“Oppenheimer-core” – Cú nổ thời trang áp đảo Barbiecore
Búp bê Barbie hay một phần tử tri thức? Bạn chọn ai trong thử thách hoá trang của thế giới thời trang?
Oppenheimer là bộ phim tiểu sử về cha đẻ của bom nguyên tử J. Robert Oppenheimer. Mối quan hệ giữa chính trị, tư tưởng và khoa học cùng tâm lý của nhân vật chính được miêu tả một cách xuất sắc dưới chỉ đạo của đạo diễn Christopher Nolan và diễn xuất của tài tử Cillian Murphy. Sau khi chiến thắng cuộc đua vũ trang với Đức quốc xã, Oppenheimer sống trong những ngày ảm đạm nhất cuộc đời vì mặc cảm, chỉ trích từ sáng tạo huỷ diệt của ông. Bối cảnh được thiết kế tinh tế, góc máy mang tính nghệ thuật, lối dựng phim gợi cảm, âm thanh căng thẳng từ đầu đến cuối và dàn vai phụ cấp Oscar khiến thời lượng 3 tiếng đồng hồ trôi qua trong tích tắc còn thời trang thì đọng lại trong sự bùng nổ của những lượt tìm kiếm về “âu phục”, “mũ phớt” và “cà vạt“.
Nếu Barbiecore thống trị xu hướng mùa Hè bằng màu hồng ngọt ngào thì Oppenheimer được dự đoán là biến số của phong cách nửa cuối năm 2023. Quyền lực toát lên từ những bộ trang phục cổ điển đang hạ gục các cô gái sành điệu nhất Hollywood.
Góc nhìn thời trang qua những bóng hồng bên cạnh Oppenheimer
Tập trung những người đàn ông đóng suit lịch lãm nhất xoay quanh những cuộc nghị sự xoay chuyển cả lịch sử, bạn nghĩ Oppenheimer xa rời định nghĩa lộng lẫy của thời trang và làm đẹp? Điều đó tuỳ thuộc vào cách nhìn và trí tưởng tượng. Nếu hướng tầm mắt vào các nhân vật như Jean Tatlock (Florence Pugh) hay Kitty Oppenheimer (Emily Blunt) những xu hướng kinh điển từ thập niên 30 đến 60 đã chi phối màn ảnh một cách trực quan. Nổi bật là đồ dệt kim, áo tay phồng và màu nhung đỏ. Hầu hết thiết kế đều được tiết chế phản ánh tình trạng thiếu nguyên liệu ở Mỹ, Anh và Pháp vào Thế chiến thứ II. Qua phần thể hiện ngắn ngọn trên màn ảnh, trang phục hằng ngày của phụ nữ phương Tây thời điểm này giải thích lý do New Look của Christian Dior vướng nhiều ý kiến trái chiều khi mới ra mắt.
Xu hướng của thời đại
Trở lại với ngài Oppenheimer (do Cillian Murphy thủ vai), ngài lên đồ không thể nhàm chán hơn với những bộ Âu phục tương tự nhau. Bạn sẽ không thể biết màu xám có nhiều sắc độ đến thế cho đến khi mở tủ quần áo của nhà khoa học đại tài. Nhưng bằng cách nào đó, các fashionista hiện đại đang ăn diện hệt như các định luật thời trang được thiết lập bởi J. Robert Oppenheimer. Đó là khi Jennifer Lawrence rảo bước xuống phố trong thiết kế “loose-fit” của The Row, là Hailey Bieber đi vào sách mẫu khi kết hợp giày thể thao với suit oversize, là Kendall Jenner khuấy động mùa Hè bằng chiếc áo gile phóng khoáng, cổ sơmi dài và nhọn cộng thêm kích cỡ quá khổ gợi liên tưởng đến sàn runway của Prada… Nhà thiết kế phục trang Ellen Miroznik dự đoán rằng sức ảnh hưởng của Oppenheimer-core không chỉ dừng lại ở thời trang nam giới.
Sau khi nghiên cứu tư liệu về Oppenheimer tại Berkeley từ giai đoạn 1920 đến 1960, đạo diễn Christopher Nolan và NTK Ellen Miroznik khẳng định phong cách của Oppenheimer không hề thay đổi từ thời đại học ở Cambridge đến đỉnh cao sự nghiệp trên sa mạc New Mexico. Ông đóng đinh hình tượng với một chiếc áo sơ mi xanh, bên ngoài là vest phom rộng, quần lưng cao, cà vạt ngắn và đặc biệt là mũ phớt rộng vành. Theo báo cáo của The Guardian, bộ phim đã giúp doanh số bán mũ phớt ở chuỗi cửa hàng John Lewis tăng 21% trong khi Herbert Johnson ghi nhận nhiều tìm kiếm từ tệp khách hàng trẻ.
Vậy đâu là sức quyến rũ nhuốm màu khói đạn?
Theo cuốn sách American Prometheus: The Triumph and Tragedy of J Robert Oppenheimer, cha đẻ của Oppenheimer được mệnh danh là bậc thầy về hàng may mặc ở New York. Có lẽ vì vậy mà những phép ăn mặc cơ bản đã thấm nhuần vào nếp sống của Oppie một cách tự nhiên, không nỗ lực. Dù dành phần lớn thời gian với các phương trình vật lý chạm tầm vũ trụ, Oppenheimer chưa một lần để lộ hình ảnh xuề xoà, bỏ quên cuộc sống và những gì bản năng của ông hấp dẫn thế giới cùng người xem vô thời hạn. Đây là lý do tại sao các chính trị gia chọn ông làm giám đốc Dự án Manhattan, và tại sao không ai phủ định khi các nhà khoa học khác coi ông là một chính trị gia.
Trong suốt sự nghiệp của mình, NTK Ellen Mirojnick chưa bao giờ xem suit là những bộ trang phục đơn thuần bởi đó là thiết kế định danh người mặc. Từ đường cắt, chất liệu, màu sắc cho đến phom dáng tất cả dựng nên hình hài và tính cách cụ thể. Thêm vào đó, các chi tiết được làm thủ công như ve áo và nút cài đều thể hiện quan điểm cá nhân. Mà trong tác phẩm, những bộ suit ba mảnh màu tối, đường may mượt mà, đường cắt sắc sảo, nếp gấp trước quần và vải tweed dày dặn đã làm nên chuẩn mực của phong cách menswear.
Nếu những cuộc hội thoại trong Oppenheimer quá khó hiểu với người ngoại đạo, thì thời trang đã cô đọng tuyên bố rằng “binh đoàn” khoác suit sẽ đổ bộ vào bảng xếp hạng xu hướng mùa tới.
Bài: Diệu Thanh
Ảnh: Tổng hợp