Tiết lộ những bí mật thời trang ít người biết trong phim Diên Hi Công Lược
Nhà Thanh là triều đại có nhiều tạo hình cầu kỳ nhất trong lịch sử Trung Hoa. Thời trang trong Diên Hi Công Lược đã khắc hoạ điều ấy như thế nào?
Bộ phim Diên Hi Công Lược dù đã khép lại nhưng những vấn đề xung quanh phim vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả. Để tái hiện chân thực cuộc sống chốn thâm cung triều đại Mãn Thanh, thời trang trong Diên Hi Công Lược được ê-kíp làm phim đầu tư với kinh phí “khủng” khoảng 250 triệu NDT (khoảng 853 tỷ VNĐ). Đích thân biên kịch Vu Chính đã mời những nghệ nhân hàng đầu Trung Quốc thực hiện phục trang và phục sức.
Màu sắc thời trang trong Diên Hi Công Lược được vận dụng tài tình từ hệ thống màu của họa sĩ nổi tiếng Giorgio Morandi. Tông màu ghi xám trầm lặng và hoạ tiết thêu dệt kim có tạo hình khá sát với trang phục truyền thống Mãn Thanh. Tất cả tạo cảm giác hài hòa, toát lên khí chất của những bậc cung phi quyền quý và phù hợp với từng tính cách nhân vật.
Cài hoa làm từ tơ nhung Nam Kinh
Thiết kế tinh xảo của những chiếc cài hoa trên tóc của các hoàng hậu, quý phi trong Diên Hi Công Lược được chế tác từ nghệ thuật tơ nhung Nam Kinh, đồng thời là di sản phi vật thể của tỉnh Giang Tô. Theo nghệ nhân Triệu Thụ Hiến, người làm trang sức tơ nhung nổi tiếng cho biết, cài hoa tượng trưng như lời chúc mang ý nghĩa đa phúc, đa thọ và con cháu đầy đàn gửi đến những người phụ nữ ở thời nhà Thanh.
Triệu Thụ Hiến cho biết thêm, tạo hình từ cánh hoa đến màu sắc đều làm bằng tơ tằm dệt thành vải nhung. Vì thế, những bông hoa này rất dễ bị biến dạng và điều này cần sự nâng niu, tinh tế của chủ nhân. Dựa vào quyền hạn và giai cấp trong hoàng cung mà kích cỡ, kiểu dáng và loại hoa sẽ khác nhau.
Quạt tròn từ lụa tơ tằm thêu hoa
Những tưởng chiếc quạt thêu hoa của Cao Quý phi có vẻ đơn giản nhưng thực tế đây là món phụ kiện được may bằng kỹ thuật dệt lụa hoa đặc biệt đắt đỏ của Trung Quốc. Theo nghệ nhân Cố Kiến Đông, ông đã mô phỏng mẫu hoa văn trên quạt của Cao Quý phi gần giống với nguyên bản trưng bày trong bảo tàng Văn vật Cố cung.
Điểm đặc biệt của chiếc quạt này là được dệt tay từ nhiều sợi tơ tằm Kesi mảnh, khác màu để tạo nên bức tranh hoàn thiện, có tổng thể bề mặt vô cùng phẳng mịn. Chính diễn viên Đàm Trác cũng thừa nhận rằng cô cảm thấy rất bất ngờ khi biết được quá trình công phu tạo ra chiếc quạt này.
Chiếc long bào được thêu kỳ công trong nửa năm
Trang phục thêu trong Diên Hi Công Lược được thực hiện bởi nghệ nhân Trương Hồng Diệp. Cô cùng ê-kíp gồm 8 thợ thêu thủ công kỳ cựu đã thực hiện phần thêu rồng trên áo long bào của vua Càn Long. Trương Hồng Diệp cho biết, hoạ tiết rồng được thực hiện bằng phương pháp “đả tử thêu” (kỹ thuật thêu nổi của Trung Quốc) nhằm tôn lên lớp vảy rồng sắc nét.
Bên cạnh đó, những viên ngọc đính trên áo vua Càn Long là kỹ thuật đặc biệt trong kinh thêu Trung Hoa, được gọi là “thêu tập châu”, nhằm mang lại cho bộ long bào vẻ uy quyền nhất. Người thợ thêu khi muốn kết ngọc vào phần hoa văn phải xỏ từng hạt ngọc theo thứ tự đã định hình vào một sợi chỉ rồi cố định lại. Sau đó, người thợ sẽ lần theo từng đường may, phạm vi thêu để đơm ngọc lên hoạ tiết.
Có thể nói, nhà Thanh là triều đại có nhiều tạo hình trang phục cầu kỳ, được đánh giá là phức tạp nhất trong lịch sử phong kiến Trung Hoa và Diên Hi Công Lược đã khắc họa rất tốt điều đó. Chính sự đầu tư nghiêm túc này đã góp phần làm nên thành công vang dội cho bộ phim.
—
Xem thêm:
Phong cách thời trang U50 trẻ trung của nàng “Nhàn Phi” Xa Thi Mạn
Nhan sắc Trương Gia Nghê: Từ tạo hình cổ trang đến hiện đại đều “khuynh đảo” màn ảnh nhỏ
Bài: Ngọc Trân
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Tổng hợp
Hình ảnh: Tổng hợp