Điện ảnh là loại hình văn hoá đại chúng sinh sau đẻ muộn tại Việt Nam, với đà phát triển nhanh kể từ sau giai đoạn Đổi Mới năm 1986. Thời gian đó, điện ảnh Việt khai thác chủ đề thời chiến và hậu chiến, đặc biệt là ảnh hưởng nghệ thuật thời Pháp thuộc, và được làm giàu có thêm bởi những nhà làm phim ngoại quốc hứng thú với bối cảnh bán đảo Đông Dương trong giai đoạn biến động. Màn ảnh nước nhà sẵn sàng học hỏi và hân hoan chào đón những bộ phim có sự giao hoà văn hoá đến từ các đạo diễn trong và ngoài nước. Thời trang phim cũng vì thế mà tràn đầy hơi thở phù hoa của các đô thị thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI.
BÀI LIÊN QUAN
Người tình (1992)
Trong bối cảnh sông nước đơn sơ ở Sa Đéc, Người tình khai thác mối tình vụng trộm giữa người đàn ông Trung Hoa (Lương Gia Huy) và thiếu nữ người Pháp độ tuổi trăng tròn (Jane March). Không cần quá nhiều bộ cánh xa hoa, tất cả nét đẹp quyến rũ, ngây thơ mà gợi cảm của một cô gái mới lớn thoát ẩn thoát hiện dưới chiếc slip dress biểu tượng của bộ phim. Kết hợp với thắt lưng hờ hững và mũ phớt nam giới, đây là lời tự truyện của một thiếu nữ đang ngầm nổi loạn. Diễn viên Jane March từ đây được mệnh danh là “kẻ tội đồ từ Pinner” với những ánh mắt và chuyển động đánh cắp hồn phách người xem, còn Yvonne Sassinot de Nesle cũng nhận được đề cử cho hạng mục Thiết kế phục trang xuất sắc nhất tại giải thưởng César lần thứ 18.
Đông Dương (1992)
Indochine sẽ cuốn bạn vào vòng xoáy hoài niệm của thời trang Việt và Pháp đầu thế kỷ trước. Xoay quanh câu chuyện của một người phụ nữ Pháp và cô con gái nuôi người Việt, mỗi khi bộ phim “chạm” vào cội nguồn phương Tây của nhân vật, người xem sẽ được chiêm ngưỡng những dấu ấn thời trang cực kì sang trọng và quyến rũ của kinh đô Paris. Từ chiếc váy satin tiệc tùng cho đến chiếc quần cạp cao khi Éliane ghé thăm đồn điền, thời trang Pháp được tái hiện vô cùng chính xác và tinh mỹ.
Với bối cảnh chủ yếu tại cố đô Huế, trang phục của phim không thể thiếu đi cổ phục Việt. Gabriella Pescucci – nhà thiết kế của Indochine đã tôn vinh áo ngũ thân – một phát kiến thời trang ra đời dưới thời chúa Nguyễn. Áo ngũ thân phiên bản Đông Dương xuất hiện trong những hoạ tiết hoa thêu gọn gàng và hài hoà chính xác về mặt lịch sử, thể hiện sự đầu tư tìm hiểu về văn hoá Việt phục của đoàn làm phim.
BÀI LIÊN QUAN
Mùi đu đủ xanh (1993)
Để khắc họa những cống hiến thầm lặng của người phụ nữ trong gia đình, Mùi đu đủ xanh mang đến một cái đẹp nhẹ nhàng và lắng đọng. Vì được lấy cảm hứng từ ký ức tuổi thơ của đạo diễn Trần Anh Hùng, từ màu phim đến thời trang đều rất mộc mạc và gần gũi. Trang phục của tầng lớp lao động “kiệm” hoạ tiết, màu sắc, và ngay cả đối với tầng lớp giàu có hơn, như Mùi ở cuối phim hay vị hôn thê cũ của Khuyến, cũng chỉ mặc những chiếc áo dài lụa với vân hoa vô cùng kín kẽ. Vẻ đẹp “lặng” của bộ phim được tô đậm thêm nhờ những lựa chọn trang phục rất duyên, mà phù hợp và gây thương nhớ đến lạ, như tiếng dương cầm của chàng nghệ sĩ Khuyến dành cho Mùi.
Người Hà nội (1996)
Người Hà Nội là những thước phim đẹp về cuộc sống của người lính hậu chiến tranh tại nơi thủ đô hoa lệ, và cũng chắt lọc những gì tinh túy về thời trang đời thường cuối thập niên 80 – đầu thập niên 90. Đặc biệt, vẻ đẹp nhiều “sắc độ” của người phụ nữ cũng được khắc họa rõ rệt. Cô Loan “sành sỏi” thời trang như một tín đồ với quần âu, áo sơmi cổ sen và những hoạ tiết rất “Tây”, trong khi đó vợ Lãm – người đàn bà lam lũ chỉ giản dị trong nét đẹp lao động từ áo nâu cài cúc và khăn quấn đầu.
Người Mỹ trầm lặng (2002)
Người Mỹ trầm lặng đưa người xem vào một thế giới lụa là của những chiếc áo dài thập niên 50. Tại nơi phố thị sầm uất giữa lòng Sài Gòn, cô Phượng và những phụ nữ Việt khác luôn xuất hiện bên cạnh trang phục truyền thống được tô điểm bằng hoạ tiết hoa với nhiều kích thước khác nhau. So sánh giữa phiên bản năm 1958 do diễn viên người Mỹ thủ vai với phiên bản năm 2002, vẻ đẹp của tà áo dài mới thực sự “nở rộ” khi nó được đồng hành bên cạnh nét đẹp thuần Việt trong trẻo và thanh tao.
Chơi vơi (2009)
Bộ phim do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bấm máy đầy tràn những tâm tư và những đoạn tình cảm bế tắc không lối thoát, chính vì vậy mà trang phục của các nhân vật trở thành nơi “gào thét” của những gam màu lặng, trên nền vải vóc mềm mại, buông thả. Trong cái ánh đèn ma mị, mờ tối của Chơi vơi, những lớp trang phục nồng nàn chất đàn bà thắp sáng tâm tình rất riêng của những người phụ nữ bộn bề tâm sự. Lựa chọn bản phối cũng gắn liền với tính cách nhân vật, khi Duyên – một cô gái trẻ đẹp, ngây thơ với nhiều mong muốn lãng mạn thường được mặc váy áo bồng bềnh, trong khi đó, nhà văn từng trải Cầm lại có phong cách chín chắn hơn.
Trò đời (2013)
Trò đời là bộ phim Việt chuyển thể từ ba tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là Số đỏ, Cơm thầy cơm cô và Kỹ nghệ lấy Tây, nên cả bộ phim như được bao trùm bởi trào lưu Âu hoá. Những yếu tố Tây phương hào nhoáng “len lỏi” trong trang phục của tầng lớp thượng lưu, với những chiếc váy midi, áo blouse cổ sen hay áo dài cách điệu, còn phụ kiện là những chiếc túi xách mini có quai cầm nhỏ nhắn.
Thời bấy giờ, tầng lớp tiểu tư sản dưới ánh sáng Tây Âu dư giả, yêu thích trưng diện nên hay sắm cho mình những bộ áo dài đắt giá được làm từ sợi tự nhiên như lụa tơ tằm…chính vì vậy mà NTK Nguyễn Thị Thu Hà đã làm việc miệt mài để đảm bảo “chiêu đãi” người xem một bữa tiệc màu sắc không lặp lại nhưng vẫn có tính chính xác về mặt lịch sử. Nữ giới trong phim thường khoác thêm một lớp áo choàng để làm điểm nhấn hài hoà với gam màu của trang phục, như cô Tuyết với “manh áo mỏng” từ voan và hoạ tiết hút mắt.
Nhóm thực hiện
Bài: Hải Yến
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE