TỪ Ý NIỆM VỀ VẺ ĐẸP PHI HOÀN HẢO trên những sàn diễn thời trang
Để đánh giá một cách công bằng, vai trò của người mẫu cũng không kém phần quan trọng khi đứng cùng các NTK để truyền tải thông điệp về cái đẹp đến với công chúng. Từ thần thái, dáng dấp, thái độ, các “super model” đã được xem là thần tượng trong thế giới thời trang trước khi những thần tượng âm nhạc, điện ảnh cũng trở thành người mẫu như ngày nay.
Mỗi giai đoạn đều có chuẩn mực về cái đẹp riêng. Thập niên 60 là những cô nàng thanh thoát, gầy gò nhưng sống động. Thập niên 80 là sự trỗi dậy của những thân hình gợi cảm với những cú đánh hông uyển chuyển đầy khiêu gợi. Thập niên 90 có Kate Moss đập đổ thánh tượng bombshell của thế hệ trước và thay thế bằng “heroin chic” gây ám ảnh đến tận bây giờ. Nhưng chuẩn mực về vẻ đẹp hoàn hảo trong gương mặt, thân hình hay màu da dù thay đổi thế nào đi chăng nữa cũng chỉ vẫn là những dáng vóc không đại diện cho đa số và thiểu số, như thể thời trang chỉ dành cho người mẫu vậy.
Chúng ta nên cảm ơn những NTK avant-garde không chỉ vì những nỗ lực thay đổi và khao khát phá vỡ chuẩn mực trong thiết kế mà còn là vẻ đẹp con người, bởi suy cho cùng, thời trang là để làm đẹp cho con người. Ấn tượng nhất phải kể đến Alexander McQueen với show diễn mùa Xuân 1999 mang tên “No.13” với sự xuất hiện của vận động viên khuyết tật Aimee Mullins trong bộ đầm ren và đôi chân gỗ được chạm trổ tinh xảo. Chưa hề có tiền lệ, việc người mẫu khuyết tật trên sàn diễn đã làm rúng động Paris lúc bấy giờ.
Cây bút phê bình thời trang Cathy Horyn đã bình chọn BST mùa Xuân 2006 của John Galliano là 1 trong 3 show diễn phải xem. Đó là một bản tình ca và trong show diễn đó, người mẫu không bước ra một mình mà đi cùng một người khác. Điều đáng nói là người mẫu của ông đa dạng về cả giới tính, xu hướng tính dục, tuổi tác, màu da và dáng dấp. Không chỉ tri ân đến nét đẹp phi chuẩn mực, show diễn như một cái tát vào những lề thói đạo đức giả áp đặt định kiến. Những cặp đôi lệch chuẩn của John Galliano đã lấy được tình cảm và nước mắt của khán giả, thay vì sự dè bỉu và châm chọc mà họ thường gặp ở đời thường. Không ngoa khi nói show diễn này xứng đáng là khởi thủy của một sàn diễn tự do ở khía cạnh con người.
BÀI LIÊN QUAN
Không kém phần ấn tượng, Rick Owens đã tuyển các nhóm nhảy Washington Divas, Soul Steppers, The Momentums và The Zetas để trình diễn cho BST mùa Xuân 2014. Điểm đặc biệt là các vũ công đều là những phụ nữ có thân hình plus-size và đa số là người da màu. Hiển nhiên show diễn cũng không diễn ra như thường lệ. Các người mẫu được xuất hiện theo từng nhóm, thể hiện những bài nhảy mạnh mẽ được dựng riêng cho buổi diễn với thần thái “dữ tợn” đúng với tên “Vicious” của BST.
CHO ĐẾN khái niệm HOÀN HẢO PHI CHUẨN MỰC
Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt về lựa chọn casting của nhiều NTK, rất nhiều trong số đó đã phá vỡ các quy chuẩn xưa cũ. Nhìn chung, số đo trung bình của người mẫu sàn diễn ngày nay đã được cải thiện rất nhiều so với thời hoàng kim của những người mẫu mình dây cách đây hơn 15 năm. Đó là nhờ làn sóng phản đối hình tượng gầy gò của người mẫu khiến nhiều người nhịn ăn theo, từ đó gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bệnh biếng ăn, thậm chí tử vong. Quá trình thay đổi bắt đầu từ những năm 2006 khi Giorgio Armani là NTK đầu tiên cấm người mẫu có chỉ số BMI dưới 18 trình diễn các BST của mình.
Thay đổi gây chấn động nhất là sự xuất hiện của những người mẫu plus-size trên sàn diễn. Tổng biên tập Vogue Mỹ Anna Wintour không ngừng lăng xê Ashley Graham và gần đây nhất là Paloma Elsesser trên nhiều phiên bản khác nhau của Vogue. Dĩ nhiên các NTK Mỹ cũng không thể làm ngơ trước động thái này của người đàn bà quyền lực của ngành thời trang, và họ cũng đã bắt đầu tuyển chọn thêm người mẫu plus-size cho show diễn của mình.
Kế đến là màu da. Trong những thập niên 80 và 90, rất hiếm show diễn có người mẫu da đen hay châu Á, nếu có cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên số lượng người mẫu không-phải-da-trắng đã tăng đáng kể trong nhiều năm trở lại đây. Khi sự trỗi dậy của kinh tế và thời trang châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng thúc đẩy sự nở rộ của người mẫu châu Á, các vấn đề về phân biệt chủng tộc và các phong trào đấu tranh trong và ngoài ngành thời trang buộc những người đứng đầu phải có cái nhìn khác với người mẫu da màu. Những cái tên nổi bật có thể kể đến là Adut Akech, Duckie Thot, Ajok Madel, Anok Yai. Còn với người mẫu châu Á, riêng Việt Nam, chúng ta có hai gương mặt trẻ sáng giá là Dahan Nguyen (Phương Oanh) và Jade Nguyen (người Pháp gốc Việt) được nhiều thương hiệu tên tuổi lớn như Louis Vuitton, Erdem, Stella McCartney lựa chọn.
Thú vị là khi cả hai sự thay đổi trên đều diễn ra cùng lúc. Ba người mẫu da màu plus-size thế hệ trẻ đang lên có thể kể đến Paloma Elsesser với sự hậu thuẫn của Gabriela Hearst tại thương hiệu của cô lẫn Chloé; Akon Adichol với hai trang bìa Vogue Italia và V. Đáng chú ý nhất là Precious Lee với không chỉ rất nhiều trang bìa danh giá mà còn là gương mặt quảng cáo cho Versace, thương hiện vốn được xem là chỉ dành cho những cô gái có thân hình nuột nà nóng bỏng.
ĐA DẠNG thời trang CŨNG CÓ NGHĨA LÀ BÌNH ĐẲNG VỀ GIỚI
Đấu tranh bình đẳng giới cũng là một trong những phong trào tiêu điểm trong thời gian qua. Là ngành nghề có nhiều nhân sự thuộc cộng đồng LGBTQ, nhưng ngành thời trang chỉ thực sự có bước tiến táo bạo khi lăng xê người mẫu chuyển giới. Riccardo Tisci và Jean Paul Gaultier được xem là những nhân tố tiên phong khi cộng tác lâu dài với Lea T và Andreja Pejic. Gần đây, những người mẫu chuyển giới nổi bật trên sàn diễn danh giá phải kể đến Teddy Quinlivan, Hari Nef và Nathan Westling từng là một mẫu nữ nổi tiếng trên các sàn diễn trước đó. Riêng Hanne Gaby Odiele là trường hợp đặc biệt nhất khi có lẽ cho đến thời điểm hiện tại, cô là người mẫu liên giới tính (intersex) duy nhất trong số người mẫu hàng đầu.
TẠM KẾT
Thời trang phản ánh thời đại và thực trạng xã hội mà chúng ta đang sống. Sự đa dạng về người mẫu thể hiện cho khát vọng về sự bình đẳng trong xã hội hiện đại đang được thống trị bởi thế hệ Millennials và Gen Z. Sự đa dạng về người mẫu trong ngành thời trang vốn đầy rẫy định kiến về vẻ ngoài chính là thông điệp về giá trị cá nhân, rằng chúng ta chỉ đẹp nhất khi là phiên bản tốt hơn của chính mình chứ không phải cố gắng để giống một ai đó.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Lê
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE