Thời trang Metaverse: “Bắt trend” nông nổi hay âm mưu đột phá của ngành công nghiệp tỷ đô?
Tuần lễ thời trang Metaverse (MVFW) vừa được ra mắt vào ngày 24 – 27/03 trên nền tảng Decentraland. Đối với một số người, “vũ trụ ảo” chỉ giống như một bộ phim khoa học viễn tưởng mới được trình làng trong thời gian gần đây, nhưng trong thực tế, nó đã thoát khỏi màn hình chiếu trong rạp phim và “rơi” vào tầm tay của bạn, trong “xã hội số” mà chúng ta đã sớm không thể sống thiếu.
Metaverse dần trở thành một mảnh đất màu mỡ để khai thác tài nguyên cũng như khách hàng, nơi “dân thời trang” đang rất tích cực khẳng định sự tồn tại của mình. Từ những thương hiệu đường phố đến các nhà mốt xa xỉ, tất cả đều đẩy mạnh tiền của và chất xám cho những bộ trang phục bạn không bao giờ có thể chạm vào. Tuy nhiên, marketing và mở rộng thị trường có phải lý do lớn nhất để Metaverse trở thành xu thế?
Các ông lớn như Gucci, Burberry, Balenciaga và hàng loạt những cái tên “máu mặt” khác đang “khai hoang” một địa hạt thời trang đi ngược lại tất cả khối di sản savoir-faire cao quý vốn được gìn giữ và tôn sùng hàng thế kỷ. Điều đó cũng dễ hiểu thôi vì doanh thu từ các thiết kế NFT đang trên đà bùng nổ. Năm 2021, The Dematerialised – một công ty chuyên về thời trang digital đã tẩu tán thành công 777 tượng mô hình của cố NTK Karl Lagerfeld dưới dạng NFT. Chúng có giá 777 euro mỗi chiếc, đắt hơn phiên bản đời thực nhưng “cháy hàng” trong khoảng thời gian đáng kinh ngạc chỉ 33,77 giây. Điều này chứng tỏ sức ảnh hưởng còn mãi của Karl Lagerfeld nhưng hơn hết là việc biến những món đồ quen thuộc trở thành các điểm ảnh pixel và mã code độc nhất là một cách “gợi cảm” để kích thích nhu cầu sưu tầm.
Gần đây nhất, Selfridges (chuỗi cửa hàng bán lẻ các mặt hàng xa xỉ phẩm của Vương quốc Anh) đã công bố kế hoạch bán NFT ở cửa hàng Oxford Street Flagship của mình. Nơi đây trở thành cửa hàng vật lý đầu tiên bày bán trực tiếp NFT và cho phép khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc ATM thay vì ví điện tử và các loại tiền kỹ thuật số khác.
Có nhiều cách để lý giải về đà tăng trưởng của thời trang kỹ thuật số nhưng kết quả vẫn sẽ là một con số dương trong tương lai. Bởi ngày nay, người ta đang sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các nhu cầu để cải thiện chất lượng cuộc sống. Theo thống kê gần đây, doanh số bán hàng của ngành thời trang, thể thao, game, nghệ thuật và âm nhạc, đạt mức cao nhất là $40 tỷ USD vào năm ngoái.
Những lợi thế của thời trang NFT có thể kể đến các khái niệm không giới hạn về xu hướng, khả năng tiếp cận và thẩm mỹ độc đáo. Trong đó, tính bền vững là một trong những yếu tố gây thuyết phục nhất. Ông Jordan Flippin, Giám đốc Nghệ thuật tại VENUS Fashion Inc – một công ty may mặc có trụ sở tại Florida khẳng định: “Việc sản xuất quần áo kỹ thuật số thải ra ít carbon dioxide hơn nhiều so với quy trình truyền thống”.
Nhưng nghiêm túc đánh giá lại, việc người tiêu dùng tự nguyện chi tiền để sở hữu các thiết kế mà họ mơ ước, họ có nó nhưng không bao giờ có thể thực sự mặc được rốt cuộc sẽ đem đến giá trị tinh thần to lớn, một khoản đầu tư có thể bán lại như túi xách hay tệ hơn chỉ là một cái bẫy truyền thông, nơi mọi thứ đều được đánh bóng lên và luôn rỉ tai cho bạn các công thức để làm người thời thượng? NFT cũng không phải một trò tiêu khiển phổ thông. Nó đòi hỏi nhất định về khả năng tài chính của khách hàng, nghe qua có vẻ giống như thời trang xa xỉ. Liệu ta có đang vội vàng chen chân vào một không gian vẫn còn rất mơ hồ và viển vông? NFT có đang lạm dụng người tiêu dùng bằng thông điệp về một giải pháp thay thế rẻ hơn nhưng lại không hề cần thiết cho cuộc sống của họ?
Nhưng cuối cùng thì giá trị thực của thời trang ảo vẫn còn rất khó để đánh giá trong hai, ba năm tới. Người ta mày mò mã hóa mọi thứ để tạo ra giá trị sở hữu độc quyền và lưu giữ ý tưởng một cách gọn nhẹ hơn. NFT vẫn sẽ phát triển dựa trên cuộc cách mạng công nghệ và giấc mơ về một tương lai 5.0. Người người đều ngấu nghiến và tưởng tượng về nó qua hàng chục các tác phẩm văn học và phim ảnh. Chúng ta khao khát trải nghiệm chứ không phải một bộ phim hay cuốn sách được vẽ minh họa đẹp mắt nữa.
Không chỉ có thời trang mà các hoạt động, lĩnh vực khác trên toàn cầu – từ du lịch ảo và thường thức nghệ thuật cho đến game tương tác và quy trình làm việc đều dần tiếp cận với Metaverse. Với sự cộng hưởng mạnh mẽ từ phản ứng người tiêu dùng, thời trang kỹ thuật số có thể tiếp tục phát triển khi NFT được dự đoán sẽ tăng trưởng 25% vào năm 2022. Metaverse đã tạo ra một thuật ngữ nổi trội trong cuộc chiến công nghệ nhưng khi đối chiếu với thế giới vật chất và hữu hình, liệu cán cân thiên vị trong tiềm thức người dùng đối với chúng có chiến thắng những lợi ích mà thế giới ảo mang lại hay không?
Bài: Ny Nguyễn
Ảnh: Tổng hợp
Tham khảo: Not Just A Label
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE