Thời trang / Thế giới thời trang

Sau chuyến công du châu Đại Dương, “hiệu ứng Meghan” ảnh hưởng thế nào đến thời trang bền vững?

Đằng sau sự hào nhoáng, những bộ trang phục đắt giá của Công nương Meghan trong chuyến công du gần đây còn ẩn chứa nhiều câu chuyện ý nghĩa về thời trang bền vững.

Sau chuyến công du châu Đại Dương,

Bên cạnh những hoạt động cộng đồng đầy ý nghĩa, tủ đồ thời trang của công nương xứ Sussex trong chuyến công du châu Đại Dương đã trở thành chủ đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của truyền thông và người hâm mộ. Không dừng lại ở những bộ cánh ấn tượng, “hiệu ứng Meghan” còn lan tỏa và ảnh hưởng tới tư duy của công chúng về khái niệm thời trang bền vững.

"hiệu ứng Meghan" trong thời trang bền vững
Những bộ trang phục của Meghan Markle trong chuyến công du châu Đại Dương tạo ấn tượng đẹp cho công chúng. (Ảnh: bustle)

Trong chuyến thăm thành phố Dubbo thuộc bang New South Wales, Úc, Meghan Markle đã diện thiết kế quần skinny jeans tông màu đen đến từ thương hiệu địa phương Outland Denim. Không chỉ đơn thuần là một hãng thời trang cao cấp chuyên về trang phục denim, Outland Denim còn mang lại cho những phụ nữ nghèo tại Campuchia cơ hội việc làm trong ngành may mặc. Những phụ nữ này hầu hết đều là nạn nhân của nạn buôn người và lạm dụng tình dục.

"hiệu ứng Meghan" trong thời trang bền vững 2
Chiếc quần skinny jeans từ thương hiệu Outland Denim nhanh chóng “cháy hàng” trong vòng 24 giờ. (Ảnh: Popsugar)
"hiệu ứng Meghan" trong thời trang bền vững 3
(Ảnh: Shutterstock)

Theo thống kê từ thương hiệu Úc, ngay sau khi những hình ảnh về trang phục của Công nương Meghan được công bố, lượng truy cập vào website của hãng đã tăng lên 3.000%. Thiết kế quần jeans mang tên Harriet cũng nhanh chóng “cháy hàng” trong vòng 24 giờ và để lại một số lượng khách hàng ấn tượng nằm trong danh sách chờ.

Đứng trước lượng đơn đặt hàng tăng “đột biến”, nhà sáng lập của Outland Denim James Bartle đã quyết định tuyển dụng thêm 30 nữ thợ may làm việc tại xưởng thời trang của hãng đặt tại Campuchia. Outland Denim không phải là nhãn hiệu duy nhất thức thời trước sự lan tỏa của hiệu “ứng Meghan” khi Công nương xứ Sussex ưu ái các thương hiệu thời trang bền vững trong chuyến công du châu Đại Dương.

"hiệu ứng Meghan" trong thời trang bền vững 4
Outland Denim là thương hiệu thời trang hướng đến lối sống bền vững và những giá trị nhân văn. (Ảnh: Outland Denim)
"hiệu ứng Meghan" trong thời trang bền vững 5
Những thợ may và nhân công nữ của Outland Denim tại Campuchia đa số xuất thân từ các gia đình nghèo và là nạn nhân của nạn buôn người, lạm dụng tình dục. (Ảnh: Outland Denim)

Nhờ sự hỗ trợ từ người bạn thân kiêm stylist Jessica Mulroney, Meghan luôn xuất hiện trước công chúng với hình ảnh chỉn chu nhất. Khi đến thăm Sydney, Úc, Công nương Meghan đã diện thiết kế giày bệt được chế tác hoàn toàn bằng chất liệu chai nhựa đã qua sử dụng của thương hiệu Rothy. Meghan cũng ưu ái chọn thiết kế giày sneakers V-10 làm từ rác thải của thương hiệu Veja khi tham dự một hoạt động trong khuôn khổ Invictus Games.

"hiệu ứng Meghan" trong thời trang bền vững 6
Thiết kế giày bệt tông màu đen của Meghan vốn được tạo ra từ những chai nhựa đã qua sử dụng tại hai thành phố Sydney và Melbourne. (Ảnh: Popsugar)
"hiệu ứng Meghan" trong thời trang bền vững 7
Thương hiệu Veja sản xuất dòng giày sneaker V-10 từ rác thải. (Ảnh: Fashion magazine)

Trong ngày nghỉ hiếm hoi trên đảo Fraser, Meghan tiếp tục trung thành với các thương hiệu thời trang bền vững khi chọn thiết kế kính mát của Reformation. Cô kết hợp chiếc đầm tông màu xanh navy của nhà mốt Stella McCartney cùng phụ kiện trang sức của Ecksand khi xuất hiện tại lễ khai mạc Invictus Games. Dưới tác động của “hiệu ứng Meghan”, tất cả những thiết kế trên đều nhanh chóng được bán hết.

Chia sẻ về sự lan tỏa của “hiệu ứng Meghan”, James Bartle cho biết: “Sự lựa chọn trang phục của Công nương Meghan trong chuyến công du gần đây đã giúp đẩy mạnh doanh thu cũng như độ nhận diện thương hiệu của nhiều nhãn hàng. Thời trang bền vững chưa bao giờ là lựa chọn lí tưởng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, điều đó đang dần trở nên khả thi hơn và có khả năng thay đổi cuộc sống của rất nhiều người trên thế giới”.

"hiệu ứng Meghan" trong thời trang bền vững 8
Trong ngày nghỉ trên đảo Fraser, Công nương Meghan chọn kính mát của Reformation – thương hiệu vốn gắn liền với thông điệp thời trang bền vững. (Ảnh: Time)

Công nương Meghan cũng thể hiện sự ưu ái cho các thương hiệu thời trang Úc và New Zealand. Vốn là nhà thiết kế yêu thích của Công nương xứ Sussex, những chiếc váy dáng chữ A hay áo trench coat của Martin Grant luôn gắn liền với hình ảnh của Meghan trong nhiều sự kiện. Nhà mốt Dion Lee cũng ghi dấu ấn trong lòng những người yêu thời trang khi công nương diện thiết kế váy thủy thủ khi đến thăm Melbourne.

"hiệu ứng Meghan" trong thời trang bền vững 10
Công nương xứ Sussex diện thiết kế váy maxi kẻ sọc của nhà mốt Martin Grant trong chuyến thăm và làm việc cùng tổ chức OneWave. (Ảnh: gotceleb)
"hiệu ứng Meghan" trong thời trang bền vững 9
Thiết kế váy xanh navy với phần vạt bất đối xứng và cổ gập thủy thủ từ NTK Úc Dion Lee. (Ảnh: Flipboard)

Trong ngày đầu tiên của chuyến thăm New Zealand, Công nương Meghan đã diện nguyên “cây” trang phục từ thương hiệu địa phương Karen Walker. Ngoài những nhà mốt tên tuổi, Meghan cũng ưa chuộng các thiết kế đến từ những thương hiệu tầm trung. Trong một sự kiện diễn ra tại Sydney, công nương đã diện thiết kế đầm màu kem từ Karen Gee và loạt phụ kiện nhẫn – dây chuyền của NTK trang sức Natalie Marie.

"hiệu ứng Meghan" trong thời trang bền vững 11
Meghan Markle kết hợp áo trench coat kẻ ô cùng phụ kiện hoa tai từ thương hiệu New Zealand Karen Walker. (Ảnh: Fashionista)
"hiệu ứng Meghan" trong thời trang bền vững 13
Meghan nổi bật trong thiết kế đầm bodycon tông màu kem từ thương hiệu Karen Gee. (Ảnh: sbs)

Trước những hệ quả ấn tượng từ “hiệu ứng Meghan” mang lại cho các thương hiệu thời trang bền vững, NTK Martin Grant chia sẻ: “Trang phục được mặc bởi đúng người, đúng thời điểm sẽ tạo nên những tác động tích cực khi xét về mặt thương mại hay hiệu ứng truyền thông”.

Giày của nhà mốt Manolo Blahniks, những chiếc mũ ấn tượng của Phillip Treacy, hay clutch của Dior luôn nằm trong danh sách những thiết kế được mọi tín đồ khao khát. Tuy nhiên, qua những bộ cánh trong chuyến công du châu Đại Dương, Công nương Meghan Markle đã cho thấy thời trang không đồng nghĩa với sự xa xỉ.

__

Xem thêm:

Chi tiết tủ đồ trị giá 4 tỷ đồng của Công nương Meghan khi công du châu Đại Dương

Công nương Meghan truyền thông điệp thời trang bền vững trong chuyến công du Úc

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Khánh Linh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: The Guardian Hình ảnh: Tổng hợp
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)