Kể từ ngày đóng máy bộ phim cho đến hôm nay chúng tôi gặp Tô Quốc Sơn, anh cười nói, thực sự thì Sơn vẫn như đang sống trong thế giới của Em và Trịnh – một trong những tác phẩm lớn của nền điện ảnh đương đại. Đây là bộ phim mà có thể nói là vô tiền khoáng hậu, về mức độ chịu chơi và chịu chi của nhà sản xuất, với con số đầu tư ước tính trên 2 triệu đô.
Sau khi mục sở thị tận mắt vẻ đẹp như bước ra từ trong thơ, trong nhạc của cố huyền thoại trên màn ảnh rộng, điều chúng tôi tò mò là, ắt hẳn hành trình để tạo nên những nàng thơ Dao Ánh, Bích Diễm, Michiko, Khánh Ly hay Thanh Thuý không phải một công việc dễ dàng.
BÀI LIÊN QUAN
Không chỉ làm đẹp, mà còn phải làm đúng, làm sống dậy những biểu tượng một thời
Sơn thích Michiko nhất trong những bóng hồng trên màn ảnh. Cô là người được stylist đánh giá là xinh nhất, phong cách cũng đa dạng và đặc biệt là dễ cảm nhất. Có lẽ bởi thời điểm mà cô xuất hiện, nó gần gũi với thời đại của chúng ta hơn. Nếu để ý, khán giả sẽ thấy, trong chuyến đi rời bỏ đoạn tình cảm với cố nhạc sĩ ở cuối phim, ekip đã cố tình để nàng mặc một bộ quần áo giống với Dao Ánh khi quyết định dừng lại tình yêu lớn ở phân cảnh trên sân ga năm nào.
Cái khó và cũng là cái hay, bằng ngôn ngữ của thời trang, Sơn kể câu chuyện vừa giống lại vừa khác của Dao Ánh và Michiko – hai trục ái tình đối xứng của mạch phim trong hai giai đoạn cuộc đời Trịnh Công Sơn.
Dao Ánh và Michiko đều hồn nhiên và trong sáng, nhưng cái khác biệt đáng nói ở đây, là tình yêu của Dao Ánh trong vắt và tinh khôi như “nắng thuỷ tinh”, còn người tình ngoại quốc là sự mới mẻ, là sự lém lỉnh của một cô gái trước thần tượng của mình.
Cả trang phục và phụ kiện, stylist chọn toàn bộ cho Dao Ánh là những thứ có dáng tròn, bầu, những gam màu pastel cùng váy hoa nhí . Trong khi đó, Michiko lại ưa thích hoạ tiết sọc, phong cách tuy vẫn dịu dàng nhưng có phần hiện đại hơn. Cô hay mặc quần jeans, quần tây, vừa hợp thời mà cũng để đánh dấu sự đối lập.
Vậy còn Khánh Ly, Thanh Thuý thì sao, những người đã sống hàng thập kỉ trong trái tim công chúng yêu nhạc?
Những nhân vật này theo Sơn để tạo hình cho họ không khó, vì vốn dĩ tư liệu và hình ảnh đã quá nhiều. Nhưng thử thách, đó là làm sao cho đúng. Đặc biệt là đối với nhân vật Khánh Ly do Bùi Lan Hương thủ vai, khi mà hình ảnh “danh ca chân đất” đã đi vào huyền thoại.
Một trong những phim có số lượng phục trang lớn nhất
Số lượng trang phục chỉ tính riêng cho tuyến nhân vật nữ mà Sơn phụ trách có thể lên tới một hai ngàn bộ. Để đáp ứng con số khổng lồ đó, Sơn và ekip đã tìm đến những tên tuổi hàng đầu như Liên Hương, Thuỷ Design House, Lê Lucas,.. để bảo đảm về độ chỉn chu, đặc biệt là những chiếc áo dài. Trong thế kỷ trước, áo dài không được may sẵn hay may theo mẫu, mà được may đo dựa trên chính kích thước của người mặc. Khi phom ngực và eo đều chuẩn, đó là chiếc áo dài độc nhất vô nhị. Chỉ riêng mẫu áo dài màu xanh lam trong phân cảnh Dao Ánh trung niên gặp lại Trịnh Công Sơn, stylist cùng Thuỷ Design House đã phải may đi may lại trên dưới 5 lần để cho ra kết quả giống hệt với nguyên mẫu trong tư liệu.
Dĩ nhiên, 136 phút trên phim không phải là tất cả những gì mà ekip phải chuẩn bị. Lấy ví dụ, nếu nhân vật Dao Ánh cần 100 bộ trang phục, ekip sẽ phải chuẩn bị số lượng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi, sau khi được Giám đốc Mỹ thuật Hà Đỗ và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh duyệt mới đưa ra 100 bộ trang phục cuối cùng. Đó còn chưa tính đến phần sơ cua để xử lý những tình huống bất ngờ.
Chẳng hạn, đối với chiếc áo mà Trịnh Công Sơn (do Alvin Lu thủ vai) trong cảnh quay trốn quân cảnh hẹn hò trên biển với Dao Ánh, vì trời mưa mà chiếc áo duy nhất bị ướt, stylist đã phải xin vào một nhà dân và hơ trực tiếp áo trên bếp ga để kịp khô. Để không lặp lại tình trạng đó, ngay trong đêm Sơn đã lục tung tất cả các sạp vải tại thành phố Huế, tìm thợ may và thực hiện thêm hai chiếc áo tương tự chỉ trong một đêm cho những phân cảnh khác.
Nhưng thiết kế của các nhà mốt thôi chưa đủ để lấp đầy tủ quần áo của Em và Trịnh. Sơn kể rằng anh không nhớ nổi mình đã mất bao nhiêu thời gian để “đãi cát tìm vàng” trong vô vàn các cửa hàng đồ secondhand từ Huế, Đà Lạt đến Sài Gòn. Đối với Sơn, đồ vintage vừa tối ưu ngân sách vừa giúp ta sở hữu những kỹ thuật và chi tiết may vô cùng tinh xảo mà gần như ở thời đại ngày nay đã trở thành “của riêng” của thời trang xa xỉ.
–
“Đồ vintage cho người xem cảm nhận được dấu vết của thời gian. Khi nhìn vào từng cái áo, chiếc cài, khán giả phải cảm nhận được, đó là một bộ đồ được chính nhân vật lấy ra từ tủ quần áo và mặc lên mình chứ không phải do bất kì stylist nào.”
–
Thậm chí đến tận bây giờ, cơn ghiền đồ vintage của Sơn vẫn chưa dừng lại, nếu có dự án MV hay TVC nào phù hợp, thì nó vẫn sẽ được anh ưu ái lựa chọn để đưa vào.
BÀI LIÊN QUAN
“Em và Trịnh là độc nhất”
Chúng tôi hỏi Sơn rằng, liệu Em và Trịnh có phải là một thử thách lớn với anh không, vì khi quan sát suốt chặng đường làm nghề của anh, bộ phim mang một phong cách hoàn toàn khác, đặc biệt là đối lập hoàn toàn với concept phim điện ảnh đầu tiên Sơn tham gia trước đó là Gái Gìa Lắm Chiêu V, cũng được xem là thành công về mặt thời trang. Sơn bình thản trà lời: “Không!”.
Ít ai biết được rằng ông ngoại của stylist là bạn thân của danh ca Khánh Ly, anh nghe nhạc Trịnh từ bé, và anh yêu nó, cũng như yêu những gì rất Việt Nam trong phim.
Trước tò mò liệu rằng trong tương lai nếu có một dự án với phong cách tương tự như Em và Trịnh, liệu Sơn có vượt qua cái bóng quá lớn của nó hay không. Sơn điềm nhiên, không biết cái bóng của Em và Trịnh sẽ lớn như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ là không. Sơn ghét sự lặp lại trong nghệ thuật, và đó có lẽ cũng là lý do vì sao mà Sơn có thể hoàn thành tốt vai trò của mình trong tác phẩm lớn này.
Stylist: Tô Quốc Sơn – Chí Văn (nam)
Trợ lý Stylist: Dương Đức Mùi
Wardrobe Master: Phan Minh Châu, Ngô Cẩm Tú
Nhóm thực hiện
Bài: Trường Sơn
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE