Thời trang trong phim: Chuyện Tình Nước Úc (Australia)
Tiêu biểu nhất là phần phục trang dành riêng cho nữ quý tộc Sarah Ashley, được đầu tư kỹ lưỡng ngay từ chất liệu vải cao cấp cho đến kiểu dáng thiết kế hợp thời của thập niên 30 – 40.
Những hoang mạc bát ngát tuyệt đẹp, xa xa cảnh hoàng hôn chiều tím buông rủ trên đỉnh núi chênh vênh, thấp thoáng những ngọn đồi xanh mướt, lấp lánh tia nắng xuyên qua tán lá cây đã góp phần tạo nên những cảnh quay hùng vĩ vô cùng đắt giá trong tác phẩm Chuyện Tình Nước Úc (Australia) được tờ The Hollywood Reporter khen ngợi, giới thiệu về quê hương Australia thân thương của đạo diễn Baz Luhrmann đến thế giới. Có thể nói, đây là bộ phim gây được ấn tượng mạnh giàu cảm xúc, đầy kịch tính bằng những góc nhìn mới lạ, có kinh phí tốn kém nhất từng được thực hiện tại Úc từ trước tới nay lên đến 130 triệu đôla. Bên cạnh đó, Cục Du lịch Australia còn chi ra hơn 50 triệu đôla Úc để quảng bá phim tại Bắc Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu, Hàn Quốc,… với hy vọng sẽ thu hút lượng khách du lịch khổng lồ sau khi thưởng thức.
Chuyện Tình Nước Úc (Australia) là một câu chuyện tình đẹp giữa đôi tình nhân Sarah – Drover đã diễn ra trong khói lửa chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Sarah Ashley (Nicole Kidman), một nữ quý tộc dòng dõi Anh trở về Úc để thừa kế một trang trại gia súc khổng lồ ở miền Bắc của người chồng quá cố. Được sự hỗ trợ, giúp sức từ người chăn thả gia súc – Drover (Hugh Jackman) đắc lực, cô đã mang cả đàn bò vượt hàng trăm dặm, cung cấp cho quân đội quốc gia, để chống lại quân phát xít Nhật. Hành trình gian khổ hé mở trong lòng họ xúc cảm đam mê của một tình yêu cao thượng.
Suốt thời gian 2 năm làm việc, cả Nicole và Hugh đều không ít lần bị ngất do phải di chuyển liên tục trong nắng nóng, dầm mình trong khói bụi mịt mù hay bão táp, ngập lụt. Tất cả khó khăn mà ê-kíp đương đầu chỉ với mục đích duy nhất, giúp khán giả có cái nhìn tường tận về nước Úc. Rất nhiều địa danh nổi tiếng xuất hiện trên phim như khu chăn nuôi gia súc ở El Questro và Home Valley, vách đá sa thạch Cockburn Range và Công viên quốc gia Purnululu, di sản thiên nhiên thế giới trải qua 2 triệu năm hình thành… Phim còn tái hiện cảnh quân Nhật ném bom thị trấn Tây Bắc Darwin vào năm 1942-1943, làm hơn 900 người thiệt mạng.
Đảm nhận việc tạo ra gần 2.000 bộ trang phục cho phim Chuyện Tình Nước Úc, là nhiệm vụ nặng nề đặt lên đôi vai của NTK phục trang đoạt giải Oscar Catherine Martin cùng các cộng sự phải đối mặt khi nhận lời tham gia. Cô đã phải tìm tòi, nghiên cứu trong các hình ảnh và báo chí của Úc được lưu trữ ở các nguồn từ những năm 1930 và 1940. Để lấy cảm hứng cho việc thiết kế trang phục cho hơn 200 người chăn gia súc, đích thân Catherine đã đến phòng lưu trữ của công ty R.M. Williams, thành lập năm 1932 nổi tiếng về sản xuất trang phục truyền thống chuyên dụng cho giới chăn nuôi. Các kiểu giày ống R.M. Williams hiện có, cũng như tất cả các loại mặt hàng giày dép, bít tất và đồ da, được hãng này từng sản xuất đã được làm sống lại trong bộ phim.
Tiêu biểu nhất là phần phục trang dành riêng cho nữ quý tộc Sarah Ashley trong Chuyện Tình Nước Úc, được đầu tư kỹ lưỡng ngay từ chất liệu vải cao cấp cho đến kiểu dáng thiết kế hợp thời của thập niên 30 – 40. Đặc biệt, Catherine còn quy tụ rất nhiều thương hiệu thời trang tên tuổi đồng hành cùng bộ phim như Ferragamo, Paspaley, Stefano Canturi…
Trailer phim Chuyện Tình Nước Úc (Australia)
—
Xem thêm:
Thời trang trong phim: Cối Xay Gió Đỏ (Moulin Rouge)
Khánh Ly (Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE, lược dịch cinemattire.wordpress.com)