Chất liệu lấp lánh có thể gây nguy hại cho tương lai thời trang bền vững?
Bộ trang phục bằng sequin hay glitter lộng lẫy tưởng như vô hại này lại có tác động vô cùng lớn đến môi trường.
Chắc hẳn bạn đang hoài nghi về mối liên hệ giữa chiếc đầm dự tiệc lấp lánh yêu thích và thời trang bền vững. Tuy nhiên, sequin (hạt kim sa) hay glitter (kim tuyến) là hai chất liệu có thể làm hại đến nguồn nước nói riêng và môi trường sống nói chung. Vậy nguyên nhân từ đâu?
Stephen Cotton, Giám đốc thương mại của Bioglitter – công ty về glitter sinh học khẳng định, hai chất liệu này có tác động tương tự như microbeads (hạt siêu nhỏ) có trong một số sản phẩm chăm sóc da. Tiến sĩ Linda Campbell, Giáo sư tại Đại học Saint mary và Giám đốc Khoa Môi trường học cho biết: “Đại dương là nơi có thể nhìn thấy thiệt hại rõ rệt nhất. Glitter, sequin là một dạng nhựa siêu vi (microplastic), vì thế, chúng có thể đi qua các hệ thống lọc trong các cơ sở xử lý nước thải và kết thúc chuyến hành trình ở đại dương”. Mỗi chu kỳ của một máy giặt có thể giải phóng hơn 700.000 sợi nhựa siêu nhỏ ra môi trường, theo một nghiên cứu.
Tiến sĩ Campbell cũng cho rằng tác động tiêu cực của sequin và glitter đối với môi trường rất đáng kể. Chúng không chỉ làm ô nhiễm môi trường nước mà còn gây hại đến chuỗi thức ăn của sinh vật nhỏ dưới biển. Vì cũng giống như con người, sinh vật dễ bị thu hút nhiều hơn bởi những thứ lấp lánh, tương tự như với microbeads. Điều đó còn ảnh hướng đến chuỗi thức ăn, từ sinh vật nhỏ nhất đến lớn nhất. Những tác động tiêu cực này cũng gây bất lợi cho con người khi tiêu thu các sinh vật biển có thể chứa microplastic.
Sequin và kim tuyến thường được làm từ nhựa hoặc nhôm, tiến sĩ Campbell cho biết, việc sản xuất những vật liệu này rất độc hại. Rachel Clowes, nhà sáng lập Sustainable Sequin Companny (Công ty Sequin bền vững), lưu ý rằng nhựa PVC, chất liệu thường làm ra sequin “có thể gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe, bao gồm các hóa chất độc hại có thể gây ung thư và rối loạn nội tiết tố”. Hơn thế nữa, hai chất liệu này, cũng như nhựa và ni lông, có thể tồn tại trên trái đất hàng nghìn năm. Đây sẽ là còi chuông báo động cho tương lai của thời trang bền vững trên toàn thế giới.
Nhưng liệu chúng ta có thể loại bỏ hoàn toàn chất liệu này ra khỏi cuộc sống? Nhựa sử dụng một lần tiện lợi hơn và dễ tìm mua hơn các lựa chọn thay thế. Mua chiếc đầm dự tiệc sequin ở cửa hàng thời trang nhanh dễ dàng hơn nhiều so với tìm kiếm một sản phẩm mang tính bền vững. Cũng giống như lấy ống hút nhựa dễ hơn việc đem ống hút kim loại bên mình. Chúng ta đang dần có ý thức hơn về những tác hại mà nhựa gây ra nhưng vẫn chưa đủ dũng cảm để thay đổi thói quen, từ bỏ sự tiện lợi mà chúng mang lại.
Tiến sĩ Campbell lưu ý, chúng ta nên tập trung vào tác động xấu đến môi trường của ngành công nghiệp thời trang nhanh nói chung. Cô hy vọng người tiêu dùng có thể mua sắm một cách có trách nhiệm. Bạn có thực sự cần chiếc đầm dự tiệc lộng lẫy kia không? Nếu không, có thể bạn sẽ cần một giải pháp thay thế bền vững hơn.
Khi bạn thực sự cần hai chất liệu này, tiến sĩ Campbell khuyên bạn nên đầu tư vào món đồ thời trang bền vững an toàn cho môi trường. Món đồ ấy còn có sức sống lâu dài và có giá trị đầu tư cao khi sau đó, nó có thể được bán lại như một món đồ vintage. Gợi ý cho bạn là tìm kiếm những sản phẩm được làm từ chất liệu sinh học, ví dụ như glitter được làm từ rong biển hay sequin tự phân hủy sau một vài lần giặt.
Tóm lại, điều quan trọng đối với mỗi người tiêu dùng thông thái là chú ý đến những gì bạn đang mặc, d ù đó là trang phục cho dịp đặc biệt hay diện hằng ngày. Sự lộng lẫy nhất thời không nên là chi phí đánh đổi cho sự phát triển bền vững của thời trang và môi trường sống.
—
Xem thêm:
Tủ đồ của bạn thay đổi ra sao nếu cách mạng thời trang bền vững thành công?
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Nylon
Ảnh: Tổng hợp