Khoảng đầu những năm 1990s, phong cách âm nhạc mới được sản sinh từ những ảnh hưởng mâu thuẫn với văn hóa nhạc rave và reggae bắt đầu thịnh hành ở Anh Quốc. Được mệnh danh là “Jungle” và “UK Garage”, hai thể loại nhạc này đã gây dựng được sức ảnh hưởng to lớn cho nền âm nhạc Anh Quốc hiện đại. Chính thời trang cao cấp đã giúp định hình và lan tỏa sức ảnh hưởng của dòng nhạc này.
Năm 2018 đánh dấu sự trở lại của hai dòng nhạc này với buổi triển lãm Super Sharp được thành lập nhằm mục đích khám phá sự giao thoa giữa hai thể loại nhạc underground Jungle – UK Garage và những hãng thời trang cao cấp nước Ý như Versace và Moschino. Đồng thời cũng làm sống lại thời kỳ hoàng kim của thập niên 90s khi những người yêu chuộng dòng nhạc điện tử thăng hoa trong các hộp đêm sôi động. Ý tưởng cho buổi triển lãm được DJ người Anh và nhà sản xuất Saul Milton thực hiện dựa trên kho tàng lưu trữ khổng lồ của nhà mốt Moschino.
Thiết kế hoạ tiết kiểu cách, cầu kỳ của nhãn hiệu sang trọng như Moschino hay Versace phổ biến rộng rãi trong cộng đồng raver thập niên 90s. (Ảnh: MARK ALESKY)
Mặc dù hai thể loại nhạc có sự liên kết nhất định, song không thể phủ nhận điểm khác biệt đáng chú ý. Andres Branco, người sáng lập ra Wavey Garms, đồng thời cũng là giám đốc sáng tạo cho hai chiến dịch đình đám của Nike cho biết: “Jungle có tiết tấu nhanh hơn và âm hưởng mạnh mẽ hơn“.
Sự khác biệt này cũng được phản ánh qua thời trang: “Jungle có vẻ thể thao hơn. Hình ảnh phổ biến là áo rộng với logo khổng lồ cùng dây chuyền vàng”, Branco nhận định. (Ảnh: Tristan O’neill/Hình ảnh nghệ sĩ Goldie tại lễ trao giải “VIP Awars” cho giải thưởng album nhạc jungle xuất sắc nhất năm 1996)
Trong khi tinh thần sportwear chính là yếu tố nền tảng tạo nên cái tên Jungle thì thể loại UK Garage lại tập trung vào những thiết kế của các thương hiệu xa xỉ như Moschino hay Versace. Branco thiên về trường phái Junglist, bởi vậy anh cho rằng điều này đã phản ánh nền văn hoá đương thời: “UK Garage chính là một hình thức khoe khoang“.
Thế nhưng quan điểm của Tory Turk, người quản lý Super Sharp tiết lộ: “Từ đầu đến chân các thiết kế đều được truyền cảm hứng bởi văn hoá UK Garage“.
“Có thể nói phong cách Garage ngông cuồng và phi lý, nhưng những thiết kế đã lột tả chân thực điệu nhảy quyến rũ hoà quyện cùng rượu champagne say đắm”, Turk giải thích. (Ảnh: Tristan O’Neill/Chụp tại clb One Nation vào ngày Valentine năm 1998)
BÀI LIÊN QUAN
Những chiếc áo hoạ tiết Baroque di sản đặc trưng của ông hoàng Versace được nhiều ravers yêu thích”. (Ảnh: Tristan O’Neill/Chụp tại hộp đêm One Nation vào ngày Valentine năm 1998)
Từ những chiếc áo jacket thời thượng của các “tay chơi” thứ thiệt…(Ảnh: Tristan O’Neill/Chụp tại hộp đêm “One Nation” tháng 9 năm 1997)
..Cho đến áo sơ mi hay quần underwear của phụ nữ. Có thể nhận ra logo của Moschino ngự trị kiêu hãnh ở khắp mọi nơi. (Ảnh: Tristan O’neill/Chụp vào ngày lễ Tình nhân năm 1998)
Những mẫu áo từ thương hiệu Dolce & Gabbana lừng danh cũng được ưa chuộng. (Ảnh: Tristan O’neill/Chụp tháng 5 năm 1997 tại hộp đêm “Heat”)
Nina Manandhar là một nhiếp ảnh gia và tác giả cuốn sách về lịch sử phong cách nước Anh “What We Wore“. Cô đồng tình với ý kiến của Tory Turk và nhấn mạnh rằng: “Tôn chỉ chuẩn mực trong thiết kế UK Garage chính là xa xỉ“.
Manandhar trích lời một cô gái khi đang thu thập hình ảnh cho bộ sách “What We Wore”: “Cá nhân tôi thà chết đói còn hơn chẳng thể ăn diện đẹp đẽ”. (Ảnh: Seriousss)
Có hàng tá lý do tại sao những thương hiệu thời trang cao cấp trở nên phổ biến trong nền văn hóa này và một trong những yếu tố chính là tình hình chính trị ở đất nước, theo Turk: “Rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, nổi dậy chống lại nền kinh tế “thắt lưng buộc bụng”. Họ bắt đầu mua sắm những thương hiệu xa hoa như một động thái đáp trả mạnh mẽ“. Turk tiếp tục nhấn mạnh rằng các nhãn hiệu cao cấp ra đời như dấu hiệu của sự thịnh vượng.
Turk khẳng định: “Các thương hiệu nổi tiếng vì chúng đắt tiền và trông sang trọng. Diện một trang phục mang nhãn hiệu lừng danh đồng nghĩa với việc bạn chính là kẻ có tiền”. (Ảnh: Tristan O’nell/Chụp tại clb Heat tháng 11 năm 1997)
Cùng với nguyên do tài chính, một nguyên nhân thiết yếu khác có thể chính là vẻ đẹp. “Văn hóa Garage thực sự nghiêm khắc. Có một điều luật bất thành văn chính là ‘không mũ rộng vành, không giày thể thao“. Điều này dẫn tới một viễn cảnh lạ lùng khi những thương hiệu sang trọng và đẳng cấp trở thành bộ mặt cho tầng lớp lao động tại những hộp đêm ở Anh.
Branco nói thêm: “Thời trang của Garage luôn khiến tôi bối rối”. “Tôi không thể hiểu tại sao những mẫu trang phục Moschino lộng lẫy trên sàn diễn Milan lại được những diện bởi những tên gangster ở Hackney (khu tự quản ở London)”. (Ảnh: Tristan O’Neill/Chụp tại hộp đêm United Dance năm 1998)
Ngày nay, dường như âm hưởng thập niên 90s đã khiến cho Jungle và UK Garage bỗng chốc có dấu hiệu hồi sinh. Manandhar coi uy lực của nền văn hóa như phần nào kết quả của “vòng quay hoài niệm văn hóa và thời trang”. Và điều này được thúc đẩy phần lớn bởi những người từ thập niên 90 đang cố gắng hồi tưởng lại quá khứ vàng son. Manandhar giải thích: “Những người ngày nay gây dựng được vị trí ảnh hưởng trong làng thời trang có xu hướng nhìn lại tuổi trẻ huy hoàng”.
Cô mô tả cách “những người theo phong cách UK Garage trông như thể lên đồ cho cuối tuần trong khi phần còn lại của quốc gia nhạt nhòa và ảm đạm”. (Ảnh: Queoo.tk)
Còn đối với Branco, đó là cuộc nổi loạn chống lại vẻ nhàm chán và đơn điệu, góp phần cho sự trỗi dậy rực rỡ của cả nền văn hóa: “Tôi nghĩ chúng tôi đã mang lại những gì London còn thiếu sót: màu sắc tươi sáng, văn hóa và thái độ“.
Xem thêm:
BST thời trang cao cấp Xuân-Hè 2018 Calvin Klein: Sự hồi sinh của văn hóa đại chúng Mỹ.
Cosmopolite – Nàng thơ văn hoá, nghệ thuật trong làng thời trang.
Nhóm thực hiện
Diệu Linh (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Hình ảnh: Tổng hợp)