Thời trang / Thế giới thời trang

Từ khi nào và vì sao giới thời trang lại si mê điện ảnh?

Giới mộ điệu và các NTK thời trang luôn tìm được cảm hứng và sự liên kết từ những nhân vật đa chiều được xây dựng thành công trên màn ảnh, và cùng với đó, là những bộ trang phục mà những con người “rất chi là thực” ấy diện lên mình.

Ở Oscars 2022, giải thưởng Thiết kế Phục trang Xuất sắc nhất đã thuộc về Jenny Beavan và Cruella. Bên cạnh những bộ trang phục mãn nhãn mà bà thực hiện cho phim, những “con chiên” của giới thời trang cũng không khỏi phấn chấn trước sự xuất hiện của chiếc túi xách Capucines mà Louis Vuitton đã hợp tác và thiết kế riêng cho nữ diễn viên Emma Stone – đại sứ thương hiệu của hãng.

thời trang trong phim cruella
Diễn viên Emma Stone và chiếc túi Capucines của Louis Vuitton trong phim Cruella. (Ảnh: Disney)

CẢM HỨNG SÁNG TẠO TỪ ĐIỆN ẢNH

Trong bộ phim tài liệu Unzipped (1995), NTK thời trang Isaac Mizrahi từng chia sẻ như sau về bộ phim Call of the Wild (1935) mà ông rất yêu thích: “Nhân vật nữ chính [do Loretta Young thủ vai] bị bỏ lại một mình ở vùng đài nguyên cùng cực để chồng cô đi tìm lương thực. [Nhân vật của] tài tử Clark Gable phát hiện ra cô trong tình trạng bốn ngày đơn độc, bị bủa vây bởi giá lạnh, và cận kề cái chết. Nhưng khi ống kính máy quay zoom cận mặt cô ấy, [đúng với tinh thần hoa lệ của điện ảnh Hollywood lúc bấy giờ], đó là một khuôn mặt được trang điểm hoàn hảo – với làn da sáng mịn, đôi chân mày không tì viết, đường kẻ viền môi chỉn chu và làn tóc nữa – phải nói là tuyệt vời!”. Khung cảnh băng giá cùng những bộ trang phục xứ lạnh trong phim đã trở thành cảm hứng cho BST Thu – Đông 1994 của thương hiệu mang tên ông.

phục trang phim Call of the Wild
(Ảnh: Call of the Wild)

Không chỉ riêng Isaac Mizrahi, các NTK thời trang xưa nay luôn đặt điện ảnh ở một vị thế đặc biệt trong tim. Trong mắt họ, điện ảnh chẳng khác gì một kho tàng nghệ thuật quý báu. Những bộ trang phục mà các minh tinh, tài tử diện lên người trên những thước phim yêu thích thường gây ấn tượng khó phai về mặt thị giác, nhân vật và đề tài, giúp gợi mở trong họ biết bao cảm xúc. Từ đó, các NTK sẽ vẽ nên những sắc màu, hình hài và chất liệu độc đáo tạo thành sức lôi cuốn đặc biệt ở mỗi BST.

phục trang phim The Irishman
NTK phục trang Mayes C. Rubeo cho phim The Irishman. (Ảnh: Niko Tavernise)
thiết kế phục trang phim cruella
Xưởng thiết kế phục trang phim Cruella. (Ảnh: Laurie Sparham)

Ta có thể kể đến danh sách những bộ phim mà Hedi Slimane (Giám đốc Sáng tạo của Céline) từng chia sẻ đến cộng đồng trên nền tảng xem phim trực tuyến MUBI. Trong đó gồm những tác phẩm kinh điển như Paris, Texas (1984), Charade (1963), hay Pierrot Le Fou (1965). Một ví dụ khác là hình ảnh trích từ Blue Velvet (1986), được in trên các thiết kế trong BST Menswear Thu – Đông 2019 của Raf Simons, bởi ông vốn là fan hâm mộ nhiệt thành của đạo diễn David Lynch. Hay như Vertigo (1958, Alfred Hitchcock đạo diễn) là cảm hứng cho BST Thu – Đông 2005 của Alexander McQueen. Đồng thời, The Royal Tenenbaums (2001, Wes Anderson đạo diễn) để lại dấu ấn đặc biệt trong BST Menswear Xuân – Hè 2017 của Giám đốc Sáng tạo Alessandro Michele cho Gucci.

Alexander McQueen Thu-Đông 2005
Alexander McQueen Thu-Đông 2005. (Ảnh: Alexander McQueen)
Gucci Menswear 2017
Gucci Menswear 2017. (Ảnh: Gucci)

MỐI TÂM GIAO CỦA ĐIỆN ẢNH VÀ THỜI TRANG

Ngược lại, lịch sử điện ảnh cũng phải ghi nhận những đóng góp quan trọng từ rất nhiều bộ óc ưu tú của ngành thời trang, giúp đem lại những khoảnh khắc đã thành kinh điển và ăn sâu vào trái tim, ký ức của bất kỳ ai xem mình là tín đồ dõi theo loại hình nghệ thuật này. Nhắc đến đây, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến nữ diễn viên Audrey Hepburn và mối tâm giao giữa bà với NTK Hubert de Givenchy. Vẻ đẹp thanh lịch, bất hủ của Audrey trong các phim Sabrina (1954), Funny Face (1957), hay Breakfast at Tiffany’s (1961) sẽ không thể tách rời với những bộ váy áo mà Givenchy đã thiết kế riêng cho bà. Nhưng trên hết, đó còn là sự thấu hiểu và yêu mến vô bờ của Givenchy với Audrey để phản ánh chân thực phẩm cách đôn hậu luôn hiện hữu trong chính con người nữ diễn viên huyền thoại, được Audrey truyền tải với niềm thấu cảm sâu sắc với mỗi nhân vật mà bà thủ vai, ẩn sau những thủ pháp diễn xuất trong mỗi bộ phim bà dành trọn tâm huyết.

thời trang trong phim funny face
Audrey Hepburn trong phim Funny Face. (Ảnh: Donaldson Collection)

Tình bạn giữa minh tinh màn bạc Hollywood và nhà mốt ưa thích còn là trang phục mà Christian Dior thiết kế cho Marlene Dietrich trong phim Stage Fright (1950). Và ngày nay, đó là một số trang phục, phụ kiện đến từ CHANEL mà nữ diễn viên Kristen Stewart – đại sứ thương hiệu – diện lên người trong các phim Clouds of Sils Maria (2014), Personal Shopper (2016), và gần đây nhất là Spencer (2021) – bộ phim giúp cô nhận được đề cử hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất ở Oscars 2022.

thời trang trong phim stage fright
Marlene Deitrich mặc Dior trong phim Stage Fright. (Ảnh: Alamy)
phục trang của Kristen Stewart trong phim Spencer
Kristen Stewart trong vai diễn Công nương Diana trong phim Spencer. (Ảnh: Pablo Lorrain)

Mối nhân duyên giữa CHANEL và điện ảnh vốn bắt nguồn từ những năm 1930 của thế kỷ trước, khi nhà sáng lập thương hiệu, Gabrielle “Coco” Chanel, nhận lời mời thiết kế phục trang cho vài tác phẩm điện ảnh của hãng phim Samuel Goldwyn. Dù các NTK danh tiếng nhất đầu thế kỷ 20 như Schiaparelli, Lanvin, hay Lucille Toray,… cũng từng đóng góp cho điện ảnh, nhưng mãi đến năm 1949, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ (Oscars) mới lần đầu ghi nhận thành tựu và trao giải cho những đóng góp của các NTK phục trang. Dẫu vậy, giới mộ điệu ngày nay vẫn không khỏi khắc khoải khi nhắc đến những bộ váy áo nên thơ và diễm lệ mà Gabrielle Chanel thiết kế cho nhân vật của nữ diễn viên Delphine Seyrig trong phim Last Year at Marienbad (1961), đồng thời là cảm hứng chính cho BST Xuân – Hè 2011 của Giám đốc Sáng tạo Karl Lagerfeld lúc sinh thời.

thời trang trong phim last year at marienbad
Nữ diễn viên Delphine Seyrig mặc trang phục do Gabrielle Chanel thiết kế trong phim Last Year at Marienbad. (Ảnh: Getty Images)

TỔNG ĐẠO DIỄN THỜI TRANG PHÍA SAU MÀN ẢNH

Thế nhưng, vai trò của NTK phục trang không chỉ là “chăm lo” cho ngoại hình của minh tinh và tài tử siêu sao. Đó còn là trang phục và tạo hình cho tất thảy mọi nhân vật xuất hiện trên phim – từ diễn viên quần chúng làm nền cho một phân đoạn nhỏ ít ai để tâm, cho đến các nhân vật phụ tương tác với nhân vật chính. Đây chính là sự khác biệt, rào cản và thử thách lớn nhất khi các NTK thời trang tham gia vào một dự án điện ảnh. Nếu như trong vai trò Giám đốc Sáng tạo của một thương hiệu lớn, các NTK thời trang đã quen với vai trò “tổng đạo diễn” cho một BST, tuyển chọn người mẫu, lên ý tưởng cho sân khấu, sàn diễn…, thì trong một tác phẩm điện ảnh, họ sẽ phải tuân theo tầm nhìn chỉ đạo của đội ngũ làm phim, và có chăng, đóng vai trò khá phụ trong sự thành hình của dự án.

thời trang phim điện ảnh Black Swan
NTK phục trang Amy Westcott đã tham khảo tủ quần áo hàng ngày của các vũ công ở Nhà hát Ballet Hoa Kỳ cho đến các bộ phim như The Double Life of Veronique và The Piano Teacher để tạo nên các thiết kế trong phim Black Swan. (Ảnh: Getty Images)

NTK phục trang cần thời gian đọc kịch bản nhằm thấu hiểu từng nhân vật, tình tiết, thời kỳ và bối cảnh câu chuyện thể hiện trên trang giấy – vốn không nhất thiết xoay quanh vẻ đẹp hào nhoáng của diễn viên chính. Để làm nên trang phục trong phim, họ sẽ phải trao đổi sát sao không chỉ với đạo diễn, mà đó còn là quá trình hợp tác bền lâu với các NTK khung cảnh, chuyên gia đánh sáng, giám đốc hình ảnh, người vận hành máy quay… để làm sao những thiết kế của họ hòa hợp (hay tỏa sáng) đúng lúc, với định hướng thị giác trong phim. Và quan trọng hơn, làm cách nào để một khi diễn viên vận lên người phục trang, họ sẽ hóa thân ngay thành nhân vật – với mọi cảm nhận về gia thế, tính cách, thói quen, tâm lý và cách hành xử của nhân vật ấy.

Cùng một kịch bản, nhưng mỗi đạo diễn sẽ có con mắt, tầm nhìn và cách thể hiện khác nhau thông qua ngôn ngữ điện ảnh. Trong trường hợp của phim Spencer (2021), NTK phục trang Jacqueline Durran đã không chọn sao chép y nguyên những bộ quần áo mà Công nương Diana từng xuất hiện trước công chúng. Thay vào đó, bà và đội ngũ làm phim đã nghiên cứu những hình ảnh và thước phim tư liệu về Diana, từ đó chọn ra những thành tố tiêu biểu làm nên phong cách ăn mặc đặc thù của Công nương xứ Wales, và tạo nên những bộ trang phục tuy không y hệt 100%, nhưng sẽ dễ dàng gợi nhớ về tinh thần và cung cách của Diana trong tâm trí người xem.

đầm đen của CHANEL trong Spencer
(Ảnh: CHANEL)
phục trang của Kristen Stewart trong phim Spencer
(Ảnh: Neon)
Công nương Diana bên các con trong Spencer
(Ảnh: Neon)

Mặc dù NTK Tom Ford là đạo diễn của hai bộ phim điện ảnh A Single Man (2009)Nocturnal Animals (2016), vốn được các nhà phê bình đánh giá cao, nhưng ông lại giao toàn bộ phần thiết kế phục trang của phim cho Arianne Phillips. Dẫu rằng những bộ xiêm y do Colin Firth, Julianne Moore hay Amy Adams diện lên trong phim đều là những thiết kế của ông, Tom Ford từng chia sẻ với tạp chí AnOther rằng: “Cũng không khác gì các đạo diễn/biên kịch khác, tôi luôn có những mường tượng cụ thể về nhân vật của mình sẽ xuất hiện và ăn vận ra sao trong phim. Trọng trách của một NTK phục trang hoàn toàn khác xa khi bạn thiết kế quần áo cho một BST thời trang. Arianne Phillips đã đóng vai trò không nhỏ, giúp đem lại cái nhìn chuẩn xác và mạch lạc mà tôi sẽ không thể nào làm được một mình khi đạo diễn phim”.

thời trang trong phim nortunal animal
Diễn viên Amy Adams mặc trang phục Tom Ford trong phim Nocturnal Animals do Tom Ford đạo diễn. (Ảnh: Merrick Morton)

HƠN CẢ NHỮNG PHỤC TRANG

Dẫu vậy, điện ảnh vẫn là sân chơi mà không ít các NTK thời trang danh tiếng chọn thử sức. Nếu như Jean Paul Gaultier từng thiết kế hơn 1.000 bộ trang phục cho các nhân vật trong phim The Fifth Element (1997), thì không ít nhà mốt khác thường chọn giải pháp “an toàn” hơn khi hợp tác với các đạo diễn và NTK phục trang cho nhân vật chính trong phim. Đó có thể là thiết kế hoàn toàn mới, hay là sự lật tìm về kho lưu trữ nhằm làm sống dậy những thiết kế kinh điển của thương hiệu trên màn ảnh. Công chúng yêu điện ảnh luôn không thể rời mắt khỏi những bộ cánh tối giản do Raf Simons thiết kế cho Tilda Swinton trong phim I Am Love (2009)A Bigger Splash (2015), Miuccia Prada với nhân vật Daisy Buchanan của Carey Mulligan trong The Great Gatsby (2013), Giorgio Armani với những bộ suit bảnh bao cho Richard Gere trong American Gigolo (1980), Yves Saint Laurent và nàng thơ Catherine Deneuve trong Belle Du Jour (1967), hay chiếc đầm đen huyền thoại của nữ diễn viên Monica Vitti trong La Notte (1961) do Valentino thiết kế.

thời trang trong phim i am love
Tilda Swinton trong phim I Am Love. (Ảnh: Magnolia Pictures)
thời trang trong phim belle de jour
Catherine Deneuve trong phim Belle De Jour và trang phục của Yves Saint Laurent. (Ảnh: Paris Film/ Five Film/ Kobal)

Nhưng trên hết, ẩn sâu trong từng thớ vải, đường may và tay nghề giúp làm nên giá trị của những bộ trang phục này còn là góc nhìn và lý tưởng của các NTK khi quan sát cuộc sống. Đó là những hình dung về tâm thế, căn tính và văn hóa của những cá thể diện lên người những sáng tạo của họ mà vô hình trung, điện ảnh lại là một kim chỉ nam màu nhiệm. Bởi điện ảnh là chiều không gian đặc thù, là sự giao thoa giữa những câu chuyện và nhân vật hư cấu vốn bắt nguồn từ thực tế quanh ta, là sự hòa quyện giữa quá khứ – hiện tại – và tương lai, là nhịp đập thôi thúc những suy ngẫm về thế giới quan trong cách nhìn nhận và hành xử của bản thân trong đời sống. Không chỉ các NTK, các tín đồ mộ điệu luôn tìm đến điện ảnh để định hình cho mình một góc nhìn riêng về bản ngã lẫn phong cách họ chọn phô bày trước đám đông. 

phục trang phim Cruella
Emma Stone trong phim Cruella bản 2021. (Ảnh: Disney)

Nhóm thực hiện

Bài: Quyên Hoàng Ảnh: Tổng hợp Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)