Thời trang / Thế giới thời trang

Louis Nguyen: “Các thương hiệu nên chú ý đầu tư vào kênh thương mại điện tử”

Với các từ khóa khó khăn, thay đổi và tiềm năng, bức tranh về ngành bán lẻ thời trang ở Việt Nam trước và sau đại dịch được mô tả một cách chi tiết qua góc nhìn của Louis Nguyen - CEO của công ty thời trang ACFC.

Cùng thời điểm này năm ngoái, ngành thời trang và bán lẻ tại Việt Nam gần như đóng băng và đối mặt với những thử thách chưa từng có. Những điều mà anh và ACFC đã làm để vượt qua khó khăn là gì?

Hai năm vừa qua có lẽ là khoảng thời gian không thể nào quên của ngành thời trang lẫn bán lẻ bởi có quá nhiều thứ mà chúng ta chưa từng trải qua trong nhiều thập kỷ trước đó. Đầu tiên về mặt kinh doanh, hiển nhiên doanh số sụt giảm đáng kể. Tôi nghĩ đó là khoảng thời gian mà không chỉ ACFC mà rất nhiều công ty bán lẻ khác có doanh số gần như về 0 bởi các cửa hàng đều phải đóng cửa theo quy định (trừ những ngành hàng thiết yếu). Ở giai đoạn đầu của đại dịch, các kênh thương mại điện tử là giải pháp cứu rỗi duy nhất. Nhưng khi tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, việc giao nhận cũng thành bất khả thi, mọi ngành nghề bị đóng băng. Trong lúc đó, ngành bán lẻ vẫn phải chi trả cho những khoản phí duy trì hàng tháng dù cho tình hình kinh doanh vô cùng ảm đạm.

thời trang ông louis nguyễn
Louis Nguyen – CEO của công ty thời trang ACFC. (Ảnh: NVCC)

Các quy trình vận hành cũng gặp trở ngại. Khi các hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi và bước vào tình huống “sinh tồn”. Cắt giảm chi phí nhiều nhất có thể, chỉ giữ lại những khoản chi thực sự thiết yếu, tính toán và dự trù các chi phí và dòng tiền để đảm bảo việc kinh doanh có thể tồn tại càng lâu càng tốt, ít nhất là cho đến khi giai đoạn khó khăn đi qua. Khi một doanh nghiệp phải thay đổi và thích nghi ngay lập tức với tình thế hiện tại sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến nhân sự. Vấn đề lúc đó là làm cách nào doanh nghiệp đảm bảo được cuộc sống và thu nhập của nhân viên, tính toán để giữ lại những nhân sự nòng cốt trước khi mọi thứ trở lại bình thường. Cuối cùng, ảnh hưởng của đại dịch lên chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt ở châu Á liên quan đến Trung Quốc, Hồng Kông, là phần quan trọng trong khâu sản xuất hàng hóa của thế giới trong giai đoạn cách ly. Ngành bán lẻ thời trang buộc phải tung ra các BST và bắt đầu mùa thời trang mới trễ hơn trước.

Sau khi đại dịch qua đi, tình hình có vẻ “dễ thở” hơn, nhu cầu mua sắm của thị trường trở lại. Đây là tin vui! Tuy nhiên, theo tôi, thời điểm khó khăn nhất lại là sau đại dịch, khi mọi thứ bắt đầu trở lại, nhu cầu tuyển dụng tăng cao hơn, thậm chí nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi trả cao hơn thị trường. Trắc trở là thế, giải pháp duy nhất là tìm được người thay thế và hướng dẫn, đào tạo lại những quy trình cần thiết. Về kinh doanh, ACFC may mắn có những kế hoạch đáp ứng rất kịp thời bao gồm phải tối thiểu các chi phí, thương thảo với các đối tác để giảm giá bán lẻ, đồng thời vẫn phải đảm bảo đời sống cho nhân viên trong giai đoạn khó khăn. Nhờ đó mà ACFC đã vượt qua thời khắc cam go trong hai năm qua.

Thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi như thế nào sau đại dịch? Đâu là cơ hội và thách thức cho ngành bán lẻ?

Tôi nhận thấy những thay đổi rất rõ nét của người tiêu dùng sau đại dịch. Ở những quốc gia có thời gian cách ly dài, người dân thích mua sắm tại cửa hàng hơn online khi thị trường mở cửa trở lại. Tuy nhiên tại Việt Nam, người tiêu dùng hiện nay lại chuộng mua sắm online hơn bởi họ có nhiều lựa chọn về sản phẩm với các mức ưu đãi hấp dẫn, thay vì trước đó, họ chỉ tham khảo giá online rồi mua tại cửa hàng, đặc biệt với những thương hiệu tầm trung và cao cấp.

Với những thay đổi đó, dĩ nhiên sẽ có những lợi thế mà các thương hiệu phải chớp lấy vì người tiêu dùng đã mua sắm online rất nhiều trong suốt mùa dịch. Mức độ tin cậy của các trang bán hàng online tăng rất nhiều so với trước đó. Các thương hiệu sẽ có cơ hội để tiếp cận và bán hàng online dễ dàng hơn. Vì vậy, các thương hiệu nên chú ý đầu tư vào các kênh thương mại điện tử.

thời trang nội y calvin klein
Jennie (BLACKPINK) trong chiến dịch Thu Đông 2022 của Calvin Klein. (Ảnh: Calvin Klein)

Thị trường online đang mở rộng, đi cùng với những khó khăn vì mức độ cạnh tranh sẽ cao hơn. Vì thế, các doanh nghiệp đã thành công phải luôn thay đổi, mang lại nhiều lợi ích, hứng khởi và bất ngờ nếu họ muốn tiếp tục thành công so với những tân binh.

Là công ty phân phối những thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Nike, Levi’s, CK, Tommy Hilfiger… anh nhận thấy ACFC có những tiềm năng gì? Các thương hiệu có kỳ vọng gì với thị trường Việt Nam?

Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam phát triển tốt (trừ giai đoạn đại dịch) và thu nhập cá nhân tăng dần hằng năm. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, mang lại nhiều cơ hội việc làm và thu nhập. Tôi cho rằng cơ hội không chỉ đến với ngành bán lẻ thời trang. Đặc biệt Việt Nam có cơ cấu “dân số vàng” với độ tuổi lao động trẻ hóa (dựa trên báo cáo của Tổng Cục Thống kê), đồng nghĩa thu nhập và chi tiêu cũng sẽ tăng theo. Đây chính là nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng mà nhiều doanh nghiệp muốn hướng đến.

thương mại điện tử hãng levis tại việt nam
Hình ảnh từ chiến dịch mới nhất của Levi’s. (Ảnh: Levi’s)

Chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng rất hứng thú và khao khát những thương hiệu mới lẫn các dòng sản phẩm mới; họ muốn được chăm sóc và trải nghiệm mua sắm tốt hơn. Kế hoạch của chúng tôi là tiếp tục mang đến nhiều ý niệm mới và mở rộng mạng lưới cửa hàng trên khắp đất nước.

Theo quan sát của anh, ngành thời trang nói chung và tiếp thị thời trang nói riêng tại Việt Nam đang chuyển mình như thế nào?

Với nhiều trung tâm thương mại xuất hiện và thương hiệu mới trên thị trường, sự cạnh tranh của các nhà bán lẻ ngày càng khốc liệt. Điều này buộc mọi người phải hành động ở cấp độ cao hơn, bắt đầu bằng việc thu hút nhiều nhân tài nhằm đem lại những trải nghiệm mua sắm tốt nhất cho khách hàng. Không những thế, các công ty cũng phải điều chỉnh kịp thời để bắt kịp những xu hướng tiếp thị thời trang mới vốn đang chuyển mình với nhiều hình thức đa dạng và ứng dụng công nghệ nhiều hơn.

Năm 2020, ACFC cho ra mắt sàn thương mại điện tử riêng với nhiều thương hiệu hấp dẫn. Người tiêu dùng đã đón nhận trải nghiệm mua sắm mới này từ ACFC như thế nào?

Từ trước năm 2020, ACFC đã nhận ra việc đầu tư và phát triển thương mại điện tử thực sự cần thiết để liên kết với mô hình bán lẻ hiện tại của công ty trong tương lai. Từ lúc bắt đầu đến nay, mô hình bán hàng online của chúng tôi được thị trường ủng hộ, không chỉ với những khách hàng quen thuộc mà còn có cả những khách hàng mới. Trong đó có nhiều khách hàng ở tỉnh, nơi ACFC chưa có cửa hàng. Chúng tôi rất tự hào chia sẻ rằng chỉ trong 4 tháng, chúng tôi đã có thể vận hành kênh thương mại điện tử khi căng thẳng dịch bệnh vừa bắt đầu. Doanh số tăng trưởng hàng tháng và các thương hiệu mới được bổ sung đều đặn. Dù có nhiều lỗi nhỏ trong quá trình chạy thử, nhưng chúng tôi khá hài lòng với kết quả của trang acfc.com.vn. Đội ngũ IT và E-Commerce của chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm cho mua sắm tại nhà trở nên tiện lợi và hứng thú.

Anh nhận định tiềm năng của thương mại điện tử tại Việt Nam, đặc biệt trong ngành thời trang thế nào?

Thương mại điện tử sẽ trở thành một kênh rất quan trọng trong tương lai, không chỉ với ngành bán lẻ thời trang. Đó không chỉ là một kênh bán hàng mà là kênh trực tiếp tiếp xúc gần gũi với khách hàng. Họ không chỉ mua hàng mà còn có thể biết thêm nhiều thông tin về công ty, thương hiệu và các xu hướng thời trang mới. Ngoài ra, khi người tiêu dùng ngày một trẻ hơn, thu nhập tăng và nhu cầu mua sắm cũng sẽ tăng theo. Theo báo cáo của Q&ME, 67% người tiêu dùng trẻ thành thị ở Việt Nam là khách hàng online và xu hướng này sẽ tăng nhiều hơn trong tương lai. Cũng theo dự báo của công ty nghiên cứu Statista, doanh thu từ thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2022 dự báo sẽ đạt gần 15 tỷ USD và hơn 23 tỷ USD trong 2025. Với những số liệu trên, nhìn về bức tranh tổng thể, sớm thôi chúng ta có thể đạt được nhiều kết quả tích cực từ kênh thương mại điện tử.

trang web mua sắm thương mại điện tử acfc
Trang thương mại điện tử acfc.com.vn

Vậy vai trò tách rời và bổ trợ của thương mại điện tử với cửa hàng vật lý sẽ như thế nào trong một tương lai gần?

Kể cả khi doanh số bán hàng online tăng, chúng tôi vẫn tin rằng mô hình cửa hàng thật vẫn đóng vai trò quan trọng. Mọi người vẫn muốn tận hưởng thời gian rảnh tại trung tâm mua sắm và khi không thể đến đó, họ vẫn có thể mua sắm online. Chúng tôi nhận thấy cả hai đều cần thiết và bổ trợ lẫn nhau để một mô hình bán lẻ thành công. Dù có thể không thể thay thế cửa hàng vật lý hoàn toàn, trong tương lai, khi công nghệ phát triển và được ứng dụng để giải quyết nhiều vấn đề quản trị, thương mại điện tử sẽ trở thành một kênh cộng hưởng, mang đến trải nghiệm mua sắm và dịch vụ mạch lạc cho khách hàng bất kể họ mua sắm ở đâu. Khách hàng có thể xem và mua tại cửa hàng sau khi tìm hiểu về sản phẩm online, hoặc đặt hàng online rồi đến cửa hàng để nhận sản phẩm… Ngược lại khi mua online khách hàng có thể lưu lại thông tin, lịch sử mua sắm, chương trình giảm giá cho thành viên… Sự cộng hưởng liền mạch này sẽ tạo nên một trải nghiệm hoàn hảo bất kể họ mua sắm và sử dụng dịch vụ ở bất cứ kênh nào.

Với những kinh nghiệm của mình, anh có lời khuyên gì đến những thương hiệu trẻ, hay những nhà kinh doanh thời trang trong tương lai?

Đầu tiên là thấu hiểu thị trường, thấu hiểu nhu cầu của khách hàng để đạt được thành công. Bạn cũng cần chú trọng đến việc thu hút và tuyển dụng nhân sự phù hợp, đầu tư và nuôi dưỡng nhân sự vì họ sẽ giúp mang lại những trải nghiệm mà khách hàng xứng đáng nhận được, từ đó góp phần mang lại thành công cho doanh nghiệp và thương hiệu trong tương lai.

Cảm ơn anh đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam.

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Lê
Hình ảnh: Tư liệu

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)