Thời trang – Ánh sáng & Âm thanh

Đăng ngày:

Trình diễn thời trang là một phần không thể thiếu trong thế giới thời trang đầy màu sắc. Đó là cơ hội đầu tiên giúp nhà thiết kế “khoe” những nỗ lực, tâm huyết của mình trước các chuyên gia, nhà phê bình và khách hàng chủ chốt. Nhưng giống như con dao hai lưỡi, trình diễn thời trang có thể đưa nhà thiết kế cùng BST lên đỉnh vinh quang nhưng cũng có khả năng “hạ bệ” xuống tận bùn đen.

Trong show diễn ấn tượng của nhà Chanel Thu – Đông 2011/2012 được tổ chức tại Grand Palais nguy nga giữa thủ đô Paris, Karl đã tái tạo thành công Coco Vendôme nơi bà hoàng từng sinh sống. Quảng trường Vendôme xuất hiện lộng lẫy dưới bầu trời sao lấp lánh càng làm tăng thêm vẻ hư ảo cho BST của Karl. Ông đã “vẽ” sàn catwalk bằng ánh sáng nhờ dàn đèn rọi từ trên cao khiến người xem như đang ngồi ở rạp chiếu phim chiêm ngưỡng những thiết kế bằng 3D một cách rõ ràng đến từng chi tiết.

Với show ấn tượng, khán giả sẽ ngồi trong bóng tối nhìn ra sàn diễn là sân khấu rực rỡ ánh đèn. Trong khi bối cảnh của show ứng dụng sự chênh lệch giữa ánh sáng sàn diễn và khán giả là không đáng kể. Về phần âm nhạc, Karl thường sử dụng DJ với âm nhạc hiện đại mang tiết tấu nhanh trẻ trung nhưng không kém phần sang trọng.

Cùng chia sẻ với xu hướng này là nhà Louis Vuitton mà điển hình là show Xuân – Hè 2011/2012 với chiếc đu quay khổng lồ đưa người xem về thế giới thần tiên trong sáng. Tuy nhiên, thay vì sử dụng đèn nhấp nháy xanh đỏ và âm thanh rộn ràng, LV đã tối giản bằng việc sử dụng ánh sáng trắng làm chủ đạo. Âm nhạc cũng thay đổi tiết tấu tuỳ theo cảm hứng của từng BST. Và kết quả là Louis Vuitton đã thành công khi biến sàn diễn cho những mẫu thiết kế tinh tế của Marc Jacobs trở thành một giấc mơ cổ tích.

John Galliano luôn làm hài lòng những nhà phê bình khó tính nhất khi đến xem show diễn của ông. Là một trong những nhà thiết kế chịu ảnh hưởng lớn của nghệ thuật trình diễn, cho dù đó là show ứng dụng hay ấn tượng yếu tố ánh sáng và âm thanh đều được sử dụng triệt để nhằm “tâng bốc” BST ngay từ lúc khán giả ổn định chỗ ngồi.

Mở đầu show diễn luôn là những màn trình diễn ánh sáng lạ mắt và huyền bí. Nếu trong BST Thu – Đông 2011/2012 dành cho nam giới John mang tới những bông tuyết trắng xóa miền sơn cước thì BST Xuân-Hè trước đó lại tạo cảm giác như đang diễn ra ở câu lạc bộ đêm hàng đầu tại thành phố Luân Đôn nhờ hệ thống đèn laser bảy màu. Người xem luôn có cảm giác âm nhạc đã mang lại nhiều cảm hứng cho những thiết kế của John bởi ông không ngần ngại chơi Metallic hay Punk Rock trong show của mình.

Trước kia, có lẽ John là một trong số ít những NTK sử dụng ánh sáng màu trong phần trình diễn mà không bị phản đối bởi cách xử lý khôn khéo và cân bằng. Những người yêu thời trang không thể không nhắc tới BST ấn tượng Xuân – Hè 2004 của nhà Christian Dior khi John lấy ý tưởng từ trang phục của các Pharaon cổ đại. Đèn âm tường, ánh sáng trắng và nhạc hip-hop làm chủ đạo đã đưa người xem trở về khu lăng mộ Ai Cập thời hoàng kim.

Chia sẻ niềm đam mê sân khấu với John Galliano, Alexander McQueen không ngần ngại thử nghiệm những ý tưởng táo bạo từ việc trình diễn trong nhà kính cho tới biến catwalk thành trường quay hay sân khấu laser, với những điểm sáng trắng mà người mẫu bắt buộc phải bước chân vào.

-005

Không có ánh sáng và âm thanh, trình diễn thời trang sẽ giống như một bộ phim câm đen trắng. Ở thời đại mà công nghệ mang đến cho người xem hình ảnh không gian ba chiều, thậm chí bốn chiều, với đầy đủ cảm nhận từ các giác quan thì rõ ràng nhiệm vụ “trình diễn” ánh sáng và âm thanh đã trở thành sự sống còn của một show diễn. Hay nói cách khác, đó chính là một bộ môn nghệ thuật.

Nghệ thuật thường tạo nên sự tranh cãi cũng giống như sáng tối hay nhanh chậm. Trong thời trang, ánh sáng và âm thanh luôn đòi hỏi sự cân bằng hoàn chỉnh để phô diễn đường cắt và chất liệu. Còn nghệ thuật? Xin đừng sử dụng quá nhiều vải thưa nhằm khỏa lấp những con mắt tò mò.

Nhóm thực hiện

Bài: Ricky Nguyễn – Ảnh: IMAXTREE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more