Thời trang / Thế giới thời trang

Thời trang và công cuộc “Xanh” hoá

"Hành động mạnh hơn lời nói", các thương hiệu thời trang đã có những chiến dịch và giải pháp xanh nhằm hướng đến một nền công nghiệp thời trang thân thiện hơn với môi trường.

Khi Lacoste từ bỏ cá sấu

Áo polo và hình thêu cá sấu đã trở thành dấu ấn đặc trưng của thương hiệu Pháp Lacoste nhưng BST áo polo trắng “Save Our Species” (tạm dịch Cứu lấy những loài vật) là một ngoại lệ thú vị. Chỉ giới hạn 1,775 chiếc với vị trí hình thêu đặc trưng là những loài vật đang trên bờ vực tuyệt chủng như tê giác Java, cọp Sumatran, Vẹt Kakapo… Lacost sản xuất giới hạn bởi một con số không tròn vẹn bởi lẽ đó chính là số lượng của những loài vật trong BST đang còn sót lại như để cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng đang rất gần.

Lợi nhuận mỗi chiếc áo bán ra sẽ được quyên góp cho Hiệp hội bảo vệ thiên nhiên thế giới IUCN.

H&M ra mắt BST “Eco-friendly” thứ 11

Cũng tạo được sức hút và sự quan tâm như những BST cộng tác với những thương hiệu tên tuổi, BST thân thiện với môi trường thường niên “H&M Conscious Exclusive” mang ý nghĩa hơn cả thời trang. Ngoaì linen, cotton, BST sử dụng chất liệu ECONYL, TENCELTM tái chế từ rác thải biển như lưới đánh cá và những đồ nhựa khác.

BST lấy cảm hứng từ thơì trang cuôí Thế kỉ 19 vơí những thiết kế trên nền gấm và lụa óng ánh. Thân thiện với môi trường nhưng vẫn phải mang hơi thở của thời trang và phong cách, đó là những gì “H&M Conscious Exclusive hướng tới.”

Thời trang xa xỉ nói không với lông thú

Chất liệu lông thú đã và vẫn gây ra nhiều tranh cãi về cả vấn đề môi trường lẫn lòng trắc ẩn của con người. Quy trình chăn nuôi và sản xuất lông gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và hệ sinh thái, chưa kể gây ra nguy cơ tuyệt chủng của một số loài. Một dấu hiệu đáng mừng khi càng ngày càng có nhiều thương hiệu xa xỉ tuyên bố sẽ ngừng sử dụng chất liệu lông thú. Đầu tiên là Giorgio Armani, Michael Kors và gần đây nhất là Versace, Gucci, Margiela hay Givenchy mặc dù chưa có thông cáo chính thức nhưng BST thu/đông gồm những thiết kế bằng lông giả cũng là một dấu hiệu khả quan.

BST Givenchy Thu – Đông 2018

Then chốt của thời trang bền vững của Levi’s là công nghệ

Ai cũng biết quần jeans là món đồ thời trang phổ biến toàn cầu nhưng để làm ra một chiếc quần như vậy cần phải tốn 10,000 lít nước, chưa tính đến công đoạn trồng bông vải. Là thương hiệu khai sinh của thời trang jeans, Levi’s đã có những nghiên cứu không chỉ thể hiện một phần trách nhiệm của thời trang với môi trường mà còn đem đến một kỉ nguyên mới cho quần áo. Những công nghệ mà Levi’s đã áp dụng như Water<Less cắt giảm đến 96% lượng nước trong công đoạn hoàn thiện một chiếc quần jeans.

Chương trình Screened Chemistry giảm thiểu những hóa chất độc hại tới môi trường trong công đoạn nhuộm, hay kiểm soát chất lượng nguồn cung bông vải bằng phương thức trồng hiệu quả nhưng an toàn với đất…

Cho đến những đôi giày nguyên liệu tái chế trở nên quen thuộc

Bên cạnh quần jeans thì giày thể thao cũng là phụ kiện thời trang được sử dụng nhiều nhất. Trước kia, hầu hết giày được làm từ nguyên liệu khó tái chế và ảnh hưởng đến môi trường như da, sợi polyester, nhựa và cao su. Tương lai có vẻ sáng sủa hơn khi Adidas bắt đầu xu hướng nguyên liệu tái chế cho sneakers với dự án kết hợp cùng Parley để cho ra những mẫu giày làm từ rác thải biển. Dự án này đang trên đà thành công và Adidas hi vọng rằng đến năm 2020, toàn bộ giày của hãng sẽ chỉ sử dụng nguyên liệu tái chế. Nike cũng không nằm ngoài xu hướng khi cho ra mắt chất liệu tái chế từ da thừa với chất lượng không khác gì da cao cấp nhưng nhẹ hơn từ công nghệ Flyleather, sử dụng ít hơn 90% nước trong quá trình sản xuất và cắt giảm đến 80% tác hại của khí CO2 lên địa cầu.

Nike Flyfeather

Giày sneaker Adidas làm từ lưới đánh cá

Chopard và hành trình đến sự xa xỉ bền vững

Để tiến đến kỉ nguyên thời trang xanh thì đó là cả một hành trình và Chopard cũng đã bắt đầu hành trình tiến đến sự bền vững trong thế giới đồ xa xỉ của mình từ năm 2013 một cách thiết thực. Với cam kết chỉ thu mua chất liệu quý được cấp chứng chỉ Fairmined và kim cương thô rõ nguồn gốc theo chứng chỉ KPCS. Điều này không chỉ ủng hộ những thợ mỏ làm việc theo quy mô nhỏ nhưng an toàn với địa hình khu vực khai thác mà còn ngăn chặn nạn buôn lậu đã góp phần tàn phá nhiều nơi. Ngoài ra, văn phòng và xưởng chế tác tại Thụy Sĩ cũng hoạt động một cách thân thiện với môi trường với nhiều hệ thống sử dụng năng lượng tự nhiên và tái sử dụng tài nguyên như nước mưa. Xem ra, khẩu hiệu “Reduce-Reuse-Recycle” đang được Chopard thực hiện một cách triệt để và xứng đáng là một trong những người đi đầu.

Giải thưởng thời trang xanh GCC

Thời trang thảm đỏ đã không còn quá xa lạ nhưng khái niệm về thảm xanh Green Carpet Challenge của Eco Age lại rất mới mẻ và gây hứng thú khi sự kiện thời trang này tôn vinh những nhân tố của làng thời trang có đóng góp trong công cuộc xanh hóa ngành công nghiệp. Được đồng sáng lập bởi Livia Firth, với ý tưởng về thời trang lộng lẫy và tráng lệ nhưng vẫn rất thân thiện với môi trường. Ngoài ra, chương trình còn liên kết với những NTK hoặc người nổi tiếng có sức ảnh hưởng để tạo ra những BST theo đúng tôn chỉ của GCC. Và không chỉ dừng lại ở thảm xanh của mình, thông điệp của GCC còn được lan truyền đến những sự kiện thời trang được chú ý khác như MET Gala, BAFTA hay Golden Globes.

Gisele Bundchen

Emma Watson

 

Livia Firth

Xem thêm:

Dana Cohen – Người trẻ sáng tạo đeo đuổi thời trang bền vững

Nhận thức về lối sống “bền vững”

Nhóm thực hiện

Hoàng Lê (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)