Kết hợp giữa “meta” (vượt ra ngoài) và “universe” (vũ trụ), metaverse là khái niệm về một “vũ trụ kỹ thuật số” tồn tại song song với thế giới thực được kiến tạo từ những thành tựu công nghệ hiện đại. Nếu kỷ nguyên Internet đã đưa con người tiến vào thời đại kết nối không giới hạn thì hình thái tiến hóa tiếp theo của nó – metaverse là một chiều không gian cho phép chúng ta được “sống” bằng “phiên bản số” của mỗi cá nhân. Điều này đồng nghĩa với việc những chuẩn mực xã hội sẽ được tái thiết, và một trong số đó chính là thời trang.
Tuy không có thế mạnh tốc độ như những ngành công nghiệp máy móc và bán lẻ khác, song với bản tính nhạy bén và ưa thích những điều mới mẻ, thời trang cao cấp vẫn luôn “âm thầm” nghiên cứu “vũ trụ ảo” sơ khai và những tiềm năng kinh doanh của nó. Từ thực tế ảo VR, thực tế tăng cường AR, trí tuệ nhân tạo AI cho đến trào lưu NFT “rộn ràng” trên khắp các diễn đàn thảo luận gần đây, cùng điểm lại những dự án thời trang nổi bật đã được “thả xích” trên hành trình gia nhập metaverse trong năm 2021.
BÀI LIÊN QUAN
NFT “mã hóa” những trải nghiệm thời trang cao cấp
Đường đua metaverse được nhiều “ông lớn” của ngành may mặc hưởng ứng nhất năm thuộc về NFT – Non-fungible Token (đơn vị dữ liệu điện tử không thể thay thế). Tháng 6 vừa qua, Gucci chính thức chào hàng trên sàn đấu giá NFT với bộ phim thời trang nằm trong bộ sưu tập Aria kỷ niệm 100 năm thành lập thương hiệu. Thước phim dài 4 phút được đồng đạo diễn bởi Giám đốc sáng tạo Alessandro Michele và nhiếp ảnh gia Floria Sigismondi được bán với giá 25.000USD. Theo nhà mốt nước Ý: “Thông điệp mà chúng tôi truyền tải trong Aria là khát khao tái sinh và nở rộ của sự sống sau khi vượt qua mùa đông giá rét.” Toàn bộ số tiền thu về đã được đóng góp vào quỹ UNICEF Hoa Kỳ để gia tăng nguồn cung vacxin COVID-19.
Bên cạnh đó, Dolce & Gabbana cũng vừa xác lập kỷ lục với bộ sưu tập NFT đầu tiên mang tên Collezione Genesi. Trong số 9 thiết kế của BST, chỉ có 5 tác phẩm vật lý đã được trình diễn ở sự kiện Alta Moda 2021 đồng thời được số hóa để xác nhận quyền sở hữu trong metaverse. Bốn sản phẩm còn lại chỉ tồn tại dưới dạng digital gồm ba chiếc áo khoác nam và vương miện The Impossible Tiara được chế tác từ “những viên đá quý bạn không thể tìm thấy trên Trái Đất” như thương hiệu mô tả. Kết thúc phiên đấu giá vào cuối tháng 9 trên thị trường kỹ thuật số UXND, tổng giá trị của bộ sưu tập đạt trên 6 triệu USD, con số ấn tượng ngay cả khi so sánh với những thiết kế Haute Couture ngoài đời thực.
AR try-on – Thử quần áo bằng bộ lọc máy ảnh
Sau một năm thử nghiệm với công nghệ thực tế tăng cường AR cho phép người dùng đi thử giày mới đơn giản bằng màn lọc “filter”, Snapchat đang tiếp tục chiến lược lôi kéo những nhà kinh doanh thời trang ra khỏi nền tảng Facebook và Instagram. Tháng 5/2021, những mẫu áo khoác Off-White của Virgil Abloh đã được lựa chọn để đưa vào kế hoạch hợp tác giữa nhà bán lẻ Farfetch và Snapchat. Người dùng chỉ cần nhìn vào camera trước và nói “show me a windbreaker jacket with a pattern” (cho tôi xem một chiếc áo khoác gió họa tiết) để mở ra chiếc “filter thử đồ” với những thiết kế đang chờ được ướm lên. Bạn vừa có thể chụp lại hình ảnh “diện” chiếc áo mới như bình thường vừa có thể “chốt đơn” ngay trên Snapchat.
Prada lại kết hợp tính năng tuyệt vời này với chế độ “rảnh tay” (hand-free) để giới thiệu những mẫu túi xách cao cấp của mình. Bằng công nghệ nhận diện cử chỉ, bạn chỉ cần cố định chiếc điện thoại thông minh ở một vị trí vừa tầm mắt và đảo tay qua lại là có thể ngắm nhìn toàn cảnh mẫu túi Prada nào là “tuyệt phối” với trang phục đang mặc trên người.
BÀI LIÊN QUAN
“Thời thượng hóa” thế giới game nhập vai
Với mục tiêu tiếp cận thế hệ người tiêu dùng trẻ, đặc biệt là Gen Z, các thương hiệu xa xỉ giờ đây đang tăng cường hợp tác với những nhà phát hành game nổi tiếng đồng thời cho ra đời trò chơi điện tử của riêng mình. Tháng 8 năm nay, để kỷ niệm 200 năm thành lập, Louis Vuitton đã truyền tải các di sản và tinh thần thời trang của nhà mốt một cách đầy thú vị và tươi sáng bằng việc cho ra mắt LV200: Louis The Game. Hóa thân vào Vivienne, linh vật của thương hiệu nước Pháp, người chơi sẽ được trải nghiệm hành trình chinh phục những vùng đất màu sắc được vun đắp nên bởi lịch sử của Louis Vuitton. Trước khi đến được điểm đến cuối cùng là lễ hội sinh nhật 200 tuổi, hàng loạt nhiêm vụ đã được thiết lập đan xen những dấu mốc quan trọng và câu chuyện có thật của thương hiệu. Bên cạnh việc phổ biến các giá trị lâu đời một cách tinh tế, trò chơi này còn là một “gian hàng” trưng bày 30 vật phẩm NFT mà người chơi có thể trực tiếp chọn mua.
Thay vì tự xây dựng một sân chơi riêng, Gucci lại chọn cách kết hợp với tựa game Roblox vốn đã có sẵn một hệ sinh thái hoàn thiện và 42 triệu người dùng. Nhà mốt nước Ý thiết kế một BST ảo để người chơi có thể sắm sửa túi xách, quần áo, phụ kiện,… chính hãng từ Gucci và trang bị cho nhân vật trong game của mình một cách “đắt tiền” hệt như ngoài đời. Áp dụng chiến lược thu hẹp thời gian “lên sàn”, trong vòng hai tuần hồi tháng 5, thương hiệu này thậm chí còn bán được mẫu túi Queen Bee Dionysus với mức giá kỷ lục 4115USD, cao hơn cả phiên bản thực của chiếc túi. Cha đẻ của Roblox – Rook Vanguard cũng đã tạo nên những không gian riêng trong trò chơi dựa theo bối cảnh khu vườn triển lãm ở Florence của Gucci.
Cửa hàng thực tế ảo VR
Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của đại bộ phận khách hàng. Trước tình hình đó, các thương hiệu đã khai trương những cửa hàng đa chiều với công nghệ thực tế ảo VR để “hiện thực hóa” tối đa các trải nghiệm mua sắm tại nhà. Sau khi mở một cửa hàng vật lý tích hợp kỹ thuật số ở Thâm Quyến vào mùa hè năm ngoái, Burberry tiếp tục kết hợp với Elle Digital Japan để tạo nên một bản sao ảo của cửa hàng chính hãng lớn nhất Tokyo. Thương hiệu nước Anh gửi lời mời ghé thăm Burberry Ginza “bản sao” để mua sắm và chiêm ngưỡng những thiết kế mới nhất trong BST mùa Xuân năm nay của hãng tới khách hàng từ mọi nơi trên thế giới. Theo Burberry, khách hàng có thể tự điều hướng xung quanh cửa hàng ảo và mua hàng bằng cách chọn các biểu tượng kỹ thuật số được gắn trên sản phẩm trưng bày. Cũng như không gian ở cửa hàng thật, phiên bản số này có đầy đủ 3 tầng lầu gồm: tầng trệt bày bán các mẫu túi xách nổi tiếng, tầng một và tầng hai được dành để trưng bày trang phục. Đây được xem là một bước phát triển để bảo tồn những trải nghiệm sang trọng khi mua sắm thời trang xa xỉ so với việc giao địch trên các sàn thương mại điện tử thông thường.
BÀI LIÊN QUAN
Bộ sưu tập “ảo” đầu tiên được trình diễn ở tuần lễ thời trang danh tiếng
Khi nói đến phong trào thời trang kỹ thuật số, Auroboros là một trong những nhóm mở đường tiêu biểu. Được thành lập bởi Alissa Aulbekova và Paula Sello, đây là một nhà mốt kết hợp khoa học – công nghệ với thời trang thủ công cao cấp (physical couture) và ready-to-wear kỹ thuật số. Lần đầu tiên trong lịch sử, một bộ sưu tập “may sẵn” không sử dụng một thước vải nào đã được trình làng tại Tuần lễ thời trang London. BST Biomimicry của Auroboros bao gồm 14 thiết kế mang hơi thở “vị lai” lấy cảm hứng từ các nhân tố tuần hoàn trong tự nhiên, công nghệ, những thước phim khoa học viễn tưởng của Alex Garland và thế giới anime của Hayao Miyazaki.
Câu hỏi được đặt ra là đồ “ảo” sẽ được mặc như thế nào? Theo hướng dẫn của thương hiệu, khách hàng chỉ cần chọn ra mẫu mã ưng ý đồng thời gửi kèm một bức hình cá nhân rõ nét trong đơn đặt hàng. Sau 3 đến 5 ngày làm việc, kiện hàng được chuyển về sẽ là một bức hình đã được photoshop vừa y với dáng người của bạn trong thiết kế ưa thích. Bạn có thể dùng nó để đăng lên mạng xã hội hoặc làm bất cứ thứ gì tùy thích và đây chính là một trong những hình thái thời trang trong metaverse. Không có size số, không tiêu tốn nguyên vật liệu cũng không sản sinh ra bất kỳ chất thải nào, giá trị thời trang không tưởng của Auroboros phần nào phản chiếu một bức tranh tương lai của ngành công nghiệp may mặc thân thiện, bền vững và phá vỡ các giới hạn về hình thể.
Nhóm thực hiện
Bài: Diệu Thanh Ảnh: Tổng hợp Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE