“I had a black dog, his name was Depression” tạm dịch là “tôi có một chú chó đen, nó tên là Trầm cảm”. Đó là câu nói quen thuộc khi bàn về vấn đề sức khỏe tâm lý. Theo nghiên cứu của The Guardians, “chú chó đen” này thường là bạn đồng hành đặc biệt của nhiều người hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Theo nghiên cứu, các họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, NTK thời trang… mang trong mình biến thể gen trầm cảm nhiều hơn những 25% so với người làm trong các ngành được đánh giá là ít sáng tạo hơn, như lao động thủ công và nhân viên bán hàng…
Nếu bạn yêu thích và theo dõi thế giới thời trang, có lẽ những câu chuyện về các NTK bị quá tải đến trầm cảm vì khối lượng công việc, lịch trình diễn dày đặc không còn quá xa lạ. Mong đợi từ tập đoàn hay chủ đầu tư, kết quả kinh doanh, sự đón nhận của báo chí, người tiêu dùng đều là những khối áp lực lớn đến không tưởng đối với người làm sáng tạo. Nhưng họ cũng là những cái tên huyền thoại với sự nghiệp lẫy lừng như Yves Saint Laurent, Karl Lagerfeld, Alexander McQueen, Rick Owens…
Nguồn năng lượng sáng tạo dưới góc nhìn khoa học
Dù không đáng vui, nhưng phải ghi nhận rằng “chú chó đen” đem đến một nguồn năng lượng sáng tạo kỳ lạ, mãnh liệt và rất đặc biệt. Kết luận này không phải dựa vào suy xét chủ quan của người viết, mà có dẫn chứng khoa học. Trong một đề tài nghiên cứu tâm lý mang tên “Mặt tối của tính sáng tạo: Tình trạng dễ bị tổn thương về mặt sinh học và những cảm xúc tiêu cực dẫn đến sức sáng tạo nghệ thuật mạnh mẽ hơn“, hai giáo sư đại học Harvard là Modupe Akinola và Wendy Berry Mendes đã chỉ ra rằng những người bẩm sinh có khuynh hướng sáng tạo dễ bị các “cảm xúc tiêu cực dữ dội” tác động. Nghiên cứu cho thấy “những yếu tố hoàn cảnh kích thích tác động tiêu cực ảnh hưởng đến những người có lượng DHEAS (một loại hormone được nội tiết tố sản xuất tự nhiên) thấp hơn, dẫn đến việc họ có những sản phẩm sáng tạo nhất”. Nói một cách dễ hiểu, khi các đối tượng không trầm cảm bị làm cho cảm thấy tồi tệ về bản thân, họ trở nên sáng tạo mạnh mẽ hơn.
Một bài viết trên tạp chí Psychology Today cũng đăng tải chia sẻ của nhà tâm thần học nổi tiếng Neel Burton khi ông chỉ ra những người làm sáng tạo luôn sẵn lòng trải nghiệm, khám phá và khoan dung hơn với sự mơ hồ. Điều này giúp người làm nghệ thuật có sự rung cảm với cuộc sống tốt hơn, nhưng vì thế họ cũng dễ tổn thương hơn. Neel Burton viết: “Họ cảm thấy cần phải trốn vào “vùng xám vô biên” phong phú và nhiều sắc thái hơn. Tự do mà họ tìm thấy trong tình trạng lấp lửng cho phép họ bước vào trạng thái tập trung mãnh liệt như một cơn hôn mê hoặc hứng cảm. Những đặc điểm của giai đoạn này là ý thức cao, hoạt động điên cuồng và năng suất làm việc lớn, đồng thời còn là dấu hiệu của quá trình sáng tạo”.
Công cuộc giải phóng tâm lý trong ngành thời trang
Không lâu trước khi qua đời, trong một podcast với Business of Fashion, NTK Alber Elbaz đã chia sẻ rằng chính sự chán chường đã kích thích ông suy nghĩ và sáng tạo. Trong 5 năm sau khi rời Lanvin, Alber đã không có công việc, không có “nhà”, không có những buổi họp với marketing hay những buổi casting… Khoảng thời gian nhàn rỗi đó chính là lúc Alber suy nghĩ, lên ý tưởng và kế hoạch để giới thiệu AZ Factory, một thương hiệu hoàn toàn mới với sự hậu thuẫn của tập đoàn Richmont.
Sáng tạo thời trang cũng là một cách để các NTK “tị nạn cảm xúc” và giải phóng những ẩn ức của mình. Ta có thể chẳng bao giờ nghe được lời ca thán của Yves Saint Laurent, Alexander McQueen, Rick Owens… nhưng chỉ cần nhìn vào các thiết kế của họ, bạn vẫn có thể thấy rõ sự cuồng loạn trong thế giới nội tâm.
Sẽ thật tồi tệ biết bao nếu ta sử dụng những giá trị kinh điển tồn tại trong lịch sử thời trang để đề cao lợi ích của sự rối loạn sức khoẻ tâm lý này. Xét cho cùng, với những người trong cuộc, đó là một cuộc chiến dai dẳng của riêng họ. Sự bất ổn trong sức khỏe tâm lý là điều người nghệ sĩ không thể lựa chọn, vì chẳng ai muốn chọn nỗi buồn cả.
BÀI LIÊN QUAN
Giám đốc Sáng tạo của một thương hiệu lớn sẽ phải thiết kế ít nhất từ 4 đến 6 BST mỗi năm… Sự bùng nổ thông tin toàn cầu dẫn đến việc thời trang cũng cần phải cập nhật liên tục các thay đổi về thị hiếu. Đến khi thiết kế ra mắt, phán xét của công chúng, thương hiệu, nhà bán lẻ, giới truyền thông đặt cả lên vai NTK. Tất cả những điều đó đều khiến họ phải đối diện với sự căng thẳng và nỗi bất ổn tâm lý càng lúc càng lớn.
Tuy nhiên, không vì thế ta khuyên họ dừng lại, mà ta cần khích lệ họ tiếp tục thực hành sáng tạo. Điều quan trọng là, họ cần được tiếp sức và nhìn nhận bằng ánh mắt yêu thương. Các mẫu thiết kế mang theo cả nguồn năng lượng tâm lý của người làm sáng tạo, họ cảm thấy được cứu cánh và đắm chìm vào thế giới an toàn của mình, như cách NTK huyền thoại Yves Saint Laurent đã làm và rồi tạo nên Le Smoking kinh điển. Rick Owens cũng từng chia sẻ nói rằng: “Tôi cảm thấy kích thích… và đôi tay bận rộn là đôi tay hạnh phúc”. Hay “thiên tài cực đoan” Alexander McQueen với nguồn cảm hứng điên dại từng khiến cả thế giới sửng sốt vì sự kỳ quái nhưng cũng rất đỗi lãng mạn. McQueen chưa từng một lần ngần ngại trước bất kỳ giới hạn nào. Và Kim Jones, người từng được McQueen hướng dẫn, đã nói sau khi nhận chức Giám đốc Nghệ thuật của Dior Men: “Chúng tôi luôn bị xoi xét khi đối diện với công chúng. Tôi cũng rất nhạy cảm, ai cũng vậy cả. Đó là sự ghen tức, bạn phải làm việc chăm chỉ, phải hy sinh… Thời trang chẳng phải là một công việc dễ dàng, nhưng tôi chưa bao giờ muốn thay đổi điều đó”.
Khi thế giới thời trang tối lại, ta cần “bừng sáng” lên
Chúng ta đã bước sang năm thứ 2 của đại dịch COVID-19. Đến hôm nay, tình hình vẫn còn tiếp tục diễn biến căng thẳng làm xáo trộn mọi thứ, cả trong đời sống thực tế lẫn trong tâm lý con người. Khi thế giới tối lại là lúc ta cần sáng lên, đặc biệt với ngành công nghiệp thời trang, lĩnh vực luôn bị coi là điều không thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh. Nghệ thuật và thời trang có thể không phải là thứ vật chất cứu trợ cấp bách, nhưng lại là nguồn sáng bền bỉ. Trong khoảng thời gian với vô vàn thử thách và bế tắc, rất nhiều NTK đã tìm thấy giải pháp sáng tạo giúp họ phần nào thoát khỏi những áp lực, sự lặp lại của những gì họ từng làm trước COVID-19.
Sau khi công bố Gucci sẽ không theo lịch trình Fashion Week thường niên, vào tháng 11/2020, Giám đốc Sáng tạo Alessandro Michele giới thiệu BST mới thông qua Liên hoan phim trực tuyến Gucci Fest trong 7 ngày. Alessandro Michele là một trong những NTK tiên phong chủ động cắt giảm số BST anh phải thiết kế mỗi năm từ 5 còn 2. NTK Dries Van Noten, người chưa từng thực hiện phim quảng cáo nào cho thương hiệu của mình, đã có được cảm hứng khi tìm thấy một nghệ sĩ người New Zealand và thực hiện phim thời trang đầu tiên cho BST Xuân – Hè 2021. Và ông cảm thấy điều đó vô cùng thú vị.
NTK người Anh Jonathan Anderson chỉ giới thiệu 19 looks cho BST Thu – Đông 2020 của thương hiệu JW. Anderson cùng với những hình ảnh chụp tác phẩm nghệ thuật của hai nữ nghệ sĩ mà anh rất ngưỡng mộ. Anderson chia sẻ “đó là BST mang tính cá nhân nhất của tôi từ trước đến giờ”. Trong suốt năm 2020 khi đại dịch hoành hành tại châu Âu và châu Mỹ, Anderson đã giới thiệu BST mới của Loewe bằng những chiếc hộp thủ công “Show in the Box” đầy sáng tạo. Với BST Loewe Thu – Đông 2021, anh cho in 45 mẫu thiết kế cùng một trích đoạn sách của nhà văn Danielle Steel thành một tờ báo. Anh nói với nhà báo Tim Blanks rằng: “Tôi sẽ không thể quay trở lại với cách hoạt động trước đây nữa. Tôi không thể chịu nổi sự lo lắng, hồi hộp trước mỗi show diễn ở Tuần lễ Thời trang. Điều đó đã kết thúc và không còn ý nghĩa với tôi nữa… Những tôi vẫn còn vô cùng hào hứng với thời trang, và cuộc chơi của chúng ta đã thay đổi”.
Nhóm thực hiện
Bài: Nam Thi
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE