Lằn ranh giữa thực và ảo trong sáng tạo thời trang
Tiềm năng của công nghệ ảo 3D mở ra trong các lĩnh vực thiết kế – sáng tạo dường như là vô hạn, trong đó có cả thời trang. Thời trang sẽ vẫn là lĩnh vực sáng tạo cần đến đôi tay con người, nhưng một NTK thời trang vẫn có thể tìm thấy những điểm chạm thú vị của thiết kế 3D trong cả quy trình sáng tạo và sản xuất. Một NTK với độ nhạy về công nghệ có thể ứng biến và thay thế những vị trí truyền thống trong studio của mình.
“SO VIRTUAL, SO REAL – Ảo, Thật?” là dự án cá nhân của hai NTK: Ngô Hoàng Kha – người sáng lập thương hiệu hybrid giữa thực và ảo Khaar, và Uyên Lý – NTK người Đức gốc Việt và là chủ nhân của thương hiệu Exuvie. Thuộc hai thế hệ tiếp nối nhau nhưng cùng chung một chặng đường phát triển, cả hai đều bắt đầu tiếp cận một cách bỡ ngỡ và có chút hoài nghi với công nghệ 3D từ nền tảng và tư duy làm thời trang truyền thống.
Người mẫu Thi Ân trong bộ ảnh khoác lên mình những sản phẩm thời trang thật và 3D, cùng hòa phối vào nhau, ban đầu tạo nên lằn ranh mơ hồ trong ánh nhìn của người xem, nhưng cũng vì thế khiến họ vỡ òa trong cảm giác tương phản ấn tượng khi nhận thức được đâu là thực và ảo.
Sự mâu thuẫn này cũng hiện diện trong quá trình tạo dựng nên một tác phẩm 3D. Bởi lẽ, “trực quan hóa” hay “ảo hóa” – làm việc như một chuyên viên kỹ thuật hay một người sáng tạo – đâu sẽ là mục tiêu sau cùng?
Một sản phẩm thời trang ảo có cần phải được trau chuốt sắc sảo, để trông “thực” như thật (hyper-realistic). Hay ngược lại, nếu nó trở nên quá “thật”, thì cái đẹp của sự dụng công bằng công nghệ số, của những yếu tố mơ mộng kỳ ảo trong không gian 3 chiều và cảm hứng vị lai sẽ được thể hiện ở đâu và như thế nào? Câu trả lời sẽ luôn cần được làm rõ, từ bản thân người làm việc với công nghệ, bởi lẽ, dù tiềm năng của công nghệ và sáng tạo là vô hạn, thì nguồn lực con người, tài chính để đầu tư máy móc thiết bị và quỹ thời gian làm việc vẫn có giới hạn cần được cân nhắc.
Với sự hỗ trợ của các phần mềm 3D, từng sản phẩm riêng lẻ trong BST có thể được trực quan hóa ngay từ bước phác thảo ý tưởng ban đầu cho đến khi mẫu sample đầu tiên được thông qua, với từng mảnh rập, từng bộ phận, từng lớp lang được khâu may hay điều chỉnh tỷ lệ, phom dáng, chi tiết… Tất cả đều được thực hiện trong môi trường ảo. Không cần phải trải vải phẳng phiu trên mặt bàn cắt, cùng phấn bút và thước kẻ, nay một chiếc áo, chiếc quần sẽ được tạo hình khi đang lơ lửng giữa không gian ảo 3 chiều, như cách một mầm sống được hoài thai và nuôi lớn.
Sự dấn thân của NTK được tiếp nối bằng việc họ vẫn có thể can thiệp từ sau màn hình vi tính cho tầm nhìn tổng thể, kết hợp giữa trang phục thật và phụ kiện ảo hoặc ngược lại, thậm chí tất cả đều là ảo, để hoàn chỉnh vẻ ngoài và hình ảnh cuối cùng. Thậm chí, công dụng của kỹ thuật 3D vẫn tiếp tục vươn dài đến giai đoạn hậu kỳ của sản phẩm qua các công đoạn như chỉ đạo nghệ thuật cho chiến dịch quảng bá, dựng phông cảnh, đánh ánh sáng, “chụp ảnh” sản phẩm, trưng bày visual merchandising, hay tạo nên cửa hàng ảo… Những vết nứt nhỏ nhưng đầy tiềm năng mà Metaverse gần đây đã dọn đường cho các NTK thời trang nghĩ đến việc đưa những sáng tạo của mình vào thế giới game tương tác, hoạt hình và điện ảnh…
Tuy vậy, khi nói về số hóa thời trang (fashion digitalization), vẫn còn nhiều lầm tưởng và kỳ vọng có phần thiên kiến về khả năng của công nghệ, rằng mọi thao tác đều đã được tự động lập trình, chỉ cần nhấn nút, máy móc sẽ thay con người làm tất cả. Nhưng không hẳn như thế! Những kỹ thuật thủ công tinh xảo từ đôi tay nay được chuyển hóa một cách điệu nghệ và thuần thục vào những cú click chuột, tổ hợp phím lệnh và công cụ phần mềm. Sự chính xác trong từng quyết định vẫn còn đó và cần đến sự quyết đoán từ các NTK của thời đại mới.
Bài: Thùy Khanh
Hình ảnh: Bình Nguyễn (Bincio)
Người mẫu: Thi Ân
Trang điểm & Làm tóc: Lâm Minh Quân
Địa điểm: Catsy Studio
Trang phục (thật & ảo): KHAAR, Exuvie
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE