Mới đây, thương hiệu Gucci đã cam kết đưa thời trang bền vững trở thành trọng tâm trong kinh doanh của hãng. Nhà mốt nước Ý đã thực sự mở một cuộc toạ đàm về tác động của ngành công nghiệp thời trang đến môi trường, đồng thời thành lập một trang web điện tử với tên Gucci Equilibrium nhằm mục đích kết nối những giá trị bền vững vào trong sản phẩm của hãng.
Theo đó, bản báo cáo bền vững và doanh nghiệp toàn cầu của Nielsen năm 2015 tiết lộ rằng hơn 73% giới trẻ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những sản phẩm bền vững, vậy nên động thái của Gucci được coi là tín hiệu tích cực trên thị trường bán lẻ ngày nay.
Gucci Equilibrium nằm trong kế hoạch 10 năm của thương hiệu Gucci để xây dựng và phát triển thời trang bền vững, đi cùng sứ mệnh đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng và thân thiện với môi trường. (Ảnh: Gucci)
Theo báo cáo của Pulse Fashion of Industry năm 2018, 75% các công ty thời trang đã cải thiện quy trình sản xuất và giảm thiểu tác hại đến môi trường và xã hội trong năm qua.
Nhưng với nhu cầu về hàng hóa tăng mạnh thì sự minh bạch trong hoạt động của các công ty thời trang cũng cần đưa lên “bàn cân” để phân tích và so sánh. Hơn nữa, khía cạnh bền vững trong lĩnh vực thời trang cũng cần xác minh và giám định nhằm hạn chế và ngăn chặn những hành động và mục đích đánh lạc hướng của các doanh nghiệp chỉ tập trung vào yếu tố thương mại mà quên đi những hoạt động thực tiễn đến môi trường xung quanh.
Ảnh: Business Insider India.
BÀI LIÊN QUAN
Những thương hiệu lớn hành động như thế nào để giảm thiếu tác động đến môi trường?
Theo Marie-Claire Daveu, giám đốc phát triển bền vững của Kering (tập đoàn thời trang sở hữu những thương hiệu lớn trên thế giới như Gucci, Saint Laurent, Alexander McQueen, Balenciaga và Stella McCartney), hệ thống đánh giá truyền thống để tính toán sự bền vững của một công ty sẽ không chính xác nếu thiếu sự vận hành hiệu quả. Vì vậy, Kering đã tiên phong phát triển công cụ Environmental Profit & Loss vào năm 2011 nhằm hiểu rõ hơn về tác động của sản xuất và hàng hoá đến môi trường, đồng thời đưa ra những biện pháp tối ưu để giải quyết vấn đề này.
Thương hiệu Stella McCartney giới thiệu chiến dịch quảng bá để nâng cao nhận thức người tiêu dùng về vấn đề ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Fashionista)
“7% tác động môi trường trực tiếp đến từ hoạt động trong công ty như cửa hàng hay văn phòng, thế nhưng đáng kinh ngạc hơn là 93% các vấn đề liên quan trực tiếp đến chuỗi cung ứng của chúng tôi, chẳng hạn như hoạt động trồng cây và chăn nuôi gia súc. Nhiều thương hiệu của chúng tôi, từ Bottega Veneta đến Gucci và Saint Laurent đều sử dụng chất liệu da trong thiết kế, vì vậy chúng tôi đã phát triển quá trình thuộc da tự nhiên, thân thiện với môi trường hơn nhờ quy trình tiêu thụ nước và năng lượng“.
Trước đây, quá trình thuộc da thường gây ô nhiễm nguồn nước do hầu hết các công đoạn xử lý chất hoá học đều phát sinh lượng nước xả thải rất lớn. (Ảnh: Burrad Lucas)
Cơ sở để xác định “tính bền vững” trong thời trang?
Jason Kibbey – giám đốc điều hành của Liên minh may mặc bền vững tiết lộ: “Các CEO của những công ty hàng đầu thế giới đã cùng nhau phát triển một cơ sở dữ liệu nhằm đo lường tác động của sản phẩm đến môi trường. Hiện tại chúng tôi có hơn 200 thành viên toàn cầu, từ Adidas đến Levi hay ngay cả tập đoàn thời trang xa xỉ LVMH. Mục tiêu của chúng tôi là thu thập tất cả thông tin và chuẩn hóa nó để có thể chia sẻ với người tiêu dùng những cách phân biệt một sản phẩm may mặc bền vững“.
Gucci là thương hiệu mới nhất “khai tử” chất liệu lông thú trong năm nay, theo bước Gucci, Micheal Kors. (Ảnh:The Impression)
Phải thừa nhận rằng, quy trình này cần đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, thế nhưng đổi lại nguồn thông tin trong tương lai sẽ rất phong phú và đáng tin cậy, có thể sử dụng để so sánh tính bền vững của sản phẩm. Loại số liệu được chuẩn hóa này sẽ cực kỳ quan trọng trong việc ngăn chặn “greenwashing”. “Greenwashing” là một thuật ngữ để chỉ hành vi lừa dối người tiêu dùng về các hoạt động môi trường của một doanh nghiệp hoặc các lợi ích môi trường của một sản phẩm hay dịch vụ. Các doanh nghiệp bị buộc tội thực hiện “greenwashing” khi họ dành nhiều nguồn lực cho việc quảng bá và tiếp thị hình ảnh thân thiện với môi trường hơn là thực hiện các hoạt động thực tế giúp giảm thiểu tác động tiêu cực.
Ryan Gellert – tổng giám đốc của công ty Patagonia phát biểu: “Chúng tôi có tinh thần trách nhiệm cao và luôn nỗ lực để giảm thiểu tác động của hãng đối với hành tinh, đồng thời sử dụng môi trường kinh doanh để truyền cảm hứng và thực hiện các giải pháp cho cuộc khủng hoảng môi trường“. Kể từ giữa thập niên 1980, Patagonia đã quyên góp 1% doanh thu cho các tổ chức môi trường. Họ cũng tuyên bố rằng trong ngành công nghiệp thời trang, chìa khoá để giữ vững hình ảnh của thương hiệu nằm ở chính những giá trị cốt lõi và hành động tích cực của công ty đến môi trường, không phải do khách hàng yêu cầu hay đến từ sức ép của chính phủ, mà nằm ở chính nhận thức rằng đó là điều đúng đắn và cần kiên quyết thực hiện.
Ảnh: Patagonia.
Chúng ta có thể làm gì với tư cách là người tiêu dùng?
“Tính bền vững thuộc phạm vi rộng và dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng bởi không có bất kỳ tiêu chuẩn cụ thể nào để xác định“, Amy Powney – giám đốc sáng tạo của thương hiệu Mother of Pearl nhận định. Thật vậy, một chiếc áo phông được làm từ chất liệu bông hữu cơ nhưng điều đó không có nghĩa rằng nó thực sự hội tụ đầy đủ yếu tố bền vững, rất có thể nó được tạo ra từ những công xưởng ‘vắt mồ hôi’ (chỉ những nơi bóc lột sức lao động của công nhân).
Những công nhân làm việc trong công xưởng sản xuất thường nhận mức lương ít ỏi và chịu sự bóc lột công sức thậm tệ. (Ảnh: Medium)
Như vậy, với với tư cách là những nhà thiết kế làm việc trong môi trường cầu tiến và tư duy tiến bộ, họ cần phải suy nghĩ về thời trang bền vững theo hướng tổng quan thay vì chỉ nhìn một mặt tích cực. “Đối với người tiêu dùng, thông điệp hàng đầu tôi có thể đưa ra để bất kỳ ai cũng có thể trở thành một người tiêu dùng thông thái đó chính là hãy lựa chọn những sản phẩm tập trung vào chất lượng tốt thay vì giá thành rẻ“, Amy chia sẻ.
Hãy tự mình trả lời câu hỏi rằng: Liệu những thứ trang phục chỉ mặc một vài lần rồi bỏ đi có xứng đáng để bạn bỏ tiền ra hơn là những thứ bạn có thể sử dụng lại nhiều lần trong thời gian dài?”. (Ảnh: Eco Warrior Princess)
—
Xem thêm:
Điều gì hấp dẫn nhất ở những tài khoản Instagram về thời trang bền vững?
Thời trang may đo riêng cho khách hàng đang dần trở nên dễ dàng hơn?
Nhóm thực hiện
Diệu Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Ảnh: Tổng hợp)