Thời trang thời COVID-19: Bức tranh hiện tại và viễn cảnh tương lai
Kể từ khi Covid-19 làm thay đổi cách thời trang vận hành, ngành công nghiệp vốn được cho là “không thiết yếu” đã thu nhận được những kết quả như thế nào?
TRỞ LẠI BÌNH THƯỜNG HAY LÀM QUEN VỚI BÌNH THƯỜNG MỚI
Theo số liệu từ Bloomberg, bốn kinh đô thời trang lớn New York, London, Paris và Milan đã mất hơn 600 triệu USD vì các Tuần lễ Thời trang truyền thống phải tạm dừng. Các sự kiện thời trang phải chuyển sang mô hình kỹ thuật số, thảm đỏ cũng phải hủy bỏ, hoặc khách mời chưng diện và nhận giải tại nhà qua màn hình máy tính. Quả là một sự thay đổi điên rồ!
Nhưng thời trang phải gắn liền với đời thực. Chúng ta cần cảm nhận thời trang qua mắt nhìn, tai nghe và tay chạm. Đến giữa năm 2021, ngành thời trang đã dần chuyển từ các bộ hình lookbook sang show diễn không hoặc ít người xem trong tuần lễ Thu-Đông 2021. Tin vui gần đây là tuần lễ Paris Haute Couture trong tháng 7 đã diễn ra như nó từng được tổ chức, dù lượng khách xem vẫn còn giới hạn. Điều này có nghĩa rằng ngành thời trang, hay nói đúng hơn là các nước có ngành thời trang phát triển đang dần kiểm soát được dịch bệnh và học cách sống chung với COVID-19.
Tuần lễ Thời trang New York Xuân-Hè 2022 cũng đã chính thức trở lại vào tháng 9 với các show diễn có khách mời. Để tăng cường đảm bảo an toàn và khích lệ việc chích vaccine, ban tổ chức IMG đã ra yêu cầu những người tham gia bất kỳ sự kiện nào cũng phải có chứng minh âm tính với COVID-19 và đã chích vaccine. Đáng chú ý trong tuần lễ thời trang New York lần này có sự tham gia lần đầu tiên của Moschino và Dundas, cũng như sự trở lại của chủ tịch CFDA Tom Ford và Thom Browne sau nhiều mùa trình diễn tại Los Angeles và Paris.
Trong năm nay, các sự kiện thảm đỏ lớn nhất trong năm đã trở lại như Oscar, Cannes và Grammy. Đặc biệt, bữa tiệc thời trang Met Gala cũng diễn ra tưng bừng tại New York ngay sau khi tuần lễ thời trang kết thúc.
Tại London, Milan và Paris, cũng giống như Tuần lễ Thời trang cho nam giới trong tháng 6, vẫn sẽ có một số thương hiệu tổ chức show diễn vật lý trong điều kiện đáp ứng được các yêu cầu về an toàn. Số lượng khách mời cũng phải cân nhắc và chọn lọc khi vấn đề xuất nhập cảnh quốc tế tại các nước này vẫn còn đang rất nghiêm ngặt.
NHỮNG CON SỐ TÍCH CỰC của nền công nghiệp thời trang
Những tưởng đại dịch sẽ làm nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ giảm đi hay ngăn cản người ta đi mua sắm vì các cửa hàng hay trung tâm thương mại đóng cửa thì con số đến từ báo cáo tài chính của các thương hiệu lại chứng minh điều ngược lại. Có vẻ như sau giãn cách, người ta càng khao khát trở lại cuộc sống bình thường hơn, trong đó bao gồm cả du lịch và mua sắm. Các cửa hàng của các thương hiệu hàng đầu lại được thấy hàng người xếp hàng chờ vào mua. Hay kể cả có đóng cửa thì vẫn có dịch vụ thương mại điện tử sẵn sàng phục vụ. Theo số liệu của Trung tâm Tư vấn & Quản lý Bain, thương mại điện tử tăng khoảng 12-23% từ 2019-2020 và có khả năng sẽ đạt 30% trong năm 2025.
Các thương hiệu và tập đoàn lớn cũng đang nhận được những thành quả kinh doanh tích cực. So với năm ngoái khi doanh số các ngành hàng thời trang, nước hoa và làm đẹp lẫn trang sức sụt giảm đáng ngại, LVMH vẫn nhận về kết quả vô cùng tích cực. Về thời trang, quý I/2021 của tập đoàn tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó cụ thể có Louis Vuitton và Dior dẫn đầu, tiếp đến là Fendi, Loewe và Celine. Bên cạnh đó, mảng làm đẹp và nước hoa tăng 18% và trang sức, đồng hồ tăng 35%.
Tại tập đoàn đối thủ Kering, doanh thu cũng tăng khả quan 49,6% trong nửa đầu 2021. Trong đó đáng kể nhất là Gucci trở lại cuộc đua với 45,8%, quay về mức tăng trưởng trước dịch. Hai “gà cưng” có mức tăng đáng kể còn lại là Saint Laurent với 53,5% và Bottega Veneta với 40,6%. Các thương hiệu còn lại trong đó có Balenciaga và Alexander McQueen tăng tổng cộng 60,5% đầy ấn tượng.
Prada cũng đã có dấu hiệu bình phục với mức tăng trưởng kinh doanh đến 60% trong 6 tháng đầu năm nay nhờ sự đổi mới trong bộ máy sáng tạo từ sự kết hợp với Raf Simons. Tuy nhiên ấn tượng hơn cả phải kể đến Hermès với mức tăng 77% so với cùng kì năm ngoái. Có lẽ Hermès là trường hợp đặc biệt mặc dù không có những chiến lược quảng bá rầm rộ nói chung lẫn các gương mặt đại diện nổi tiếng tại thị trường châu Á nhưng vẫn có kết quả kinh doanh hết sức kinh ngạc mà thương hiệu nào cũng ao ước.
Cũng theo đại diện của Bain dự đoán theo hướng tích cực, doanh số hàng xa xỉ đến hết năm nay sẽ đạt 358 tỉ USD và đến năm 2022 sẽ hồi phục lại ở mức tăng trưởng của năm 2019.
VAI TRÒ CỦA CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại các nước Đông Nam Á hiện tại không mấy khả quan khi các thành phố lớn ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam đang diễn ra giãn cách kéo dài. Nhìn chung, mặc dù chưa phải là thị trường lớn so với Trung Quốc hay Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và Việt Nam nói riêng vẫn là một phần không nhỏ trong bức tranh tổng thể của thời trang thế giới.
Bên cạnh việc góp phần vào doanh số toàn cầu của các thương hiệu lớn, thị trường Đông Nam Á còn là nhà sản xuất cho nhiều nhãn hàng lớn trên thế giới như Nike, Adidas, Gap, Uniqlo… Đại dịch hoành hành đã buộc nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa khiến cho việc đảm bảo đơn hàng mùa Thu Đông năm nay và có thể cả Xuân-Hè năm sau cho thị trường thế giới chịu ảnh hưởng nặng.
Đơn cử có Nike với hơn 50% giày thể thao được sản xuất tại Việt Nam có khả năng sẽ bị hụt giảm số lượng nếu dịch bệnh kéo dài. Theo chia sẻ của ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, với Tuổi Trẻ, xuất khẩu ngành dệt may có thể chỉ đạt 32-33 tỉ USD nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 8, đồng thời xuất hiện nguy cơ đứt gãy các hợp đồng từ nước ngoài.
Khó khăn kể trên là bất khả kháng và tổn thất đến với hai phía là thực tế. Tuy nhiên chúng ta hãy nhìn về mặt tích cực khi các nước lớn như Mỹ, Nhật, Thụy Sĩ đã viện trợ hàng triệu liều vaccine cũng như vật tư y tế phòng dịch trong đợt chống dịch này. Theo Nikkei Aisa, hàng chục CEO từ các thương hiệu lớn như Nike, Gap, Adidas đã đồng loạt ký tên trong thư gửi tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất tăng viện trợ vaccine cho Việt Nam. Việt Nam phải “khỏe” thì thị trường thời trang Mỹ mới “mạnh”, cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong vai trò mắt xích thuộc chuỗi cung ứng của ngành thời trang thế giới. Và vì thế, chúng ta có quyền kỳ vọng công nhân ngành may mặc nói riêng sẽ được chích vaccine sớm, tình hình dịch bệnh sẽ nhanh được kiểm soát và ngành may mặc lại tiếp tục guồng máy để góp phần phát triển kinh tế nước nhà.
Bài: Hoàng Lê
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE