Những sáng tạo thời trang được tạo nên không chỉ để thỏa mãn thú ăn mặc của con người, mà đôi khi chúng là bằng chứng cho chất xám thời đại và là dấu mốc quan trọng cho cả hành trình khẳng định quyền của một giới tính, một sắc tộc hay một nền văn hóa. Chính vì thế, nhiều thiết kế kinh điển đã vướng phải không ít ý kiến trái chiều kể từ khi vừa ra mắt, gây ra những cuộc tranh luận kéo dài nhiều thập kỷ. Thế nhưng, những cuộc thảo luận ấy ít nhiều cũng trở thành “bước đệm” cho những xu hướng thời trang ấy trở nên phổ biến và đại diện cho tính tuyên ngôn của thời cuộc.
Quần jeans và cú lội ngược dòng về địa vị thời trang
Ít ai biết rằng, quần jeans phổ biến ngày nay từng bị “ghẻ lạnh” trong khoảng thời gian dài và bị cấm ở nhiều quán ăn, trường học tại Mỹ. Vào giữa thế kỷ XIX, chiếc quần jeans đầu tiên được ra đời bởi Levi Strauss cùng cộng sự có thiết kế ống rộng dài, phục vụ cho hoạt động đào vàng ở Mỹ và gắn liền với cái mác “quần nông dân”. Mãi đến năm 1955, khi cựu tài tử James Dean xuất hiện cùng chiếc quần jeans ống suông trong bộ phim “Rebel without a Cause”, item này mới trở nên nổi tiếng và tạo nên trào lưu dữ dội trong cộng đồng người trẻ nước Mỹ.
Không chỉ dừng lại ở đó, vào những năm 90 cuối thế kỷ XX, chiếc skinny jeans cũng vấp phải những bình luận trái chiều giống “người họ hàng” quần ống rộng. Hình ảnh siêu mẫu Kate Moss trong mẫu quảng cáo skinny jeans của Calvin Klein bị chỉ trích vì cổ xúy vẻ đẹp thiếu khỏe mạnh và thân hình gầy gò. Tuy nhiên, trải qua những biến đổi của thời trang, quần jeans nói chung hay skinny jeans nói riêng vẫn trở thành biểu tượng của một phong cách trẻ trung đầy phóng khoáng và thậm chí đã xâm chiếm cả sàn diễn Haute Couture danh giá.
Corset – làm điệu hay cổ hủ?
Corset (Áo nịt ngực) xuất hiện trong văn hóa phương Tây kể từ thời Trung cổ, là phục trang bắt buộc dành cho các quý cô. Vào những năm 1800, chu vi vòng eo lý tưởng của một phụ nữ là 33cm, chính vì thế, chiếc corset trở thành “công cụ” để phái đẹp theo đuổi chuẩn mực “eo con kiến” thời bấy giờ. Đến cuối những năm 60 của thế kỷ XX, vấn đề về sức khỏe và nữ quyền được nêu lên khiến phụ nữ ý thức được những “tác dụng phụ” của chiếc áo nịt ngực bó sát. Món đồ này cũng nhanh chóng bị xem là lạc hậu, lỗi thời vào thời điểm đó.
Đến năm 1990, áo corset được mặc trở lại bởi ngôi sao Madonna và sau đó là các cô nàng theo đuổi phong cách gothic. Đầu những năm 2020, xu hướng phối đồ cùng corset quay trở lại đường đua thời trang nhờ được các trend-setter liên tục lăng xê và là cảm hứng thời trang bất tận cho những cô nàng yêu thích thời trang vintage.
BÀI LIÊN QUAN
Coco Chanel phản đối Váy mini
Váy mini là đứa con tinh thần của nhà thiết kế Mary Quant, với tên gọi “mini skirt” được lấy cảm hứng từ hãng xe Mini Cooper yêu thích của bà. Kể từ khi vừa ra mắt, hình ảnh những cô gái trẻ mặc váy ngắn, đi giày đế bệt hay boots cổ cao đã gây nên một làn sóng tranh cãi dữ dội. Những người phản đối, trong đó có cả Coco Chanel và Christian Dior, cho rằng xu hướng thời trang này quá táo bạo và “khủng khiếp”. Tuy nhiên, không ít phụ nữ thời đó lại hết mực ủng hộ thiết kế này.
Dần dà, mini skirt trở thành một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của thời trang thế giới, cũng như hành trình đòi quyền bình đẳng của nữ giới ở thế kỷ XX. 50 năm sau, chân váy mini vẫn là món item yêu thích của các cô nàng sành điệu trên khắp thế giới, “cân” được hầu hết các phong cách từ dịu dàng, nổi loạn và cả xen lẫn chút cổ điển, vintage.
Quần tây nữ – từ sự nổi loạn âm thầm đến cuộc cách mạng thời trang nữ quyền
Người phụ nữ đầu tiên mặc quần dài chỉ mới được phát hiện khoảng hơn 100 năm trở lại đây tại Phần Lan. Quần tây nói riêng hay suit nói chung được xem là trang phục biểu tượng cho sức mạnh và uy quyền của đàn ông. Do đó, trước thế kỷ XX, hầu như người ta chỉ thấy các cô gái mặc quần tây trong các trang trại chăn ngựa chứ chưa hề xuất hiện một cách đường đường chính chính.
Vào những năm 1930, một vài người nổi tiếng như Marlene Dietrich và Katharine Hepburn đã tiên phong mặc chiếc quần tây xuất hiện trên các trang ảnh, và đến năm 1966, khi nhà mốt Yves Saint Laurent thiết kế bộ suit dành cho phụ nữ, xu hướng này mới tạo nên dấu mốc mang lại cho phụ nữ sự tự do, thoải mái khi mặc trang phục nam. Cuối cùng, vào những năm 70, quần tây, suit dành cho nữ giới mới hoàn toàn được công nhận và được phái nữ ưu ái đến ngày nay.
Ai cũng phải dè chừng sự gợi cảm mang tên Bikini
Những năm đầu thế kỷ XX trở về trước, đồ tắm của phụ nữ là loại quần áo nặng, cồng kềnh và không khác gì trang phục nhiều vải thường ngày của họ. Mãi đến năm 1946, bộ đồ tắm hai mảnh giống ngày nay nhất được ra mắt lần đầu tiên bởi nhà thiết kế Louis Réard. Tên gọi “bikini” bắt nguồn từ hòn đảo Bikini Atoll, nơi tiến hành những cuộc thử bom nguyên tử của Mỹ, bởi người ta cho rằng, bộ trang phục thiếu vải này cũng có sức tàn phá khủng khiếp như những quả bom. Trang phục bikini gây tranh cãi đến mức nó bị cấm xuất hiện trên các bãi biển công cộng tại Mỹ và châu Âu cho đến những năm 1960, khi rất nhiều nữ diễn viên nổi tiếng khoác lên mình bộ bikini, trong đó có thể kể đến Marilyn Monroe, Jayne Mansfield và Bridget Bardot.
Nhiều năm sau đó, mức độ phổ biến của bikini tiếp tục tăng lên với những chất liệu và kiểu dáng độc đáo khác nhau. Sau hơn 50 năm, người ta đã không còn lạ lẫm khi thấy các cô nàng trong bộ bikini xuất hiện trên bãi biển. Không chỉ tôn vinh vóc dáng tiêu chuẩn của những thiếu nữ, bikini được xem là sáng chế “tuyệt vời và lý thú nhất của thế kỷ 20” vì dành cho tất cả phụ nữ trân trọng vẻ đẹp hình thể của chính mình.
Nhóm thực hiện
Bài: Phùng Nhi
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE