Kế thừa thời trang của mẹ: “Yay” or “Nay”?
Gửi mẹ, cô con gái này luôn tự hỏi nếu như mẹ con mình gặp nhau ở tuổi đôi mươi, lúc ấy mình sẽ nghĩ gì, thấy gì từ chiếc váy, chiếc áo mà đối phương đang mặc nhỉ?
Từ nhỏ, mẹ và con gái thường gắn lấy nhau như hình với bóng. Mẹ nhìn thấy bóng mình hồi xưa trong đứa con đang lớn lên từng ngày. Nhưng khi bộ não của con cho phép ghi nhớ về mẹ thì mẹ đã bước sang tuổi tứ tuần, hay thậm chí là hơn thế, nên cô con gái này cũng tò mò lắm về dáng vẻ thiếu nữ đầy sức sống của mẹ. Nếu thời trang là một vòng lặp, liệu còn điểm giao nào cho mẹ con mình chạm mặt trên vòng tròn rộng lớn đó không?
Người ta thường gán cho một món đồ cụm từ “của mẹ”, “của bà” như một cách để ám chỉ “sự quê mùa”, “cái cũ kĩ” trong tư tưởng, phong cách,… Thậm chí, điều này còn tồn tại đến tận cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Những chiếc quần jeans cạp cao qua rốn, những chiếc khăn lụa sặc sỡ, chắc hẳn không có đứa con gái nào dám diện lại những item đó từ năm 2000 đổ về. Nhưng bằng một cách thần kì nào đó, những món đồ cũ trong tủ quần áo của mẹ, hay xa hơn là của bà nay lại trở thành loạt item đón đầu xu hướng.
Còn nhớ khi thời trang vintage bắt đầu khuấy đảo thế hệ Millennials. Những đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ 1980 – 1990 “ngụp lặn” ở các chợ đồ si để tìm kiếm những chiếc đầm xòe chấm bi du hành từ những năm 50s, những chiếc peasant dress và váy mini đầy tính cách mạng của thập niên 60, vô vàn khăn lụa sắc màu từ thế kỉ 19, hay là sự xuất hiện của đôi giày pump vừa sang trọng vừa thanh lịch. Birkenstocks – đôi dép lê “thô kệch”, món đồ quen thuộc của thế hệ Boomers cũng một lần nữa quay trở lại đường đua thời trang bởi sự độc đáo và tính ứng dụng cao.
Đến thời đại của những cô cậu Gen Z cá tính, vintage lại càng nở rộ. Lúc này, nó không còn là xu hướng, mà là một phong cách “không tuổi”. Tiếp nối Millennials, Gen Z chịu ảnh hưởng nhiều đến từ giai đoạn 70s, 80s sau đó. Quần jeans của mẹ (mom jeans) ban đầu là cái gai trong mắt nhiều người, sau này lại là item chất đống trong “giỏ hàng trên mạng”, hay những chiếc vòng ngọc trai – kỉ vật của bà, giờ đây không chỉ được lăng xê bởi những ngôi sao nổi tiếng như Jennie (BLACKPINK) mà thậm chí nó đã vượt ra ngoài khuôn khổ về giới, chạm đến thế giới thời trang của cánh đàn ông.
Ta vẫn luôn bị những thứ gọi là “xu hướng” điều khiến. Những cô gái mong muốn mình là người hợp thời, sành điệu nhất trong thế giới thời trang hào nhoáng, nhìn kĩ lại ra dáng hình của những người phụ nữ tràn đầy nguồn cảm hứng ngay gần họ – là mẹ, là bà. Hay nói đúng hơn là bóng hình của người đi trước. Nhưng không phải lúc nào thời trang của mẹ và con có điểm giao nhau. Đơn cử như cái thời 50s khi các bà mẹ đều diện cùng một mẫu váy dài thắt eo đảm đương công việc nội trợ, thì những đứa trẻ lúc ấy chỉ mong sao rời nhà để được là mình hơn. Để rồi sau này chúng mở đường cho kỉ nguyên váy ngắn thập niên 60 hay muộn hơn là Punk đầy nổi loạn, toại nguyện cái ước mơ nới rộng phần tự do cho chính mình.
Nhớ lại những buổi đi mua sắm cùng mẹ hay đơn giản là “unboxing” một gói hàng Shopee trước mặt bà, hẳn nhiều người trong chúng ta đều từng bắt gặp những ánh mắt “phán xét”, những lời bình phẩm đầy “cục xúc” như “mua vớ vẩn”, “mặc xấu như ma”,… từ người phụ nữ “phá mood” ấy. Rồi “mẹ không hiểu” – đây có phải ý nghĩ của hàng vạn đứa con gái trước lời nhận xét không mấy tích cực về bộ đồ mà nó hãnh diện nhất? Đã bao giờ ta thử nghĩ dựa trên cơ sở nào mà mẹ lại tự tin nói lên ý kiến đó? Hay xa hơn là quan niệm thẩm mỹ của mẹ được hình thành như thế nào? Vì sao hồi nhỏ, ta cảm thấy thoải mái khi mặc những món đồ mẹ đưa, mà khi lớn lên lại chối “đây đẩy”, cho rằng quần áo mẹ mua thật lỗi thời, dù đôi khi cũng chẳng buồn mở ra ngoái nhìn lấy một lần?
Gu thẩm mỹ ở từng thời kì đều thay đổi, không chỉ do yếu tố bên trong, mà còn phải xem xét từ góc độ tình hình xã hội thời bấy giờ như chính trị, văn hóa, kinh tế. Nào ai dám nói chính trị không dính dáng đến thời trang. Những năm 50, cái thời mà váy dài sáng màu, cầu vai tròn trịa, thắt lưng tôn dáng hình đồng hồ cát – cái thứ tiêu chuẩn cho trang phục của phụ nữ là kết quả của hậu Thế Chiến II, khi sự phù hợp trong phong cách được đề cao hơn là tính đa dạng. Nào ai dám khẳng định văn hóa cũng chẳng có tương quan với thứ thời trang hào nhoáng. Khi nền văn hóa mở rộng những cơ hội mới, nó cũng đặt ra những nhu cầu mới, những yêu cầu mới – rằng thời trang, phải đúng như ý nghĩa của nó: hợp thời.
Đặt mình trong bối cảnh như thế, thời trang trong mắt của các mẹ, những người tận mắt chứng kiến và trải qua những thời điểm đầy hỗn độn ấy, chắc chắn không đơn thuần là những đánh giá cảm quan mang tính nhất thời, mà nó còn được xây đắp nên từ những sự kiện lịch sử có tầm ảnh hưởng to lớn. Ở thời điểm đôi mươi như con gái, làm sao mẹ dám đủ can đảm mà tự tin ruồng bỏ những định kiến để được là chính mình như định nghĩa của con.
Gu thẩm mỹ cũng có quá trình “dậy thì” của nó. Ngay bây giờ, bạn hẳn sẽ dè chừng trước tủ quần áo tuổi 40 của mẹ nhưng lại sẵn sàng trả giá cho một món đồ từ thời đôi mươi của bà vừa được Dua Lipa hay Bella Hadid diện lên người. Vậy là thật ra, quan điểm thẩm mỹ của ta dễ đồng điệu hơn với những cô gái cùng tuổi, của mẹ thời 20 chứ không phải thời 40 như bây giờ. Các mẹ cũng đã từng có thời chất chơi sành điệu như thế, nhưng khi đã đi qua cái tuổi trẻ xốc nổi bồng bột, mẹ cũng đâu thể yêu mãi cái phong cách cá tính hồi đó. Đây phải chăng là sự “lệch pha” của độ tuổi chứ không phải thời đại?
Việc người trẻ thích gì, người lớn nghĩ sao là cảm quan cá nhân dựa theo trải nghiệm. Hà cớ gì lại ép nó về một quy chuẩn nhất thời ở một thời đại không trường tồn mãi mãi? Đến một ngày nào đó trong tấm thư “Gửi Mẹ”, những đứa con gái khi ngã ngũ mọi chuyện, sẽ lại nhớ ngày còn bé khi nhìn thấy tủ đồ chất đầy quần áo ấy, sự hào hứng khi ướm thử một chiếc đầm quá khổ so với kích thước cơ thể, tập tễnh trên đôi giày cao gót của mẹ. Nếu thời trang là một vòng lặp, giá như điểm giao giữa mẹ con mình là vô cùng. Vì con thấy hãnh diện, và thật ngầu vì được “là mẹ” khi xưa.
Bài: Minh Khuê
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE