Thời trang bền vững không chỉ dành cho người giàu!
Thời trang bền vững không chỉ là “sân chơi” cho các nhãn hàng xa xỉ mà đang đến gần hơn với đại đa số người dùng nhờ các thương hiệu bình dân.
Thời trang bền vững không chỉ dành cho những người có nhiều tiền, đối tượng có thể chi trả cho các mặt hàng xa xỉ được đầu tư về nhiều mặt. Trên thực tế, những người tiêu dùng với khả năng tài chính trung bình chỉ đủ khả năng chi trả cho các mặt hàng thời trang “ăn liền”, với mức giá mềm và nhiều sự lựa chọn hơn.
Hầu hết các sản phẩm của thương hiệu thời trang bền vững đều rất đắt tiền. Đơn cử như những sản phẩm được làm từ nylon tái chế hay các nguyên liệu thân thiện với môi trường của Stella McCartney đều không có giá phù hợp cho những người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình. Mặc dù đi tiên phong trong cuộc “cách mạng” thời trang bền vững, nhưng các sản phẩm của cô vẫn chưa thật sự có thể đến với số đông.
Ngay cả các thương hiệu thời trang bền vững được cho là không quá xa xỉ đều bán các sản phẩm với mức giá vượt xa khả năng của phần lớn người tiêu dùng. Điều này được lý giải là để chi trả cho những chính sách xây dựng thương hiệu bền vững. Nhãn hiệu Reformation đã dùng lợi nhuận của mình để đầu tư vào các giải pháp nước sạch và các hoạt động để bù đắp cho vấn đề khí thải của bãi rác.
Tương tự, thương hiệu Birdsong tại Anh cũng tập trung đầu tư vào công nhân trong nhà máy sản xuất. Vì vậy, mức giá cho một sản phẩm của nhãn hàng Reformation tại LA có giá vào khoảng 200 đô la Mỹ, còn một chiếc áo đến từ thương hiệu “đạo đức” Birdsong ở Anh cũng được bán với giá 125 đô la Mỹ.
Theo chuyên gia tài chính Pete Dunn, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu lên đến khoảng 5% tiền lương của mình cho các mặt hàng thời trang, đặc biệt là quần áo. Tức là với mức lương khoảng 30 nghìn đô la Mỹ một năm, mỗi người có thể chi tiêu 1.500 đô la cho quần áo. Đối với hầu hết mọi người, việc chi tiêu cho các thiết kế bền vững gần như là không thể.
Mặt khác, áp lực để ngừng việc tiêu thụ mặt hàng thời trang “ăn liền” là rất khó khăn khi ngành công nghiệp này có thể đem đến hàng tỷ đô la Mỹ cho các CEO, phần tiền có thể dùng vào việc sản xuất các mặt hàng thời trang bền vững. Vào năm ngoái, Philip Green, Chủ tịch công ty chủ quản thương hiệu Topshop và các thương hiệu thời trang bình dân khác, được cho là sở hữu tài sản lên đến 3.8 tỷ euro. Arthur Peck, CEO của tập đoàn GAP, cũng kiếm được đến 15.6 triệu đô la Mỹ trong cùng năm. Nếu trích chỉ 10% số tiền đó để tăng lương cho các công nhân và tìm nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường thì có thể tạo nên sự khác biệt lớn cho ngành công nghiệp này.
Mặc dù thời trang “ăn liền” có nhiều tác động tiêu cực rõ rệt đến môi trường nhưng nhiều người cũng đang quên rằng thời trang cao cấp cũng có những ảnh hưởng tương tự. Thậm chí nếu người tiêu dùng có thể chi trả nhiều hơn cho các loại quần áo cũng không đảm bảo việc giảm tác động tiêu cực đến mối trường.
Orsola de Castro, đồng sáng lập và giám đốc sáng tạo của Fashion Revolution cho biết: “Trong thị trường thời trang xa xỉ, đồ trang sức, vải cashmere, vật liệu da đều là tác nhân gây hại cho môi trường. Trang phục thiết kế có thể đắt hơn nhưng doanh nghiệp vẫn không trả mức lương phù hợp, thậm chí là không đạt được mức thu nhập tối thiểu cho người lao động. Chúng ta cần giải pháp cho toàn bộ ngành công nghiệp thời trang, chứ không chỉ riêng thời trang nhanh”.
Đồng thời, nếu xét về tính minh bạch trong thời trang từ chuỗi cung ứng, tiền lương công nhân đến sự lãng phí, các nhà bán lẻ mặt hàng thời trang bình dân thể hiện sự vượt trội hơn so với hầu hết các nhãn hiệu thiết kế. Orsola giải thích: “Nếu nhìn vào chỉ số minh bạch của Fashion Revolution, nhiều thương hiệu thời trang bình dân có số liệu cao hơn hẳn các thương hiệu cao cấp. Tiêu biểu như H&M, GAP và ASOS đã đạt mức minh bạch lên tới 50%. Đây không phải là kết quả cuối cùng của mục tiêu được đề ra, nhưng nó là một khởi đầu tốt vì sẽ khuyến khích các thương hiệu trở nên trách nhiệm hơn với chuỗi cung ứng của họ”.
Tiến độ của việc xây dựng sự bền vững của các doanh nghiệp thời trang bình dân tuy chậm, nhưng các hoạt động tích cực có liên quan đang trở nên phổ biến hơn. Nhiều nhãn hiệu, như công ty bán lẻ ASOS, đang tập trung nhiều hơn vào phương thức sản xuất hạn chế chất thải độc hại và tái sử dụng các sản phẩm cũ để tránh lãng phí. H&M và GAP cũng đã tổ chức các hoạt động nhằm thu gom và tái chế quần áo cũ từ người tiêu dùng. Các thương hiệu thời trang giá rẻ cũng cam kết sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, như vải lanh, cotton, lụa và Tencel hoặc các vật liệu tái chế như polyester để sản xuất các loại quần áo bền vững, có thể đến được tay của đại đa số người tiêu dùng.
—
Xem thêm:
Doanh nghiệp ngành thời trang đang dùng trí tuệ nhân tạo để thay đổi trải nghiệm mua sắm
Các nhà mốt hàng đầu “thay máu” và những mong đợi tích cực cho ngành thời trang thế giới
Lược dịch: Kim Chi
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: i-d.vice.com
Hình ảnh: Tổng hợp