Hình ảnh Công nương xứ Wales cao quý, giàu lòng nhân ái được xem là biểu tượng truyền cảm hứng cho người phụ nữ, nhưng yểu mệnh đã đột ngột qua đời trong một tai nạn xe hơi thảm khốc tại Pháp cách đây 19 năm, luôn là niềm tiếc thương vô hạn trong trái tim hàng triệu triệu người trên thế giới. Vì thế, ý tưởng đưa câu chuyện về cuộc đời Công nương Diana lên màn bạc đã có nhiều hãng phim muốn làm. Trong đó, hãng Ecosse Films cũng đã phác thảo ý tưởng đưa chuyện tình giữa Diana và bác sĩ phẫu thuật tim người Anh gốc Pakistan – Hasnat Khan (nam diễn viên gốc Ấn Naveen Andrews thủ vai) trong quyển sách Diana: Her Last Love của tác giả Kate Snell lên phim. Nhưng ý tưởng bộ phim đã phải tạm dừng một thời gian cho đến khi các cuộc điều tra chính thức về cái chết của công nương có kết quả. Trong cuộc điều tra đó, BS Khan đã xác nhận trên băng ghi âm về mối quan hệ giữa ông và cố công nương Diana. Rồi từ một số chi tiết đáng giá đó, nhà sản xuất đã làm nên bộ phim “Công Nương Diana” (Diana) dựa trên những sự kiện có thật. Chia sẻ về bộ phim này, đạo diễn Oliver Hirschbiegel Hirschbiegel cho biết: “Đó là một chuyện tình đẹp, cho chúng ta thấy những gì chân thành nhất về tình yêu. Nhưng đồng thời, nó cũng là câu chuyện cổ tích về một người đàn ông bình thường đến từ một nền văn hóa khác đem lòng yêu người phụ nữ nổi tiếng nhất thế giới”.
BÀI LIÊN QUAN
Đảm nhận vai Công nương xứ Wales quả là một thách thức không nhỏ đối với nữ diễn viên gốc Anh, từng hai lần được đề cử giải Oscar Naomi Watts, cô gần như đắm chìm trong việc nghiên cứu về nhân vật. Naomi từng chia sẻ: “Trong những vai diễn tôi từng đảm nhận, Diana là vai diễn tôi chuẩn bị nhiều nhất”. Cô đã dành ra sáu tuần cùng với một chuyên gia huấn luyện giọng để có được chất giọng quý phái, ấm áp mà vẫn hiện đại của Diana. Naomi cũng liên tục xem lại các chương trình phỏng vấn Diana trên truyền hình để nắm bắt cách bà giao tiếp, di chuyển. Và cô đã tập di chuyển gương mặt sang trái như Diana thay vì thói quen di chuyển mặt sang phải vốn có của cô.
Chuyên gia hóa trang Noriko Watanabe và đạo diễn Hirschbiegel nhận ra chiếc mũi của Naomi hoàn toàn khác mũi của vị công nương, sau khi nghiên cứu rất nhiều bức hình của Diana chụp trong giai đoạn 1996 – 1997. Vì thế nhóm hóa trang đã đắp thêm vật liệu lên chóp và sóng mũi của Naomi để cô có chiếc mũi thanh tao như công nương.
Lúc sinh thời, cố công nương Diana còn được biết đến là biểu tượng thời trang hoàng gia, vì không mặc các loại trang phục rườm rà, cổ hủ mà đi tiên phong trong việc xây dựng phong cách hiện đại, thanh lịch theo xu hướng thời thượng lúc bấy giờ, nên dễ dàng chinh phục trái tim của công chúng. Sau khi ly hôn thái tử Charles vào năm 1996, Diana đã thay đổi phong cách cá nhân mới mẻ, không còn khép mình trong những bộ suit thanh lịch và phụ kiện cùng một màu nữa, mà Công nương đã sử dụng nhiều gam màu mạnh mẽ hơn như phối giày màu beige, túi đen với suit màu xanh lá nhạt, được xem là tuyên ngôn về bản lĩnh và khả năng làm chủ cuộc sống của mình. Vì thế, khâu trang phục do NTK phục trang Julian Day thực hiện là một trong những điểm thu hút nhất của bộ phim, anh đã liên hệ với nhà thiết kế ưa thích của Diana lúc còn sống là NTK Jacques Azagury và hai thương hiệu nổi tiếng là Tod’s và trang sức Chopard cùng đồng hành tham gia vào dự án.
BÀI LIÊN QUAN
BÀI LIÊN QUAN
11 câu nói đáng nhớ của Công nương Diana
Xem thêm:
Phong cách thời trang trong phim Brooklyn
Thời trang trong phim: Nhật ký công chúa
Thời trang trong phim: Chuyến Thăm Bất Ngờ
Các bài phân tích về thời trang trong phim khác
Nhóm thực hiện
Khánh Ly (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)