“Anti-fashion” – Khái niệm thời trang phá vỡ mọi thước đo chuẩn mực
Xuất hiện vào những năm đầu của thập niên 80, chủ nghĩa Anti-fashion đã dỡ bỏ mọi chuẩn mực khắt khe về cái đẹp và thay đổi xu hướng vận hành của nền công nghiệp thời trang tỷ đô.
Dù là một ngành công nghiệp mang đầy tính cảm hứng nhưng thời trang vẫn có những chuẩn mực khắt khe. Ngược về quá khứ hình thành, mỗi thiết kế hay đường may, lát cắt trong thời trang đều tuân theo các quy chuẩn lâu đời để mang đến tinh hoa sáng tạo cho giới mộ điệu. Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi khi thời trang bước vào những năm 90 của thế kỉ 20. Lịch sử nhân loại chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của làng mốt khi chủ nghĩ Anti-fashion (Phản thời trang) ra đời. Sự xuất hiện của khái niệm này như “cú nổ chấn động” đến tư duy của làng mốt thời điểm đó và trở thành kim chỉ nan để các tên tuổi thiết kế lớn khẳng định vị thế của mình trong sự đào thải khốc liệt của ngành công nghiệp thời trang.
“ANTI-FASHION” là gì?
Anti-fashion hay còn gọi là “Phản thời trang” là thuật ngữ được dùng để miêu tả những phong cách hay xu hướng ăn mặc nhằm phản đối lại các quy chuẩn thời trang chính thống hiên tại. Đó có thể vì mục đích chính trị, chống đối chiến tranh hay đơn giản là ngẫu nhiên vì sở thích cá nhân. Đi ngược lại với xu hướng chung nhưng trào lưu Anti-fashion được ủng hộ bởi nhiều nhà thiết kế nổi tiếng đương thời. Với họ, khái niệm này như chiếc cầu nối giữa các di sản thời trang với ngôn ngữ thiết kế cá nhân và cùng lúc, thể hiện “cái tôi” sáng tạo độc nhất.
NHỮNG NHÀ TIÊN PHONG TRONG địa hạt “PHẢN THỜI TRANG” THẾ GIỚI
Nói đến chủ nghĩa Anti-fashion, không thể không nhắc đến NTK “lập dị” người Nhật Yohji Yamamoto. Ông là một trong số những người đầu tiên đã “đặt viên gạch nền móng” phát triển và phổ biến trào lưu thời trang đi ngược quy tắc chung này. Khi thời trang được ví như chiếc “lồng giặt” cũ kĩ với những xu thế quen thuộc cứ mãi lặp vòng đến mức nhàm chán và trùng lặp, thì Yohji đã mang “làn gió mới” đến với các sàn diễn cao cấp tại Paris. Với những đường cắt cúp tự do, phóng khoáng, những layer mềm mại xếp chồng lên nhau trên nền vải đen huyền bí, Yohji Yamamoto đã thành công khẳng định vị thế của mình trong lãnh địa haute couture.
Đi theo trường phái Desconstructions (Giải cấu trúc), trang phục từ Maison Martin Margiela là những thiết kế tiên phong được ví như công trình kiến trúc được phục sức lên cơ thể người. Ông thể hiện con mắt nghệ thuật độc đáo của mình qua các cấu trúc bất đối xứng dang dở, lát cắt khó đoán và những đường may không hề có quy luật. Tư duy thẩm mỹ đầy phá cách, không bị trói buộc bởi bất cứ tiêu chuẩn nào tạo nên một màu sắc rất riêng cho những bộ sưu tập thời trang của ông.
[inline article id=436117]
Những BST mang tinh thần thời trang “ANTI-FASHION” của NĂM 2021
Giữa làn khói huyền ảo, nhà thiết kế Rei Kawakubo tạo nên BST Comme des Garçons Thu – Đông 2021 với những thiết kế váy lồng khung làm phồng đầy “phóng đại” như quay trở về thời Victoria cổ xưa. Những mảng ren và tulle được điểm xuyết ngốn ngang trên nền vải màu đen trắng chủ đạo. Các thiết kế mùa Thu – Đông 2021 của Comme des Garçons cứ thế “hút hồn” giới mộ điệu bởi tư duy độc đáo, đầy lạ kì và bí ẩn.
Ở mùa couture Thu-Đông 2021/22, Viktor & Rolf đã tái hiện vở kịch hoàng gia Châu Âu cổ điển với những sự tích cực, thăng hoa và độc đáo trong từng thiết kế. Khán giả như choáng ngợp trong những mẫu áo choàng lông chồn ermine đặc trưng cho vua chúa cùng độ phồng được “phóng đại” một cách bất bình thường. Không chỉ sử dụng các chất liệu tái chế và dư thừa cho những sáng tạo thời trang cao cấp, bộ đôi NTK còn thể hiện sự châm biếm của mình với những quy chuẩn thông thường. Sự xuất hiện của những chiếc ruy băng quá khổ in thông điệp ngạo nghễ cùng chi tiết đính đá to bản “khoe mẽ” cũng đã truyền tải nguồn năng lượng sáng tạo đầy thách thức của Viktor & Rolf.
Và tất nhiên không thể thiếu được NTK “độc dị và hư hỏng” Rick Owens. Ông hoàng của chủ nghĩa Post-apocalyptic (hậu tận thế) đã mang đến BST Ready-To-Wear mùa Thu 2021 những bộ áo liền quần ôm sát đính sequin (catsuit) cùng áo phao rộng dài đầy tính “cường điệu”. Owens đã mang đến một sàn diễn đầy u tối đến ám ảnh khi các người mẫu của ông sải bước mạnh mẽ trong các thiết kế dị biệt và chiếc khẩu trang mô phỏng mặt nạ chống khí độc giữa thời kì đại dịch bùng phát.
tương lai nào cho chủ nghĩa chống thời trang?
Năm 2021, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy sự thay đổi tích cực trong nền công nghiệp tỷ đô khi các “ông lớn” trong ngành dần tự phá vỡ những lề lối và quy chuẩn ngay trên những sàn diễn thời trang. Tương tự việc dành sự tôn trọng cho đặc điểm cơ thể khác biệt, sắc tộc hay cân nặng của người mẫu, các nhà mốt cao cấp và tín đồ thời trang thế hệ mới cũng đã có cái nhìn thoáng đạt hơn về những thiết kế vượt khỏi khuôn khổ chuẩn mực của thời trang.
Thời trang là vùng đất để sự sáng tạo được thoả sức “bay nhảy”, việc áp đặt những thước đo về vẻ đẹp hoàn hảo sẽ vô tình làm mất đi những yếu tố hào hứng và bất ngờ trong thiết kế. Vì vậy, dù không ít lần gây ra các tranh cãi trong làng mốt, chủ nghĩa anti-fashion vẫn đã và đang có những đóng góp không nhỏ trong việc mang đến sự đa dạng và mới lạ trong ngành thời trang thế giới.
Bài: Thi Lê
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE