Kịch bản mang nhiều yếu tố lịch sử khi tường thuật lại giai đoạn đầy biến động của của Hollywood. Phim bắt đầu với bối cảnh giữa thập niên 1920, khi các hãng sản xuất dần bước vào giai đoạn chuyển giao từ phim câm (không tiếng động hoặc không thoại) sang phim “talkies” (có thoại). Cú chuyển mình đòi hỏi và thách thức sự thích ứng của các ngôi sao phim câm. Với thời lượng 189 phút, Damien Chazelle và Mary Zophres khắc hoạ tài tình sự đối lập giữa vẻ đẹp và mặt tối của kinh đô điện ảnh thế giới cùng 250 diễn viên và 7000 bộ váy áo.
BÀI LIÊN QUAN
Bình minh mới từ tàn dư chiến tranh và đại dịch, người dân của “Roaring Twenties” (những năm 20 gầm vang) đắm mình trong tiệc tùng và giải trí. Đáp ứng nhu cầu khán giả khi nhiều hãng phim thâu tóm thị trường với phim câm thuộc thể loại viễn tưởng hay hài kịch. Trên địa hạt thời trang, xu hướng “Flapper Girl” vực dậy cảm hứng phóng khoáng. Rũ bỏ lớp váy áo cầu kỳ của thập niên cũ, váy ngắn và tóc bob trở thành đỉnh cao phong cách. Coco Chanel tiếp tay cho thiết kế đầm dáng suông, từ chối chiết eo, giành hết tinh xảo cho hoa văn đính hạt, sequin và chi tiết thêu.
Chưa đến phút thứ 5, Babylon dẫn dắt khán giả hoà mình vào bữa tiệc Kinoscope Studios – nơi quy tụ nhiều tài năng diễn xuất và cả những tân binh với khát vọng đổi đời. Đó là lúc ta gặp gỡ Nellie LaRoy (do Margot Robbie thủ vai) – một “ngôi sao tự xưng” mong muốn lọt vào mắt xanh của các nhà làm phim lớn. Nổi bật trong chiếc váy cổ chữ V với phần cắt xẻ táo bạo bên sắc đỏ mê hoặc, Nellie trở thành nhân vật chính của bữa tiệc thác loạn với bước nhảy phóng túng trên nền nhạc jazz. Không khó để nhận ra văn hoá flappers chưa từng xuất hiện một chiếc váy gợi cảm như thiết kế của Mary Zophres dành cho Nellie. Thật vậy khi mẫu đầm chỉ là một trong những trang phục được cải biến nhằm phô diễn tham vọng của nữ chính. Dù tái hiện lối sống và thời trang những năm 1920, Babylon vẫn có sự thay đổi vừa đủ để hấp dẫn người xem hiện đại.
Song, tác phẩm vẫn là một bộ phim lịch sử mẫu mực khi thể hiện sự tôn kính dành cho các tên tuổi đình đám của thời đại vàng. Nhà sản xuất Irving Thalberg do Max Minghella thủ vai, Samara Weaving trong vai Constance Moore, Marion Davies với diễn xuất của Chloe Fineman,… xuất hiện trên màn ảnh cùng cảm hứng trang phục tương thích. Trong đó, nhân vật Nellie LaRoy được xây dựng trên hình tượng của nữ minh tinh Hollywood đắt giá – Clara Bow. Không chỉ chia sẻ câu chuyện về tuổi thơ khó khăn, sự nghiệp sớm nở chóng tàn, Bow được Margot Robbie tái hiện qua chiếc quần yếm trong khoảnh khắc vật lộn với rắn hay thiết kế hoạ tiết dàn đều tại phân đoạn nhảy múa sôi động.
Được dựng nên từ hình tượng ngôi sao Mỹ – Trung đầu tiên của Hollywood – Anna May Wong, cô ca sĩ Fay Zhu (do Li Jun Li thủ vai) nổi bật bên chiếc sườn xám, áo sơmi cổ tàu trên nền vải lụa với bản in hoa bắt mắt. Trang phục biểu diễn độc đáo của nữ diễn viên gốc Hoa Anna cũng được tái tạo chuẩn chỉnh dưới bàn tay tài hoa và lăng kính của NTK trang phục Mary Zophres.
–
“Đây là công việc thử thách nhất mà tôi từng làm. Song, mỗi ngày tôi đều được trải nghiệm những lần bật mở cảm hứng sáng tạo. Tôi thấy mình thật may mắn.” – Mary Zophres chia sẻ về trải nghiệm thiết kế cho Babylon.
–
Cân bằng giữa số lượng váy áo khổng lồ, chất lượng phục trang và tính xác thực của lịch sử, Mary dành hàng giờ để nghiên cứu áp phích phim cũ, theo dõi cách di chuyển của vũ công trong những điệu nhảy để tinh chỉnh trang phục phù hợp với kịch bản. Dù phần thắng có nghiêng về Babylon hay không, thì bộ phim cũng đã chiêu đãi giới mộ điệu bằng khung cảnh hào nhoáng được lắp đầy bởi váy áo lụa là giữa thời kỳ biến chuyển không ngừng của Hollywood và thời trang.
Nhóm thực hiện
Bài: Hải Yến
Ảnh: Tổng hợp