Khi các nhà làm phim “bắt tay” với “the dress doctor” này, tác phẩm điện ảnh đó chắc chắn đã chiến thắng trong lòng giới mộ điệu.
Cố nhà thiết kế luôn hiểu được cách để truyền tải thông điệp của bộ phim thông qua trang phục. Như Audrey Hepburn trong Roman Holiday luôn xuất hiện trong những bộ cánh thanh lịch và nhẹ nhàng: giày bệt cột dây, khăn quàng cổ với hoạ tiết kẻ sọc vui mắt – đúng với mục đích nhằm tạo ra cảm xúc tích cực của một bộ phim hài lãng mạn. Hay Elizabeth Taylor trong A Place In The Sun cũng là hiện thân rõ ràng hơn cho một nhân vật mà nam chính theo đuổi nhưng không bao giờ có thể chạm tới, thông qua những bộ đầm dài với chi tiết ren tinh xảo, khắc hoạ Taylor thành một bức tranh của sự hoàn mỹ xa vời.
Chất xúc tác dẫn đến thành công cho các bộ phim Hollywood
Mỗi lần trang phục của Edith Head xuất hiện trên màn ảnh là một khoảnh khắc rực sáng của thời trang đương thời. Điển hình trong số đó chắc chắn phải nhắc đến bộ váy dự tiệc sang trọng của nữ diễn viên Mae West trong bộ phim She Done Him Wrong. Tác phẩm của Edith Head đã trở thành “cơn sốt” tại Pháp vào 1933 với bộ váy dự tiệc ánh kim bó sát làm tôn lên từng đường cong của phái đẹp. Sau thành công của She Done Him Wrong, không chỉ hãng phim Paramount đang “thoi thóp” được vực dậy mà Mae West còn trở thành nữ diễn viên được trả lương cao nhất Hollywood và được cả thế giới công nhận rằng “kết quả đến từ những chiếc váy lộng lẫy của Edith Head”.
Theo ước tính, có tới hàng chục nghìn bộ váy dạ tiệc “ăn theo” kiểu dáng thiết kế của Edith được “ra lò” vào năm 1951 với A Place In The Sun. Edith Head có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách của những người phụ nữ ở cả hai châu lục Âu Mỹ: “Lần đầu tiên Paris sẵn sàng thừa nhận rằng họ đang sao chép phong cách của mình từ Hollywood.”
Nguồn cảm hứng bất tận cho các “hậu bối” trong làng mốt
Không chỉ có sức ảnh hưởng với làng mốt trong kỳ đỉnh cao sự nghiệp, cố nhà thiết kế còn để lại tiếng vang vọng đến những bộ sưu tập ra đời sau hàng chục năm. BST ready-to-wear Thu/Đông 2005 của Alexander McQueen lấy cảm hứng từ Tippi Hedren trong The Birds là một trong vô vàn những ví dụ về cảm hứng thời trang mà Edith Head truyền lại cho các nhà thiết kế khác. Có thể thấy, hơn 40 năm sau sự ra đời của The Birds vào năm 1963, những trang phục từ đôi tay và khối óc của Edith Head vẫn đủ thời thượng để các “hậu bối” tiếp tục khai thác và lấy làm nền tảng sáng tạo.
Bài: Hải Yến
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE