Thời trang / Thế giới thời trang

Thời trang trong phim: Giới Thượng Lưu (Café Society)

Nhờ mối quan hệ thân thiết với thương hiệu Chanel của Woody mà thời trang của thập niên 30 được tái hiện sinh động trong "Giới Thượng Lưu" (Café Society).

Mang phong vị của một thời kỳ đẹp lãng mạn lên ngôi và những bản nhạc bất hủ của Richard Rodgers, qua tài nghệ chơi đàn The Nighthawks đã đem dư âm cổ điển ùa vào rạp hát Lumière làm nao lòng người, nhưng cũng tiềm ẩn một nỗi buồn màu xanh lạnh lẽo, trống trải hiện diện trong các cuộc vui dưới ánh đèn nhộn nhịp, nơi “Café Society” (Giới Thượng Lưu) lột tả vẻ xa hoa, phù phiếm của giới văn nghệ sĩ những năm 30, được giới phê bình phương Tây khen ngợi là một câu chuyện hài hước mang phong cách đặc trưng của đạo diễn tài ba Woody Allen cùng góc nhìn hoài cổ về thời hoàng kim của Hollywood. Tác phẩm thứ 14 của ông trình chiếu tại Cannes lần 69 ở Paris.

“Giới Thượng Lưu” (Café Society) lần đầu tiên sử dụng máy quay kỹ thuật số Sony Cinealta F65 với kinh phí thực hiện lên đến 30 triệu đô, trở thành bộ phim tốn kém nhất và đẹp nhất trong sự nghiệp làm phim của đạo diễn Woody Allen.

Chàng thanh niên Bobby Dorfman (Jesse Eisenberg) là con trai út của một gia đình làm nghề thiết kế trang sức gốc Do Thái tại New York trong những năm 1930, do không muốn kế nghiệp, nên đến xin học việc chỗ ông chú Phil của mình ở Hollywood, mở ra thế giới hoa lệ của những con người thời thượng gặp nhau trong bữa tiệc cà phê sang trọng, diện những bộ vest bóng lộn và váy thương hiệu Chanel kiều diễm, củng cố các mối quan hệ xã giao, tán chuyện phiếm và dèm pha những điều không hay về người khác. Riêng Bobby tính tình chất phác có phần nhà quê, không mấy hứng thú với những phù phiếm của xã hội thượng lưu như thế. Anh gặp Vonnie (cách đọc tắt duyên dáng của Veronica do Kristen Stewart thủ vai), cô thư ký xinh đẹp, hờ hững của chú mình đã khiến Bob xa ngay vào lưới tình, bởi Vonnie cũng giống cậu ta, cô cũng cảm thấy mình không thuộc về thế giới hoàng nhoáng của nhạc Jazz và rượu vang đỏ ấy. Dù biết Vonnie là “hoa đã có chủ” nhưng anh vẫn nuôi hi vọng cho đến một ngày cô ta chọn chú Phil thay mình thì Bob đau khổ trở về New York. Bob làm việc cho người anh giang hồ đang cầm đầu nhiều quán bar, hộp đêm trong thành phố, biến nó trở thành một nơi gặp gỡ quan trọng của giới ăn chơi New York. Rồi Bob gặp một cô nàng cùng tên Veronica (Blake Lively) vừa ly dị và kết hôn với cô ấy. Sau đó, Bob gặp lại Vonnie để rơi vào mối tình tay ba cũng như vướng vào rắc rối với giới xã hội đen. Kết thúc phim là câu hỏi để mở với mỗi khán giả: Bob có từ bỏ vợ con mình hay không? Còn Vonnie có rứt tình với người đã thay đổi cuộc đời để đến với Bob chăng thì chỉ có người trong cuộc mới có câu trả lời.

Các cảnh quay tình cảm lãng mạn do cặp đôi thế hệ trẻ của Hollywood là Jesse Eisenberg và Kristen Stewart thể hiện khá mượt mà. Đặc biệt một số bài phê bình của The Hollywood Reporter, Los Angeles Times hay Variety đều khen khả năng nhập vai hoàn hảo của Kristen Stewart, ví cô như một phiên bản Daisy bước ra từ “The Great Gatsby” vì độ ngây thơ một cách tàn nhẫn với đàn ông.

Kỹ thuật dàn dựng của “Café Society” (Giới Thượng Lưu) đã hoàn toàn ăn điểm từ trang phục, đến thiết kế bối cảnh, đặc biệt là phần quay phim của Vittorio Storaro – một nhà quay phim người Ý đoạt ba giải Oscar. Nhờ mối quan hệ thân thiết với “ông hoàng đầu bạc” Karl Lagerfeld của Woody Allen mà thương hiệu danh tiếng Chanel, đại diện cho sự sang trọng và quyến rũ bậc nhất vào đầu thế kỷ 20 đã đồng hành cùng NTK phục trang Suzy Benzinger để tái hiện sinh động phong cách thời trang của thập niên 30.

NTK phục trang Suzy Benzinger bày tỏ:“Để tái hiện lại hình ảnh thời đại của “Giới Thượng Lưu” (Café Society) chân thật, tôi sẽ phải dùng đến những thiết kế của Chanel. Đó là cách chúng tôi tôn trọng lịch sử. Thật may mắn là Chanel đã đồng ý mang những mẫu trang sức bao gồm dây chuyền, trâm cài, nhẫn và hoa tai được huyền thoại Gabrielle Chanel thiết kế vào thời gian này, giúp bộ phim xây dựng lại đúng bối cảnh. Quá trình tái hiện lại những chiếc đầm nguyên bản sẽ khiến chúng ta một lần được ngắm lại những mẫu thiết kế cổ điển, quyến rũ của Chanel, mang tính thẩm mỹ cao mà Chanel mang đến với thế giới.”
NTK phục trang Suzy Benzinger không chỉ thiết kế riêng những mẫu trang phục của mình, mà cô còn được làm việc với một số thương hiệu Haute Couture nổi tiếng ở Paris để lấy ý tưởng như Vionnet, Schiaparelli và Chanel. Mặc dù khởi điểm nhân vật Vonnie chỉ là một cô thư ký bình thường không thuộc tầng lớp thượng lưu, nhưng yêu cầu đa phần các trang phục của Vonnie đều mang tinh thần của Chanel.
Nên một số bộ đầm của Chanel đã gia giảm một vài chi tiết để trang phục của cô gái trẻ này trông nhẹ nhàng, đơn giản hơn, nhưng vẫn có một số quần áo được làm lại để sử dụng từ chính thiết kế nguyên bản của họ.
Chanel Atelier (tạm dịch: Xưởng của Chanel) làm xong trang phục cho nữ diễn viên Kristen Stewart chỉ trong vòng 1 tuần. Chiếc quần short ngắn màu trắng năng động đi cùng chiếc áo sơ-mi caro trẻ trung được may lại từ nguyên bản thiết kế của Coco Chanel vào năm 1930.
Chiếc quần short trắng của Chanel này được dùng lại, để mặc phối với áo sơ-mi màu xanh nhạt trong cảnh đi dạo bên bờ biển.
Chiếc váy màu hồng đào pastel với hàng nút đặc trưng cũng là phiên bản làm lại từ thiết kế nguyên bản của Chanel từ năm 1930.
Gia nhập giới thượng lưu, Vonnie trở thành quý cô giàu sang kiêu kỳ với mái tóc xoăn cổ điển ôm vào khuôn mặt, khoác áo lông đeo hoa tai “Cascade de Perles”, vòng cổ “Bouton de Camélia” của Chanel. Vì chi phí có hạn không thể mua hẳn trang sức dùng cho phim, nên Chanel đã ưu ái hỗ trợ cho mượn phần trang sức kim cương trị giá hàng triệu đô la và cử 15 vệ sĩ bảo vệ cho nữ hai diễn viên Blake và Kristen.
Lộng lẫy với chiếc váy dạ tiệc bằng ren lụa, cài chiếc băng đô Plume de Chanel kiểu dáng chiếc lông vũ đính 832 viên kim cương lấp lánh (14,5 carats), tay đeo nhẫn “Symphony” của Chanel Fine Jewelry.
Còn nhân vật Veronica Hayes là một phụ nữ thượng lưu ở New York đã li dị, sở hữu ngoại hình bắt mắt, và phong cách hiện đại rất phù hợp với mỹ nhân Blake Lively. Bởi NTK phục trang Suzy Benzinger muốn cố gắng kết hợp một số thiết kế hiện đại vào bộ phim này, nên trang phục của cô ấy được truyền cảm hứng bởi các thiết kế đến từ thương hiệu Carolina Herrera.
Chiếc váy dạ hội màu bạc mà Veronica mặc trong buổi tiệc lần đầu gặp Bobby ở New York được làm từ thiết kế nguyên bản sử dụng loại vải lamé dệt bằng sợi bằng bạc thật. Đeo vòng tay “Franges Swing” kết bằng 263 viên kim cương và đôi hoa tai nằm trong BTS năm 1932 của Chanel.
Ấn tượng trong chiếc váy lụa đỏ bordeaux quý phái và chiếc băng đô nạm kinh cương đính lông vũ tinh xảo.

Trailer phim “Giới Thượng Lưu” (Café Society)

Xem thêm: 

Thời trang trong phim: Những kẻ khờ mộng mơ (La La Land)

Thời trang trong phim: Sắc Đẹp Vĩnh Cửu (The Age of Adaline)

Thời trang trong phim: Bringing Up Baby

Nhóm thực hiện

Khánh Ly (Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE, lược dịch telegraph.co.uk)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)