Thời trang trong phim “Beef”: Khi thời trang định hình giai cấp
Xuyên suốt 10 tập phim “Beef”, thời trang đi kèm như một phép ẩn dụ cho sự khác biệt trong hoàn cảnh của hai nhân vật, đồng thời tái hiện những trò lố bịch phía sau vẻ ngoài hoàn hảo của con người và cuộc sống.
Beef xoay quanh câu chuyện báo thù của hai kẻ xa lạ. Danny Cho – gã đàn ông gốc Hàn đang đối mặt với thực tế túng quẫn, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để kiếm tiền đưa bố mẹ quay trở lại Mỹ. Amy Lau – nữ doanh nhân thành đạt với vỏ bọc hoàn hảo, đang thực hiện thỏa thuận mua bán với chủ cửa hàng Forster’s, cùng lúc đấu tranh tâm lý với gia đình chồng của mình. Cả Amy và Danny đều đang đứng bên rìa giới hạn chịu đựng. Rồi một tiếng còi xe đã gieo rắc tất cả cơn thịnh nộ, dẫn đến “hiệu ứng domino” của những xung đột và mâu thuẫn leo thang. Nhà thiết kế Helen Huang được giao vai trò đảm nhiệm khâu trang phục cho Beef. Cô đã góp phần không nhỏ trong việc đưa loạt phim này trở thành một hiện tượng văn hóa. Huang đề ra sứ mệnh xây dựng một tủ quần áo châu Á chân thực, có thể miêu tả trọn vẹn tinh thần và lối sống của những người Mỹ gốc Á phía nam California.
Amy Lau: Loạt đồ hiệu đắt tiền cũng không đủ để che đi sự thật xấu xí
Amy có một cuộc sống dường như hoàn hảo bên cạnh người chồng ngọt ngào, cô con gái đáng yêu, ngôi nhà sang trọng và một sự nghiệp thành công. Đúng với motif thường thấy của những người phụ nữ thành đạt, Amy theo đuổi phong cách thời trang tối giản với một tủ quần áo chỉn chu có sắp đặt.
Điểm mấu chốt của phong cách này nằm ở bảng màu sắc. Các tông đen, trắng, xám, beige… được tận dụng triệt để. Tủ đồ của Amy không nằm ngoài quy luật này. Amy xuất hiện lần đầu tiên trong một chiếc mũ xô đan bằng dây cáp màu ngà với phần vành được hất lên tinh nghịch, một chiếc áo khoác chần bông của Tonlé và áo len cashmere đến từ nhà Eileen Fisher tông màu trung tính, nhẹ nhàng. Trang phục này rõ ràng trái ngược với hình ảnh hung hăng và giận dữ của cô trước đó trong cuộc chiến ô tô không khoan nhượng trên đường phố LA.
Dõi theo cao trào của cuộc chiến, thời trang của Amy cũng có sự biến đổi. Cô xuất hiện mới lạ với kiểu tóc bob vàng được tẩy trắng bên cạnh “bộ đồ quyền lực”: một chiếc váy Proenza Schouler sọc nhỏ màu đen không tay, phá cách với đường viền tua rua. Những bộ cánh đơn sắc và chiếc kính hình bát giác đặc trưng là những đặc điểm nhận diện của Amy. Phong cách này thể hiện sự tự do, phóng khoáng, tuy đơn giản nhưng vẫn nổi bật.
Ý tưởng về sự mâu thuẫn giữa một nhân vật mang tính cách hỗn độn, phức tạp kết hợp với phong cách thời trang tối giản được áp dụng hiệu quả. Điều này đã làm nổi bật sự trái ngược của Amy trong cách cô thể hiện con người thật và nội tâm lý tưởng bên trong mình.
Danny Cho: Mắc kẹt trong vòng xoáy tiêu cực
Danny là gã đàn ông cộc cằn mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực và khủng hoảng tài chính. Anh luôn dày vò bản thân bởi cảm giác tội lỗi và kém cỏi khi không thể mang lại cho cha mẹ cuộc sống tốt đẹp hơn.
Danny nhận mình đã quá tuổi để mua quần áo mới. Đó là lý do nam chính luôn xuất hiện với những chiếc áo sơ mi cũ của DKNY, áo phông cổ chữ V và chiếc quần đen cũ Calvin Klein hoặc DKNY, cộng thêm một chiếc thắt lưng phong cách 1999. Hình ảnh của Danny điển hình cho những chàng trai ở câu lạc bộ “K-town” (tạm dịch: phố Hàn), nơi cộng đồng dân nhập cư gốc Á ở Los Angeles thường lui tới.
Tuy thế, “Danny hiểu những gì anh ấy bộc lộ với thế giới và quan tâm đến cách thể hiện bản thân ở nơi làm việc” – Helen Huang chia sẻ. Đơn giản thôi, Danny nghèo và hơi kỳ quặc. Trang phục của anh phần lớn xuất xứ từ Goodwill và quần áo ở nhà là hàng tiêu chuẩn của phần phía Tây LA. Hình ảnh của Danny phản chiếu đặc trưng của đàn ông ở tầng lớp trung lưu, hay thậm chí thấp hơn của châu Á: quần đùi bóng rổ thoải mái, áo phông trắng không họa tiết, áo ba lỗ và một đôi dép đi trong nhà.
Những chiếc áo phông tiện dụng, thường là hàng tặng kèm và áo khoác có khóa kéo màu xám hoặc xanh lam của Danny cùng căn hộ tồi tàn ở EI Segundo đối lập với gu thời trang hiện đại, sang trọng và ngôi nhà đậm tính nghệ thuật của Amy. Đây là điểm quan trọng và có tính phân chia sự khác biệt giữa các cộng đồng người gốc châu Á ở Mỹ và vị trí của họ trong bối cảnh xã hội nơi này.
George – Điển hình cho đàn ông châu Á thích “ăn diện”
Nhân vật George (do Joseph Lee thủ vai) là chồng của Amy, người cha nội trợ, con trai của một nghệ sĩ người Mỹ gốc Nhật. George là một nghệ sĩ tích cực, thích viết nhật ký biết ơn và lạc quan đến nỗi chọn cách phớt lờ những bất hạnh của vợ.
George điển trai và sành điệu với mái tóc được chải gọn gàng và những bộ trang phục thoải mái từ các nhãn hiệu Nhật Bản như Kapital, Batoner và WTAPS hay Nanamica… “Đàn ông châu Á thích ăn diện – đó là một điểm khác mà tôi muốn thể hiện trong bộ phim”, Huang chia sẻ, “George là cơ hội để tôi minh họa rằng đàn ông châu Á quan tâm đến vẻ ngoài của họ như thế nào và có những cách rất thú vị khi ăn mặc và diện đồ”.
Naomi – Bà nội trợ tham vọng
Không giống như Amy Lau, bà nội trợ Naomi (Ashley Park) thích ngồi lê đôi mách và dùng quần áo để tranh giành một vị trí trong danh sách “Những người cần theo dõi” của tạp chí Phong cách Calabasas.
Huang lấy cảm hứng cho trang phục của Naomi từ những người Mỹ gốc Á có sức ảnh hưởng lớn như Aimee Song hay Chriselle Lim. Đồng thời, nhà thiết kế cố gắng tránh sự tương đồng về trang phục với nhân vật Mindy trước đây của Ashley trong Emily in Paris. Trang phục của Naomi phần lớn đến từ những nhãn hiệu nổi tiếng dành cho người có tầm ảnh hưởng như Alo Yoga và Self Portrait.
Huang cho biết: “Cô ấy không sáng tạo như Amy hay Fumi. Cô ấy không phải là một người ăn mặc rất táo bạo theo bất kỳ cách nào. Naomi tạo nên vẻ ngoài của cô ấy theo sức nặng của địa vị xã hội, đồng thời sử dụng những chiếc túi xách và phụ kiện mang tính biểu tượng của bản thân làm điểm nhấn”.
Fumi – Mẹ chồng thời thượng và quyền lực
Không phải Amy hay Naomi, Fumi (Patti Yasutake) – mẹ của George mới là người có khiếu thẩm mỹ và phong cách thời trang nổi bật nhất của bộ phim Beef. Hình tượng bà mẹ chồng quyền lực, sắc sảo hiện lên trong chiếc váy chấm bi đen trắng của Junya Watanabe hay các bộ trang phục Issey Miyake đầu thập niên 80, Yohji Yamamoto và CDG cổ điển.
Fumi duy trì gu thẩm mỹ tương phản với phong cách tối giản hiện đại của cô con dâu châu Á. Điều này đã làm rõ những cách thức khác nhau mà cả hai người phụ nữ mạnh mẽ sử dụng để kiểm soát bản thân lẫn cuộc sống phức tạp của chính mình: một bên thẳng thừng, gai góc; một bên tỏ ra nhẹ nhàng và thấu đáo.
Ý thức giai cấp và địa vị trong Beef được chú trọng lồng ghép xuyên suốt đã khắc họa một bức tranh xã hội chân thực nơi con người quan tâm và chọn lọc cách họ thể hiện bản thân với thế giới. Tại đây, thời trang không chỉ có sức mạnh phản ánh bản sắc cá nhân, nền tảng văn hóa mà thậm chí còn là công cụ để phân biệt giai cấp.
Bài: Hoàng Vân
Ảnh: Tổng hợp