Thời trang / Thế giới thời trang

“Độc hơn nữa đi” – Cuộc cách mạng thời trang quốc phục tại các cuộc thi Hoa hậu

Lạ hơn, chất hơn và kịch tính hơn, trang phục dân tộc trên đấu trường quốc tế đã thoát khỏi mọi quy chuẩn và đi theo hướng đột phá khi “len lỏi” vào những giá trị văn hoá quen thuộc đậm tính tượng hình.

quốc phục miss grand 2021

Trên các đấu trường nhan sắc, phần thi trang phục truyền thống luôn là một trong những màn trình diễn đáng mong đợi nhất với sự giàu có trong văn hóa của mỗi quốc gia. Thế nhưng, tên gọi “quốc phục” cũng gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn khi người ta cho rằng chúng chỉ nên được sáng tạo dựa trên quy chuẩn của bộ trang phục truyền thống. Nhưng sự an toàn này có tạo nên tính đột phá cần thiết trong thời đại truyền thông mới? Cùng nhìn lại cuộc hành trình “cởi trói” sáng tạo qua cảm hứng từ chính những hình ảnh quen thuộc trong đời sống thường ngày. 

Bước đầu của sự truyền bá

Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1960, phần thi Trang phục Truyền thống trở thành một cơ hội để các quốc gia quảng bá bản sắc văn hóa của mình. Cũng vì lý do đó, các thiết kế thời kỳ này chủ yếu thể hiện đúng đặc trưng của tiêu chuẩn quốc phục. Mọi thứ đều dễ đoán với những quốc gia châu Á tự tin vào truyền thống khác biệt như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,… Các nước châu Âu xoay quanh thẩm mỹ hoàng gia trong khi châu Mỹ là một “lễ hội” rực rỡ. 

miss universe 1962
Hoa hậu Morocco, Hoa hậu Vương Quốc Anh và Hoa hậu New Zealand trong bộ trang phục truyền thống tại Miss Universe 1962. (Ảnh: Twitter)

Trên đường đua của màu sắc văn hóa, những quốc gia Mỹ Latinh như Brazil, Colombia hay Peru gần như thống trị một thời gian dài tại phần thi này. Không khí tưng bừng của các lễ hội diễu hành tràn ngập trên sân khấu và gây choáng ngợp bằng sự phóng khoáng từ phom dáng đồ sộ. Tất nhiên nó đã làm lu mờ những chiếc sườn sám nhỏ gọn tôn dáng hay cô gái nông thôn ở vùng quê Hà Lan. 

Miss International 2004
Hoa hậu Brazil tại Miss International 2004. (Ảnh: AFP/ Getty Images)
Miss Universe 2004
Hoa hậu Nicaragua tại Miss Universe năm 2004. (Ảnh: AFP/ Getty Images)
hoa hậu Ecuador
Hoa hậu Ecuador tại Miss Universe 2004. (Ảnh: AFP/ Getty Images)

Những cuộc thử nghiệm manh nha vượt ranh giới

Những năm 2005 đến 2015, thời kỳ quá độ mở rộng giới hạn, các quốc gia châu Á đào sâu hơn trong bảo tàng di sản. Không còn những bộ kimono thanh tú như nét đẹp mẫu mực của người Nhật Bản, không còn tà áo dài vô cùng hiền hòa và thục nữ, hanbok cũng bắt đầu cởi mở để hội nhập. Những nhà thiết kế thời kỳ này tích cực “chơi đùa” với cấu trúc và mở ra sàn diễn cho các chất liệu. 

hoa hậu Nhật Bản 2006
Hoa hậu Hoàn vũ Nhật Bản 2006 chiến thắng phần thi quốc phục với thiết kế lấy cảm hứng từ những Samurai. (Ảnh: Sam Mircovich/Reuters)
phạm hương quốc phục áo dài miss universe
Hình ảnh Hoa Hậu Phạm Hương trong thiết kế áo dài chim hạc tại Miss Universe 2015. (Ảnh: Miss Universe)
quốc phục hanbok miss universe korea 2015
Đại diện Hàn Quốc diện Hanbok ở Miss Universe 2015. (Ảnh: Getty Images)

Dẫu vậy, tất cả vẫn gói gọn trong khuôn khổ của bộ trang phục truyền thống lâu đời, bảng màu chiếm đóng trên lá quốc kỳ và những hình dung quá đỗi quen thuộc khi định nghĩa về một quốc gia nào đó. Thẩm mỹ được nâng cấp dần lên nhưng khó mà thấy được nhiều bất ngờ kịch tính. Nếu ở Việt Nam là vòng lặp của những thiết kế thời Âu Lạc, áo dài hay áo tứ thân thì các quốc gia như Ai Cập hay Hy Lạp trải dài dòng thời gian về những thần thoại trong quá khứ. 

miss universe 2007
Hoa hậu Hy Lạp “bước ra từ thần thoại” với bộ áo giáp ánh kim tại Miss Universe 2007. (Ảnh: Daniel Aguilar/Reuters)
hoa hậu Ai Cập
Hoa hậu Ai Cập hóa thân thành Cleopatra tại Miss Universe năm 2007. (Ảnh: Daniel Aguilar/Reuters)
hoa hậu Anh 2014
Hoa hậu Anh tại Miss Universe 2014. (Ảnh: J Pat Carter/AP Images)
Hoa hậu Cộng hòa Dominica
Trang phục công giáo của Hoa hậu Cộng hòa Dominica năm 2014. (Ảnh: INFphoto.com)
trang phục hoa hậu Mỹ
Hoa hậu Hoa Kỳ trong trang phục lấy cảm hứng từ bộ phim Transformers tại Miss Universe 2013. (Ảnh: Pavel Golovkin/AP Images)

CUỘC CÁCH MẠNG GÂY TRANH CÃI TRONG CỘNG ĐỒNG MỘ ĐIỆU THỜI TRANG

Theo dõi sự chuyển biến trong ý tưởng thiết kế quốc phục những năm gần đây, chúng dường như đã thoát khỏi khái niệm nguyên sơ mang tính lễ nghi, biểu tượng. Cụ thể, tại Miss Universe 2015, đại diện Thái Lan xuất sắc giành chiến thắng ở phần thi trang phục quốc gia bằng thiết kế mô phỏng xe Tuk Tuk, đánh dấu bước ngoặt lớn cho sự phát triển của xu hướng thiết kế độc đáo nhưng đồng thời cũng nổ ra nhiều cuộc tranh luận.

trang phục dân tộc xe tuktuk thái lan
(Ảnh: FOX)

Những nhà thiết kế trẻ giờ đây lại “hướng mũi kim” của mình vào những hình ảnh, sự vật hay thậm chí là những món đặc sản nổi tiếng. Từ đó, họ cho ra đời những bộ trang phục đầy ấn tượng và góp phần mang nhiều khía cạnh dân giã đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

bánh mì miss universe 2018
Thiết kế Bánh Mì một thời gây “náo loạn” truyền thông được chọn làm trang phục dân tộc cho Hoa hậu H’Hen Niê năm 2018. (Ảnh: Miss Universe)
quốc phục thuỳ tiên miss grand 2021
Thiết kế “Blue Angel” tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch từ NTK Tín Thái được Hoa Hậu Thuỳ Tiên diện tại Miss Grand 2021 vừa qua. (Ảnh: Miss Grand)
trang phục dân tộc argentina 2020
Hoa Hậu Argentina gây xúc động mạnh tại Miss Universe 2020 khi xuất hiện cùng áo phông in hình huyền thoại bóng đá Maradona. (Ảnh: Getty Images)

Sự sáng tạo không giới hạn này đã đưa các quốc gia Đông Nam Á lên ngôi vương của phần thi trang phục truyền thống những năm gần đây. Có lẽ, ta nên nhìn nhận định nghĩa “quốc phục” một cách ước lệ hơn, vì ở bất kì tên gọi nào, chúng cũng sẽ làm tròn sứ mệnh thiêng liêng của mình qua những đường nét, hoa văn và qua chính nguồn cảm hứng đến từ nét đẹp văn hoá đặc sắc của dân tộc.

quốc phục miss grand thailand 2017
Trang phục lấy cảm hứng từ quả sầu riêng đã giúp đại diện Thái Lan “bỏ túi” giải Best National Costume tại Miss Grand 2017. (Ảnh: Miss Grand)

Nhóm thực hiện

Bài: Thi Lê
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)