Thời trang đạo nhái xâm lấn và rào cản sáng tạo đối với các nhà thiết kế Hàn Quốc
Thời trang đạo nhái “giết chết” sự sáng tạo của các nhà tạo mẫu hay những thợ may rất nhạy bén trong việc nắm bắt xu hướng tại Hàn Quốc?
Hàn Quốc được xem là thủ phủ thời trang Châu Á, có thể nói giới trẻ “xứ kim chi” là tín đồ cuồng nhiệt luôn cập nhật nhiều xu hướng thời trang mới nhất trên thế giới. Tuy nhiên, việc mua những món đồ chính hãng từ các thương hiệu đình đám gần như là điều không dễ và đây chính là cơ hội béo bở để các cơ sở may mặc thời trang đạo nhái được dịp phát triển. Bất cứ ai đặt chân tới thủ đô Seoul đều dễ dàng mua được hàng nhái bày bán la liệt ở vỉa hè với mức giá khá tốt.
Moon Choi là một trong những nhà thiết kế châu Á đã sớm ra mắt bộ sưu tập của mình tại Tuần lễ thời trang New York. Từ góc độ là người trong ngành, Choi đã nêu ra những quan điểm xung quanh vấn đề thời trang đạo nhái và đặc tính của thị trường Hàn Quốc.
Moon Choi tốt nghiệp trường nghệ thuật và thiết kế Parsons, New York vào năm 2016. Sau khi tham gia chương trình CFDA + Design Graduates, dù không thắng giải nhưng cô đã được ban tổ chức khuyến khích thành lập nhãn hiệu thời trang riêng. “Tôi lớn lên ở New York nhưng khi quyết định thành lập thương hiệu thời trang, tôi đã chọn Hàn Quốc như là tìm về với nguồn cội của mình. Thủ đô Seoul và New York là những kinh đô thời trang có tốc độ và hệ thống hoạt động rất đa dạng, đó cũng là lý do tại sao tôi chọn cả hai nơi để kinh doanh”, nhà thiết kế Moon Choi cho biết.
Cô chia sẻ, thời trang đường phố đang là mốt thịnh hành và đang phát triển rất nhanh ở Hàn Quốc. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự ảnh hưởng trong phong cách thời trang của các thần tượng “xứ kim chi”, phần lớn đều ưa chuộng thương hiệu Balenciaga, Supreme, Gucci. Ngành công nghiệp thời trang dựa trên xu hướng, có nghĩa là các nhà thiết kế đang làm việc nhanh chóng để tung ra hàng tấn các mảnh với giá rẻ nhất có thể. Điều này đã kéo theo sự lớn mạnh của thị trường thời trang đạo nhái.
Khi tạo ra một bộ sưu tập thời trang, các nhà thiết kế thường sẽ kể chuyện về nguồn cảm hứng của mình. Đó là điều đầu tiên mà Moon Choi hay bất kỳ nhà tạo mẫu nào nghĩ đến trước khi tiến hành lên ý tưởng thực hiện. Sau đó, họ sẽ viết ra một câu chuyện thời trang và trong đó là những hình ảnh, thông điệp mà nhà thiết kế muốn truyền đạt. Vì vậy, bộ sưu tập thời trang là tác phẩm nghệ thuật, là công sức lao động của nhà thiết kế, chúng cần được mọi người tôn trọng bằng sự công nhận độc quyền thương hiệu.
Khi được hỏi tại sao lại chọn Tuần lễ thời trang New York làm nơi trình làng bộ sưu tập mới mà không phải là Seoul, Moon Choi đã chia sẻ: “Tôi muốn nhân rộng tên tuổi thương hiệu của mình, thay vì chỉ ra mắt trong nước. Do thời trang đạo nhái phát triển ở thị trường Seoul khá mạnh, vì vậy mọi thứ sẽ dễ dàng hơn để hòa nhập xu hướng và khẳng định thương hiệu tại Tuần lễ thời trang quốc tế – vùng đất hứa cho các nhà thiết kế”.
Trong bộ phim tài liệu của Highsnobiety đã đặt ra câu hỏi về ảnh hưởng của tên thương hiệu hoặc chất lượng món đồ tới quyết định của giới trẻ. Alec Leach, biên tập viên thời trang của Highsnobiety cho biết:
“Bạn có thể nhìn thấy thời trang bị làm nhái ở khắp nơi trên thế giới nhưng những món đồ ở Seoul thì thật đáng kinh ngạc. Bất cứ ai đang tạo ra những bộ đồ sao chép ấy rõ ràng là người thường xuyên cập nhật Instagram và các bài báo mới nhất về phong cách thời trang đường phố. Phần lớn những thanh niên Hàn được chúng tôi phỏng vấn trên phố đều có câu trả lời mơ hồ về nguồn gốc sản phẩm cũng như đơn giản đáp rằng họ muốn theo xu hướng thời trang”.
—
Xem thêm:
Thời trang sao Việt tuần qua: Liên khúc chào Thu cùng những phong cách sành điệu
BST Fendi Xuân – Hè 2019: Khi những chiếc túi “bánh mỳ” trở lại!
Bài: Ngọc Trân
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Scmp
Hình ảnh: Tổng hợp