Thời trang ngày mưa và những thông điệp ẩn giấu ít ai biết đằng sau các thước phim điện ảnh
Có bao giờ bạn từng thắc mắc về ý nghĩa đằng sau mỗi món đồ thời trang mang tính biểu tượng vẫn thường xuất hiện trong những cơn mưa tầm tã của thế giới điện ảnh?
Trong thế giới điện ảnh, sự xuất hiện của những cơn mưa không chỉ đơn giản là một hiện tượng thời tiết mà còn là công cụ truyền tải cảm xúc và tâm lý nhân vật. Và thời trang trong phim cũng vậy, mỗi lựa chọn trang phục ngoài giúp hoàn thiện diện mạo diễn viên mà còn mang theo những ý đồ nghệ thuật của đạo diễn. Vậy có chăng những thông điệp ẩn giấu đằng sau mối liên hệ giữa ngày mưa tầm tã và các yếu tố thời trang mang tính biểu tượng được gài cắm trong các thước phim? Câu trả lời là “có”, bởi từ chiếc áo mưa mang sắc vàng của nắng đến những chiếc ô trong suốt tinh tế, mỗi món đồ trong “bản hoà ca” thời trang ngày mưa mà chúng ta vẫn thường thấy trên phim ảnh đều mang theo những ý niệm nghệ thuật sâu sắc.
Áo mưa vàng và những tín hiệu đối nghịch
Những chiếc áo mưa màu vàng có nguồn gốc từ áo mưa đi biển của ngư dân Scotland đã trở thành một trong những trang phục mùa mưa phổ biến nhất trên thế giới. Ngoài thể hiện tinh thần lạc quan và sự may mắn thông qua sắc vàng nổi bật, thiết kế áo mưa vàng còn được xem là là tín hiệu cảnh báo những nguy hiểm trong phim. Tùy vào nội dung của từng cảnh phim, chiếc áo mưa vàng vừa có thể thắp sáng những đám mây đen u uất, lại vừa có thể là một lời nhắc nhở về những mối đe dọa kinh hoàng.
Trong bộ phim Love Phobia, Ari hay còn gọi là “cô bé áo mưa vàng” vì bất kể trời mưa hay nắng, cô đều khoác lên mình món đồ này. Mang trong mình căn bệnh bẩm sinh và chứng kiến những tai nạn lần lượt xảy đến với người thân, Ari quan niệm chính mình là một điều xui xẻo và bất kỳ ai chạm vào cô đều dính phải lời nguyền chết chóc. Áo mưa vàng hiện diện ở đây như “bùa may” mà Ari dùng để bảo vệ những người xung quanh mình khỏi sự xui xẻo của bản thân. Mặc cho những hắt hủi và kỳ thị, cô bé vẫn luôn vui vẻ mỗi ngày như sự tươi sáng của chiếc áo màu nắng.
Hoặc, hình ảnh của chiếc áo mưa vàng sẽ xuất hiện như một biểu tượng sức mạnh tinh thần, ý chí và khơi gợi hy vọng. Chẳng hạn như thời trang của nhân vật nữ chính Eve Myles trong series phim Keeping Faith. Thiết kế này đã theo nữ chính trong suốt 3 mùa phim và được ưu ái gọi là “chiếc áo của sức mạnh” khi cô đang dốc hết nỗ lực tìm kiếm người chồng mất tích của mình. Thậm chí, chiếc áo mưa vàng của cô nàng còn trở thành hiện tượng thời trang và được người hâm mộ săn lùng sở hữu.
Với điện ảnh Âu Mỹ, áo mưa vàng lại là một báo hiệu cho những cảnh phim rùng rợn và kinh dị. Trong bộ phim IT của Stephen King, cậu bé Georgie lần đầu tiên chạm mặt tên hề Pennywise khi đang chơi đùa cùng dòng nước mưa trên đường trong chiếc áo mưa màu vàng. Georgie đã lầm tưởng đó là một người bạn mới nhưng không, cậu bé trở thành nạn nhân đầu tiên của tên hề sát nhân.
Không phải là bất kì màu sắc nào khác ngoài màu vàng vì đây là đạo cụ liên quan mật thiết đến ý đồ mà đạo diễn King muốn truyền tải. Hiệu ứng màu sắc từ màu vàng sẽ gây chú ý mạnh mẽ và lập tức kích thích trí tưởng tượng của người xem. Nó khiến nhân vật Bill bị ám ảnh với cái chết của em trai mình trong chiếc áo mưa vàng thời thơ ấu của cậu. Không chỉ vậy, sắc vàng này còn ăn nhập hoàn hảo với quả bóng đỏ trên mũi Pennywise và đồng thời giúp màu máu trở nổi bật. Một khoảnh khắc hạnh phúc bỗng lập tức biến thành cơn ác mộng kinh hoàng với sự “giúp sức” về mặt hình ảnh và ý nghĩa của chiếc áo mưa vàng.
Những chiếc trench coat thanh lịch báo hiệu cơn mưa sắp tới
Trench coat là một loại áo khoác đi mưa chuyên dụng gắn liền với thời trang nước Anh bởi khí hậu ảm đảm đi kèm những cơn mưa dai dẳng bất chợt của đất nước này. Dẫu là món đồ thời trang dùng để chống chọi với thời tiết “khó chiều”, song trench coat lại được coi như một biểu tượng kinh điển cho sự tinh tế và thanh lịch trong không chỉ thời trang mà cả phim ảnh. Người ta thường nói vui rằng, sự xuất hiện của chiếc áo trench coat chính là điềm báo cho những cơn mưa bất chợt bỗng nhiên ùa tới trong cảnh phim tiếp theo.
Sẽ chẳng ai quên được hình ảnh nụ hôn dưới màn mưa đầy lãng mạn của Audrey Hepburn và George Peppard trong Breakfast at Tiffany’s. Đó không chỉ đơn thuần là một khoảnh khắc kinh điển của điện ảnh bởi chính phân cảnh này đã góp phần mang những chiếc trench coat trở thành biểu tượng của những màn mưa trong phim ảnh. Hình ảnh hai nhân vật chính trong thiết kế trench coat màu beige của Burberry trong cơn mưa tầm tã đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử thời trang màn ảnh.
Hình ảnh xuất thần từ nhan sắc đến diễn xuất của nữ diễn viên Elle Fanning cùng chiếc trench coat nâu beige và mái tóc rối dưới cơn mưa tầm tã của bầu trời New York trong dự án phim A Rainy Day in New York cũng đã ghi lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người xem. Có gì hợp với màn mưa của thành phố được mệnh danh là “Trái táo lớn” (Big Apple) hơn hình ảnh một cô nàng tóc vàng cùng chiếc trench coat thượng lưu?
Dẫu là một biểu tượng thời trang của Anh Quốc, xong thiết kế này lại được các nhà làm phim và tổ trang phục của những bộ phim K-Drama ưu ái sử dụng trong các phân cảnh trời mưa. Bạn hãy thử để ý mà xem, chỉ cần các nữ chính xuất hiện cùng chiếc trench coat thời thượng, thì 80% cảnh quay tiếp theo sẽ là một cơn mưa bất chợt ùa tới. Còn gì lãng mạn hơn hội “chị đẹp” khoác trên mình chiếc trench coat thanh lịch, bước chậm rãi dưới chiếc ô che nghiêng cùng nam chính đúng không?
CHIẾC Ô TRONG SUỐT soi thấu những ưu tư phiền muộn
Nhắc đến những chiếc ô trong suốt trên màn ảnh, có lẽ chúng ta sẽ ngay lập tức nghĩ đến những bộ phim thanh xuân học đường Nhật Bản – cũng là nơi khai sinh của món đồ này. Chiếc ô vốn được phát minh với công năng bảo vệ con người trước những cơn mưa, nhưng với chất liệu trong suốt như tàng hình trong làn nước, đồ vật này như soi thấu những xúc cảm mong manh, dễ vỡ được giấu kín. Chính vì lẽ đó trong các bộ phim Nhật, chiếc ô trong suốt giống như phép ẩn dụ vừa thơ vừa buồn ám chỉ câu chuyện của những cô gái trẻ thiếu sự an toàn đang khao khát sự tự do. Người ta đã quen thuộc với hình ảnh những nữ sinh Nhật Bản như có như không một sự che chắn nào đó cùng chiếc ô trong suốt, tươi tắn và rạng rỡ ở độ xuân thì mặc cho trận mưa tầm tã.
Bên cạnh nhiệm vụ là một món đồ với những ý niệm cảm xúc ẩn chứa, chiếc ô trong suốt được ưa chuộng bởi các nhà làm phim vì tính “vô hại” với những hiệu ứng ánh sáng và góc quay. Sự ám sắc và bao phủ tầm nhìn trên khuôn mặt của nhân vật sẽ tạo ra rắc rối ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh nếu thay bằng những chiếc ô có màu.
Bài: Diệu Thanh
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE