Thời trang / Thế giới thời trang

Thời trang Hàn Quốc những năm 1990 – Phóng khoáng trên từng con phố

Màu ảnh đã cũ nhưng những bộ trang phục như mới được diện ra đường vào ngày hôm qua. Sau gần 30 năm nhìn lại, gu thời trang của giới trẻ Hàn Quốc thập niên 90 vẫn là bảng tham chiếu sống động về phong cách casual.  

Từ Hương Cảng, Sài Gòn đến Seoul, cuối thế kỷ XX, làn sóng văn hóa và nghệ thuật phương Tây du nhập mạnh mẽ vào hầu hết các quốc gia Đồng Văn, khiến bức tranh thời trang nơi đây có những cú chuyển mình đáng kinh ngạc. Các con phố sầm uất nhất Hàn Quốc được tưới tắm bởi nhiều xu hướng tinh hoa, vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp cho đến ngày hôm nay. Phông bạt với gió Tây nhưng không mất đi tinh thần Á Đông, giới trẻ ở bán đảo Triều Tiên ưa chuộng lối ăn mặc tinh giản, thích khoe khéo những điểm duyên trên cơ thể và cách tân Hanbok thành các phiên bản tiện lợi hơn. Cùng ELLE sống lại thời hoàng kim của những bộ phim truyền hình như Mối Tình Đầu, Anh Em Nhà Bác Sĩ, Người Mẫu,… để tiếp thêm cảm hứng mặc đẹp từ các tư duy thời trang bất hủ.

street style hàn quốc những năm 1990
(Ảnh: Wikitree)

quay về thuở sơ khai của làn sóng Hallyu

Có thể nói, “mầm mống” cho sự phát triển vượt bậc của một trong những “Con Rồng Châu Á” bắt đầu vào thập niên 60 khi Tổng thống Park Chung Hee ban hành chính sách “thắt lưng buộc bụng” toàn dân. Tuy nhiên, cho đến thập kỷ 70 và 80, nền kinh tế nói chung và ngành may mặc nói riêng của Hàn Quốc vẫn chỉ được coi là “chập chững những bước đầu tiên”. Theo Woo Youngmi, nhà thiết kế thời trang và founder của thương hiệu nổi tiếng Wooyoungmi có trụ sở ở Paris:

Hàn Quốc của những năm 70 và 80 không hề tồn tại một nền công nghiệp nào, nói gì đến thời trang chính thống. Phải đến đầu thập kỉ 90, chúng tôi mới được gọi là bắt đầu sống trong một đất nước phát triển.”

hình ảnh đường phố hàn quốc thập kỉ 1970 công cuộc đổi mới đất nuớc phát triển kinh tế
Những năm 1970 tại Hàn Quốc. (Ảnh: Naver)

Trải qua hai mươi năm cải cách, văn hoá và nghệ thuật của xứ sở Kim Chi vẫn chưa phổ biến và có sức ảnh hưởng xuyên biên giới như hiện tại. Một trong những sự kiện mang tính bước ngoặt chính là khủng hoảng kinh tế Châu Á nửa cuối thập niên 90. Cuộc biến động gây ra hậu quả nặng nề cho các “mạch máu” kinh tế lớn ở lục địa lúc bấy giờ như Hồng Kông và Nhật Bản. Để đối phó với sự đình trệ hàng loạt này, chính phủ Đại Hàn Dân Quốc buộc phải tìm một hướng đi mới chú trọng vào xuất khẩu để gia tăng thu nhập và ngân khố quốc gia. Đầu tư vào ngành giải trí – cũng là điểm bắt đầu của làn sóng Hallyu, là quyết định được truyền thông phương Tây mô tả là một điều “phi thường”.

Phụ nữ Hàn Quốc những năm 1990
Phụ nữ Hàn Quốc những năm 1990. (Ảnh: Naver)
áo hai dây trên đường phố seoul thập niên 90
(Ảnh: Wikitree)

Kbiz và tiếng súng mở đầu làn sóng hallyu

Không thể không nhắc đến nhóm nhạc K-pop Seo Taiji and Boys và sau đó là H.O.T cũng như S.E.S, đi đầu trong công cuộc xuất khẩu văn hoá và thời trang của Nam Triều Tiên ra toàn Châu Á. Trong khoảng thời gian này, các thần tượng sở hữu hình tượng nổi bật đã góp phần định hình phong cách cho giới trẻ. Được truyền cảm hứng từ các dòng nhạc Âu Mỹ như Pop và Hip Hop, K-pop thổi một làn gió mới vào những truyền thống cũ và phá vỡ sự kìm hãm hơn 20 năm “thắt lưng buộc bụng” của cả một thế hệ. Nền văn hoá đại chúng giờ đây mang trong mình một hình thái trẻ trung, thức thời nhưng không kém phần nổi loạn. 

chụp chân dung nhóm nhạc kpop thế hệ đầu tiên hallyu của hàn quốc thập kỉ 1990 seo taji and boys
Nhóm nhạc K-pop đầu tiên của Hàn Quốc: Seo Taiji and Boys. (Ảnh: Blend and Band)
chợ quần áo ở seoul thập niên 90
Ảnh hưởng của phong cách Hip Hop từ phương Tây được nhóm nhạc Seo Taiji and Boys lan truyền mạnh mẽ tại quê nhà. (Ảnh: Naver)
thời trang đường phố hàn quốc 1990 áo cổ yếm croptop quần đáy xệ mắt kính màu
Áo cổ yếm dáng ngắn cùng quần cạp trễ đã trở nên thịnh hành, thời thượng không khác gì các IT-Girl ngày nay. (Ảnh: Vintage Everyday)

Ngoài K-pop, chúng ta còn được đón chào những nhà thiết kế thời trang thế hệ đầu. Họ đã tạo dựng được tên tuổi trong làng mốt thế giới cũng như trình làng các BST của mình trong khuôn khổ Tuần lễ Thời trang Seoul. Một trong những cái tên nổi bật là Andre Kim, NTK gốc Hàn đầu tiên có show diễn tại Paris. Seoul Fashion Week cũng là một trong những sự kiện thời trang được mong đợi nhất thế giới, một dịp để các nhà thiết kế và thương hiệu đánh tiếng trên truyền thông quốc tế.

phối màu trung tính trên đường phố hàn quốc 1990
Những năm 90 chứng kiến sự lên ngôi của các gam màu trung tính, phong cách trang điểm tóc nâu – môi trầm cũng như sự ưa chuộng áo croptop và sandals đế thô. (Ảnh: Vintage Everyday)
street style hàn quốc những năm 1990s
(Ảnh: Wikitree)
các xu hướng thời trang hàn quốc 1990
Hoạ tiết kẻ sọc, tank top, quần jeans cạp trễ và thắt lưng bản to cực kì “trending”. (Ảnh: Vintage Everyday)

Sự ra đời của hanbok cách tân

Có một hiện tượng luôn lặp lại khi một đất nước bước vào giai đoạn thịnh vượng kinh tế và đời sống nâng cao, bỏ lại đằng sau những tháng ngày “bắt trend” vô tội vạ các trào lưu Tây phương. Đó chính là tầng lớp tri thức trẻ với tư duy cởi mở nhưng mang trong mình lòng yêu nước mãnh liệt, muốn sử dụng thời trang như một công cụ để tôn vinh bản sắc văn hoá và truyền thống cội nguồn. Điều này dẫn đến sự nở rộ của những thiết kế hanbok cách tân với màu sắc nền nã, hoàn toàn phù hợp để mặc hàng ngày.

hanbok cách tân thập niên 90
Hanbok cách tân với gam màu nhã nhặn. (Ảnh: Naver)

Ấn bản tạp chí đầu tiên và sự công nhận cho thời trang Hàn Quốc

Thập kỉ 90 của thế kỉ trước cũng là khi giới trẻ Hàn Quốc định nghĩa được phong cách riêng và bắt kịp dòng chảy xu hướng thế giới. Không những vậy, giới mộ điệu nơi đây đã thêm những nét chấm phá mang đậm tính cá nhân và hơi thở Á Đông vào trang phục của mình, tạo nên một tổng thể độc đáo. Ngành công nghiệp thời trang cũng vì thế mà nở rộ và thăng hoa với sự xuất hiện của những tạp chí quốc tế. Sự ra đời của ELLE Korea vào năm 1992, đánh dấu một trang sử mới trong hành trình “xâm chiến” thế giới của ngành giải trí và làm đẹp xứ sở Kim Chi.

Claudia Schiffer trên bìa tạp chí ELLE Korea 1992
Người mẫu mang dòng máu Đức Claudia Schiffer trên bìa tạp chí ELLE Korea ấn phẩm đầu tiên năm 1992. (Ảnh: ELLE Korea)

Nhóm thực hiện

Bài: Từ Phương
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)