Gào thét cùng phong cách – 8 bộ phim kinh dị có tạo hình nhân vật đẹp mãn nhãn
Những bộ phim kinh dị sau không chỉ được lòng các nhà phê bình mà còn là lựa chọn yêu thích của giới mộ điệu khi nhắc đến những tác phẩm điện ảnh có thời trang nổi bật.
Thời trang đúng là luôn tìm cách len lỏi vào những địa hạt không ngờ tới nhất, khi thể loại phim phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố giật gân và hù doạ vẫn có thể sử dụng thời trang để truyền tải thông điệp và kích “mood” cho từng trường đoạn. Trong suốt nhiều thập kỷ, dòng phim kinh dị đã đóng góp những cảm hứng mới về thời trang thông qua cách ứng dụng màu sắc, hoạ tiết và chất liệu vô cùng tinh tế. Một số tuyệt tác có thể kể đến bao gồm The Shining, Neon Demon, Midsommar,…
The Birds (1963)
Dưới bàn tay ma thuật của NTK tám lần đạt giải Oscar cho Phục trang phim xuất sắc nhất là Edith Head và nhà làm phim tài ba Alfred Hitchcock, thật dễ hiểu khi The Birds trở thành một tuyệt phẩm về cả nội dung và hình ảnh. Đáng chú ý nhất trong dàn nhân vật là “Socialite” Melanie Daniels (do Tippi Hedren thủ vai). Cô luôn sang trọng và quyến rũ với trang phục đơn sắc và mái tóc được chải phồng hoàn hảo. Chiếc váy và áo khoác màu xanh eau de nil khiến giới mộ điệu “điên đảo” và thậm chí còn là nguồn cảm hứng cho một số thiết kế thuộc BST Thu Đông 2005 của Alexander McQueen.
Rosemary’s Baby (1968)
Thời trang của phim kinh dị Rosemary’s Baby mang đậm dấu ấn tân thời (Modernist) của giới tri thức thập niên 60. Đặc trưng của Mod là đề cao sự chỉn chu với những món đồ có trang trọng như suit, đầm ngắn dáng suông thẳng thớm, sạch gọn. Một số chi tiết “cộp mác” Mod bao gồm: váy và áo với phần cổ peter pan, màu pastel, túi da và nón beret. Đội ngũ thiết kế và đạo diễn Roman Polanski thống nhất rằng tạo hình nhân vật phải bình thường nhất có thể, để đem lại cảm giác gần gũi cho khán giả từ đó khiến chuỗi sự kiện trong phim trở nên đáng sợ và chân thực hơn. Tính ứng dụng của các trang phục trong Rosemary’s Baby được chứng minh khi Vương phi xứ Wales Kate Middleton đã mặc thiết kế váy tương tự như nữ chính của bộ phim trong lần ra mắt hoàng tử Louis với công chúng.
The Shining (1980)
So với các concept kinh dị thông thường, The Shining bật lên với những thước phim màu sắc sống động. Từ nhân vật chính như Wendy, cậu bé Danny hay cả những nhân vật phụ như cặp sinh đôi ma đều được tạo hình với các layering xanh, vàng, đỏ nổi bần bật so với hành lang màu be, nâu của khách sạn. Bộ phim quy tụ một dàn cast hùng hậu và thời lượng 144 phút là quá ít ỏi để phân chia đất diễn. Do đó, trang phục trở thành công cụ đắc lực để giúp họ ghi dấu trong tâm trí khán giả.
Nếu bạn cảm giác những khung cảnh trong The Shining đã xuất hiện đâu đó trong năm nay thì đúng vậy, chiến dịch Exquisite của Gucci mới đây được lấy cảm hứng từ loạt tác phẩm của đạo diễn Stanley Kubrick (bao gồm cả The Shining). Giám đốc Sáng tạo Alessandro Michele, với tình yêu bất tận dành cho điện ảnh, đã “mạn phép” tháo rời và pha trộn những thiết kế của phim để quá khứ bùng nổ vào thực tại.
Bram Stoker’s Dracula (1992)
Bram Stoker’s Dracula là một tượng đài về chủ đề ma cà rồng và đã giành tượng vàng cho Thiết kế trang phục đẹp nhất tại Oscar năm 1992. Mỗi bộ trang phục đều hào nhoáng, được chăm chút kỹ lưỡng và mang tính biểu tượng. Bram Stoker’s Dracula sẽ đưa người xem vào một thế giới duy mỹ của trường phái nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng. Từng bộ cánh như được lấy xuống trực tiếp từ các bức tranh thế kỷ XIX. Cách mà cố NTK Eiko Ishioka tạo ra những bộ váy cưới với bằng ren là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho những bữa tiệc hóa trang.
The Cell (2000)
Bộ phim theo chân nhà tâm lý học Catherine Deane (Jennifer Lopez) bước vào tâm trí của một gã sát nhân hàng loạt. Khi đan xen giữa thực tại khốc liệt và ảo tưởng “vặn vẹo” của nhân vật, The Cell mở ra một “sân chơi” cho NTK Eiko Ishioka tự do sáng tạo với tầm nhìn nghệ thuật của bà. Thời trang trong phim phác hoạ hoàn hảo trường phái kinh dị siêu thực, một vẻ đẹp pha trộn giữa sự kì quái và chủ nghĩa vị lai thông qua trang phục của Catherine mỗi khi cô bước vào ảo ảnh: bộ bodysuit bó sát lấy cảm hình từ lớp cơ của con người, những trang sức đội đầu và váy khiến nữ chính trong như một vị thánh…
Crimson Peak (2015)
Khi Guillermo Del Toro thực hiện bộ phim vào năm 2015, chủ đích của ông là tất cả những yếu tố của bộ phim, bao gồm cả trang phục, đều sẽ kể được câu chuyện rùng rợn tại “đồi đẫm máu”. Chất liệu chủ yếu được sử dụng là lụa và nhung cho những thiết kế đậm chất gothic lãng mạn thời Victoria, khiến cho con người nổi bật giữa khung cảnh ảm đạm ở vùng đồi hẻo lánh.
Song điều đáng khen hơn cả chính là cách đội ngũ phục trang đi màu theo mô típ thông thường nhưng mang lại hiệu quả không ngờ. Nhân vật chính Edith được khoác lên mình những chiếc váy có màu sắc nhẹ nhàng, thanh tao, trong khi vai phản diện Lucy mặc màu tối và đeo phụ kiện nặng nề, đại diện cho những bí mật đen tối và mưu mô xảo quyệt mà ả ta cố chôn giấu.
Neon Demon (2016)
Thời trang có thể là một ngành công nghiệp hào nhoáng bên ngoài, nhưng ẩn sâu bên trong là những cạnh tranh khốc liệt và tàn bạo. Đội ngũ trang phục của Neon Demon đã truyền tải thông điệp này bằng cách “phết máu” lên những màu sắc bắt mắt và chất liệu kim tuyến lấp lánh nhơ cơn mơ. Khi nữ chính Jesse (do Elle Fanning thủ vai) còn là một tân binh “chân ướt chân ráo” vào nghề, trang phục thường ngày của cô là những chiếc váy nữ tính đại diện cho sự ngây thơ. Để ngụ ý về việc làng mốt ám ảnh với vẻ đẹp và sức trẻ như thế nào, NTK phục trang Erin Benach đưa Jesse lên sàn diễn với những chiếc váy kín đáo đến “ngộp thở” như hoàn toàn bao trọn và nuốt chửng cô nàng.
Sau đó, khi Jesse từng bước lún sâu vào thế giới thời trang đầy toan tính, cô “lột xác” với các thiết kế lấy từ BST Xuân Hè 2015 của Saint Laurent dưới thời gã độc tài Hedi Slimane. Việc ekip lựa chọn trang phục từ những tên tuổi lớn trong làng mốt để phản ánh mặt tối của thời trang cao cấp là một quyết định mạo hiểm nhưng lại thuyết phục và thực tế. Bởi vẻ đẹp của những thiết kế khi đi cùng với hành động tàn bạo của các nhân vật sẽ tạo ra sự tương phản và khắc họa rõ hơn thông điệp của bộ phim.
Midsommar (2019)
Váy đầm, vòng hoa cùng các hoạ tiết thêu đậm chất Cottagecore hòng khiến người xem “sởn lạnh” khi khám phá hết sự quái quỷ của Midsommar. Đạo diễn Ari Aster mang đến một cơn ác mộng giữa những cánh đồng đẹp như tranh vẽ và chơi đùa với thần trí của người xem bằng việc tận dụng màu trắng – vừa có tác dụng làm nổi bật các nhân vật trên những bãi cỏ xanh mướt ở đồng bằng Thuỵ Điển, vừa tạo ra ám ảnh thị giác xuyên suốt bộ phim.
Bài: Hải Yến
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE