Thời trang / Thế giới thời trang

Thay đổi bước ngoặt của thời trang bền vững trong thập niên 2020

Thời trang bền vững trở thành kim chỉ nam phát triển chung của nhiều thương hiệu, từ đổi mới chất liệu đến thay đổi cách thức tổ chức các buổi trình diễn.

Mặc dù đã có nhiều bước tiến lớn để giảm thiểu tác hại đến môi trường nhưng thời trang vẫn còn là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất. Thời trang bền vững trong thập niên 2020 đã và đang ghi nhận những thay đổi tích cực gì?

Thời của lông thú giả

Sự ra đời của lông thú giả công nghệ cao giúp thay thế lông thú vốn là một trong những chất liệu gây ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái nhất. Nhờ công nghệ hiện đại, chất liệu lông giả không chỉ mềm và ấm gần như lông thật, chúng còn được chế tạo từ nguyên liệu tái chế và thân thiện với môi trường. Nổi bật có lông Koba được làm từ rơm bắp của Stella McCartney ra mắt vào tháng 9 năm ngoái, hay sự xuất hiện của những thương hiệu trẻ cam kết sử dụng lông nhân tạo cao cấp 100% từ nhựa tái chế và sợi modacrylic như Shrimps, Apparis và House of Fluff.

thời trang bền vững - Anna Wintour mặc áo choàng lông thú giả

Cam kết từ những người dẫn đầu

Trong năm 2019 vừa qua, sự kiện nổi bật nhất trong vấn đề môi trường của ngành thời trang là Chủ tịch tập đoàn Kering, François-Henri Pinault đã trình bày sứ mệnh Fashion Pact tại Hội nghị G7 nhằm kêu gọi cam kết về những thay đổi tích cực với môi trường trong ngành thời trang như sử dụng năng lượng tái chế, ngưng đồ nhựa dùng một lần đến năm 2050. Chiến dịch đã nhận được nhiều chữ ký cam kết của những cái tên lớn của ngành thời trang từ xa xỉ như Armani, Hermès, Moncler, Prada, Chanel và Burberry cho đến các thương hiệu bình dân như H&M, Gap, Zara.

NTK Stella McCartney - thời trang bền vững

đại diện các thương hiệu ký kết Fashion Pact thời trang bền vững

Tập đoàn LVMH cũng không thua kém với những nỗ lực và cam kết mang tính chiến lược như cắt giảm lượng khí thải đến 16% từ năm 2013-2018, hướng đến sử dụng 100% kim cương có nguồn gốc từ năm 2020 và kiểm tra nguồn gốc nguyên vật liệu từ động vật trước năm 2025. Bên cạnh đó, NTK Stella McCartney không chỉ trở thành một phần của tập đoàn, mà còn là cố vấn thời trang bền vững cho Chủ tịch Benard Arnault trong công cuộc bền vững hóa thời trang.

Quan tâm đến phương thức đóng gói

Làm cách nào để thế giới trở nên tốt hơn là câu hỏi mà Guillaume Henry và Sophie Brocart đặt ra khi tái thiết thương hiệu Patou. Ngoài tái chế, họ muốn truy xuất hành trình của món đồ một cách minh bạch cũng như tình trạng sản xuất. Mỗi sản phẩm đều có mã QR để người mua có thể tìm hiểu về nguồn gốc chất liệu hay người thợ nào đã làm ra chúng. Ngoài ra, thành phần của những chất liệu đóng gói cũng được chọn lựa dựa trên tiêu chuẩn thân thiện với môi trường và tiết kiệm.

thời trang bền vững - 2 nhà thiết kế của thương hiệu Patou

Bước chuyển mình của tuần lễ thời trang

Tuần lễ thời trang đóng vai trò quan trọng đối với ngành thời trang những năm gần đây đã có những thay đổi tích cực với chiến dịch xanh hóa. Hội đồng Anh đã lập ra Viện Positive of Fashion năm 2018 nhằm định hướng cho các thương hiệu và NTK trẻ trong công cuộc bảo vệ môi trường. Tại Mỹ, Hiệp hội các NTK Mỹ được dẫn dắt bởi Tom Ford cũng đề xuất chương trình có chức năng tương tự “Sustainability Initiative” vào đầu năm ngoái. Gucci thực hiện show diễn thân thiện môi trường với khán phòng được dựng từ nguyên vật liệu tái chế và tái chế được. Hiệp hội thời trang cao cấp Fédération de la Haute Couture et de la Mode tại Paris cũng cho ra những thay đổi tích cực như xe bus điện, ứng dụng điện thoại thay thế tập hướng dẫn bằng giấy và cung cấp tài liệu phát triển bền vững trong thời trang cho thương hiệu và NTK.

thời trang bền vững - tuần lễ thời trang tham gia chiến dịch xanh hóa

thời trang bền vững bst dior xuân hè 2020

Hướng đi xanh của denim

Đây là chất liệu phổ biến nhất nhưng cũng gây ô nhiễm môi trường nhất bởi quá trình sản xuất tốn nhiều nước và thải nhiều khí thải lẫn hóa chất. Vì lẽ đó, nhiều thương hiệu đã thay đổi phương thức sản xuất cho chất liệu trăm năm tuổi này. Clare Waight Keller của Givenchy sản xuất đồ jean từ vải tái chế của thập niên 90. Ông hoàng denim nước Mỹ Ralph Lauren đã bắt đầu chiến dịch “Design the Change” hay Gap với “Gap for Good” nhằm tiết kiệm nước và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Tại Pháp, thương hiệu Sezane ra mắt dòng denim thân thiện với môi trường hoàn toàn được nhận chứng chỉ GOTS (Global Organic Textile Standard).

thời trang bền vững - thay đổi phương thức sản xuất denim

Chấm dứt sản xuất dư thừa

Trang phục tồn kho bị tiêu hủy, vải vóc trở thành rác thải, rõ ràng việc tiêu thụ quá mức cần phải chấm dứt trong thời trang. Tư duy này không chỉ cần được áp dụng với người tiêu dùng mà cả thế hệ NTK mới. Tại Mỹ, Gabriela Hearst là người dẫn đầu với tôn chỉ không lãng phí vải vóc. Những thương hiệu lớn đang áp dụng chiến lược công nghệ sản xuất. Louis Vuitton giới thiệu quy trình sản xuất mới tại miền Tây nước Pháp với chất liệu tái sử dụng. Prada ra mắt túi Re-Nylon sử dụng chất liệu tái chế từ lưới bắt cá. Hermès có dòng sản phẩm “Petith” với chất liệu tái chế thông minh, tương tự như cách làm của NTK Ronald van der Kemp và Emily Bode.

thời trang bền vững - thương hiệu chấm dứt sản xuất dư thừa

Mô hình dịch vụ cho thuê đồ và đồ cũ cũng đang được nhiều nhà bán lẻ phát triển. Selfridges ở London đã mời Vestiaire Collective đến mở một không gian hơn 400m2, Nordstrom ở Mỹ cộng tác với Rent the Runway để làm mới và bán những mẫu cũ.

Bước tiến của Trung Quốc

Quan niệm về cụm từ “Made in China” đang dần được thay đổi nhờ áp lực từ những nhà hoạt động môi trường nội địa. Thương hiệu từ Thượng Hải Icicle đã nhận ra những lợi ích khi đầu tư 100% chất liệu tự nhiên nhuộm hữu cơ. Thương hiệu Trung Quốc, nhưng tầm nhìn quốc tế, Icicle thành lập năm 1997 giới thiệu tính bền vững của mình qua khái niệm “soft fashion” với mục tiêu bền bỉ, mặc được lâu dài.

thời trang bền vững - Trung Quốc áp dụng phương thức nhuộm hữu cơ

Sneakers trên đường đua xanh

“Rất nhiều giày chạy bộ được làm từ 99% nhựa, trong đó 99% làm từ dầu hỏa”- Sébastien Kopp, đồng sáng lập thương hiệu giày thân thiện với môi trường Veja chia sẻ. Giày thể thao của hãng với nỗ lực loại bỏ phần lớn sản phẩm có nguồn gốc từ dầu hỏa bằng 53% chất liệu sinh học và tái chế được, chưa kể tuổi thọ hơn hẳn những loại thông thường. Ngoài ra, những đôi sneakers thân thiện với môi trường đến từ những thương hiệu lớn được ra đời như Stan Smith thiết kế bởi Stella McCartney sử dụng da thuần chay, New Balance kết hợp với Reformation, hay Nike lẫn Converse đều cho ra mắt những đôi giày từ chất liệu tái chế… Có vẻ như cuộc đua chỉ mới bắt đầu.

thời trang bền vững - sneakers sử dụng nguyên liệu tái chế

trang sức cũng có chiến lược riêng

Nhu cầu trang sức vẫn cao nhưng nguồn cung chất liệu trong tự nhiên lại đang dần mai một. Ngành chế tác kim hoàn đã đưa ra những giải pháp thú vị. Sự ra đời của đá quý nhân tạo được chế tạo trong phòng thí nghiệm mang đủ tính chất của đá tự nhiên nhưng không hề tác động đến địa chất vì hành động khai thác khoáng sản. Chất liệu này đã được sử dụng rộng rãi bởi những tên tuổi có tiếng trong ngành như Courbet, J.E.M, Burma, Vrai & Oro hay Kimai. Sử dụng chất liệu có nguồn gốc cũng là một bước tiến của ngành kim hoàn nhằm ngăn chặn nạn khai thác lậu. Thương hiệu nổi tiếng Tiffany & Co. tích cực trong việc truy xuất nguồn gốc của kim cương, và Chopard chỉ sử dụng vàng được đóng mộc Fairmined.

thời trang bền vững - trang sức chopard sử dụng nguyên liệu tự nhiên

thời trang bền vững - trang sức tiffany & co. sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc

Tạm kết

Đặt ra nhu cầu về tính xác thực, bền vững và lợi nhuận, nhiều tổ chức môi trường phi chính phủ cho biết vẫn còn rất nhiều thứ phải làm, trong đó cần ưu tiên việc kết nối trách nhiệm môi trường với thương hiệu bằng cách tìm ra mô hình kinh tế có lời, đồng thời thay đổi tư duy của người tiêu dùng để tránh lãng phí. Đây chỉ mới là một phần và chúng ta chỉ mới bắt đầu hành động.

Nhóm thực hiện

Bài: Ilaria Casati

Lược dịch: Hoàng Lê

Ảnh: Tư liệu 

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)