Mùa Xuân-Hè 2022: Thời trang đã sẵn sàng để hướng đến tương lai?
Thập niên 60-70, phong cách Y2K và Chủ nghĩa Tối đa,… đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo lớn cho các nhà mốt khi trở lại với đường băng truyền thống trong Tháng thời trang Xuân-Hè 2022 vừa qua.
Tháng thời trang vừa kết thúc với show diễn cuối cùng tại kinh đô Paris, vẫn rộn ràng nhịp nhàng xoay chuyển qua 4 thành phố lớn như đã từng trước khi đại dịch ập đến vào tháng 3 năm 2020. Rất nhiều cảm hứng từ những thập niên 60, 70 càn quét khắp các sàn diễn, các siêu mẫu lộng lẫy của thập niên 90 lại chiếm lĩnh spotlight… Phải chăng những nhà mốt đang hoài niệm về quá khứ để tìm cảm hứng cho tương lai?
New York hồi sinh
Tuần lễ thời trang New York Fashion Week chính thức trở lại với hình thức show diễn IRL (in real life) nhờ nỗ lực rất lớn của Hiệp hội thời trang Mỹ CFDA và có lẽ của cả Anna Wintour để minh chứng cho thế giới rằng Thời trang Mỹ chưa bao giờ sôi động và tràn đầy sức sống như bây giờ. New York mùa này đón chào những “đứa con cưng” quay trở về, đầu tiên phải kể đến NTK Tom Ford – Chủ tịch CFDA sau một thời gian chọn Los Angeles là nơi trình diễn.
Proenza Schouler, Altuzarra và cả Thom Browne cũng trở về New York sau khi đã thử sức ở sân chơi lớn tại Paris. Rodarte cũng tái xuất hiện với một show diễn đầy màu sắc mang đậm tính tự sự quen thuộc của hai chị em nhà Mulleavy.
Tuy nhiên, New York lại vẫn vắng bóng những tên tuổi lớn vốn đã góp phần tạo nên điểm nhấn cho NYFW với những bữa tiệc thời trang hoành tráng là Tommy Hilfiger, Marc Jacobs và Ralph Lauren. Và nếu bạn tinh ý cũng sẽ thấy rằng cả 3 “ông lớn” này cũng không xuất hiện tại bữa tiệc Met Gala của Anna Wintour diễn ra ngay trước khi NYFK kết thúc. Những thương hiệu trẻ đáng chú ý như Pyer Moss, Telfar cũng quyết định bỏ qua sự kiện này. Có lẽ họ cần thêm thời gian hơn xây dựng lại guồng máy của thương hiệu sau nhiều xáo trộn do đại dịch, hoặc cũng có thể họ đang hướng đến một cách vận hành mới không phụ thuộc quá nhiều vào lịch trình chung của tuần lễ thời trang.
Có lẽ chỉ ở New York Fashion Week chúng ta mới được chứng kiến vẻ đẹp hình thể, màu da, và tuổi tác đa dạng đến thế. Hầu hết các show diễn đều có sự tham gia của các người mẫu plus-size, cùng với những người mẫu da màu, gốc châu Á.
Với giới mộ điệu thời trang ở Việt Nam, điểm nhấn đáng nhớ nhất có lẽ là BST runway đầu tiên của Peter Do sau 3 năm vận hành thương hiệu cùng những người cộng sự của mình và đã tạo được dấu ấn đáng kể tại những giải thưởng lớn như LVMH Prize và CFDA Awards. Được đặt tên là “Home”, BST là một sự tri ân không thể đẹp hơn của Peter dành cho mẹ, cho bà và cho quê hương Việt Nam của mình. Chuyên mục thời trang của New York Times đã nhận xét Peter Do là một trong những NTK tài năng trẻ đáng chú ý nhất của New York.
Nhịp đập sáng tạo trẻ ở London
London Fashion Week khi vắng bóng những tên tuổi ngôi sao như Burberry, J.W Anderson và Victoria Beckham đã trở thành một sân khấu thoáng đãng hơn cho những thương hiệu và nhà thiết kế trẻ. Cả Burberry, J.W Anderson và Victoria Beckham vẫn ra mắt BST mới qua bộ hình look book và video sau đó.
London vẫn luôn thú vị với không gian sáng tạo không khuôn phép, nơi các nhà thiết kế có nhiều cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình trong thời trang và cả trong những vấn đề xã hội. Những nhà thiết kế nữ đặc biệt nổi bật trong mùa này với nhiều cách diễn giải về tính nữ đầy cá tính nhưng cũng rất riêng tư. Simone Rocha và Molly Goddard vừa trải qua thời gian đặc biệt trong vai trò làm mẹ đã đưa những trải nghiệm, góc nhìn của bản thân thành cảm hứng mang đậm cảm xúc mẫu tử trong BST của mình.
London cũng là nơi thông điệp về nữ quyền được đề cập đến một cách trực diện và cấp bách. Yuhan Wang đã bày tỏ bức xúc và lồng ghép thông điệp về quyền được bảo vệ của phụ nữ thông qua những thiết kế đặc trưng và phụ kiện của mình.
Trong khi đó, Nensi Dojaka (nữ thiết kế vừa nhận giải thưởng cao nhất của LVMH Prize 2021), Supriya Lele và Charlotte Knowles cùng mang đến những định nghĩa mới mẻ về “sự gợi cảm” bằng những thiết kế “sexy” nhưng lại không qua lộ liễu, táo bạo một cách ý nhị đầy nữ tính.
London cũng là nơi Erdem kỉ niệm 15 năm trong sự nghiệp thời trang của mình và Richard Quinn gây bão mạng xã hội về tính nguyên bản của những thiết kế trong BST mới.
Milan sexy và hào nhoáng
Nếu ở London vẻ sexy gợi cảm được gợi ý một cách ý nhị thì đến Milan, những cô gái đã sẵn sàng để phô diễn những đường cong cơ thể một cách đầy tự tin và vô cùng phóng khoáng. Milan Fashion Week bắt đầu và kết thúc với hai màn kết hợp ăn ý giữa Miccia Prada với Raf Simons cho Prada và Versace cùng Fendi cho Fendace. Câu chuyện về những dự án “collab” khủng vẫn được tiếp tục và đẩy lên cao trào.
Cho show diễn IRL đầu tiên kể từ khi Raf Simons gia nhập gia đình Prada, bộ đôi đã chọn trình diễn cùng một bộ sưu tập ở 2 địa điểm khác nhau – Shanghai và Milan – vào cùng một lúc. Những màn hình điện tử cỡ lớn như xoá nhoà ranh giới thông thường về địa lý và thời gian.
Định nghĩ về “sexy” của Prada có phần kín kẽ hơn so với những gợi ý của Versace hay Missoni khi những đường cong cơ thể được khoe ra một cách táo bạo không ngần ngại. Những dấu hiệu nhận diện gắn liền với lịch sử và di sản thương hiệu là những nốt nhạc chính không thể nhầm lẫn trong những bản phối mới, đặc biệt khi giám đốc sáng tạo của hai thương hiệu lâu đời của nước Ý đổi chỗ cho nhau như trong BST Fendace. Donatella Versace nói rằng, bà tham gia dự án này hoàn toàn vì tình cảm của bà dành cho Kim Jones và gia đình Fendi.
Ở Roberto Cavalli và Blumarine, hoạ tiết da báo được phóng đại, những chiếc quần denim ống rộnt low rise, áo xẻ sâu hay đầm xẻ cao một lần nữa khiến thế hệ millenials hoài niệm về thời kỳ hưng thịnh của pop culture Y2K và tầm ảnh hưởng của những công chúa nhạc pop như Britney Spears, Christina Aguilera…
Fan thời trang Việt lại một lần nữa được nức lòng vì tự hào khi nhìn thấy gương mặt quen thuộc trên sàn catwalk của Dolce & Gabbana: Dahan Phuong Oanh. Sau lần xuất hiện trong chiến dịch quảng cáo cho túi xách Gucci Diana, Dahan một lần nữa chứng tỏ rằng cô đã sẵn sàng cho những cơ hội và sân chơi lớn hơn, chuyên nghiệp hơn.
Paris diễm lệ đầy hoài niệm
Paris vẫn luôn là chặng cuối dài hơi nhất của tháng thời trang, nơi tất cả các biên tập viên, buyer, retailer, showroom đều dành sự ưu tiên và tập trung cao độ nhất. Ngoài những tên tuổi lớn không thể bỏ qua như Chanel, Louis Vuitton, Dior… Paris mùa này còn đánh dấu show diễn ra mắt chính thức của những giám đốc sáng tạo nhậm chức trong mùa dịch. Gabriella Hearst chính thức ra mắt với BST thứ hai cho Chloé bên bờ sông Seine. Ở Givenchy, Mathew Williams chào sân và tăng tốc chuẩn bị cho BST haute couture sắp tới với một sàn catwalk được dàn dựng công phu và những thiết kế khiến bạn không thể không nhớ đến Givenchy dưới thời Ricardo Tisci.
Rick Owens, Saint Laurent và Valentino cũng đưa show diễn trở về Paris. Maria Grazia Chiuri tìm thấy cảm hứng từ những BST của Marc Bohan cho Dior những năm 60. Virginie Viard mang đến không khí tưng bừng của thập niên 90, thời kì vàng son của những siêu mẫu thế hệ đầu tiên. Olivier Rousteing kỉ niệm sự nghiệp 10 năm tại Balmain với một festival âm nhạc hoành tráng, sự xuất hiện của dàn siêu mẫu không thể “đỉnh” hơn bao gồm Naomi Campbell, Carla Bruni… nhưng những thiết kế thời trang chính thì lại không thể dễ quên hơn.
Show diễn cuối cùng tại Paris lại là lời tạm biệt với NTK gốc Israel Alber Elbaz. Hàng trăm khách mời trong đó có cả Đệ nhất phu nhân nước Pháp ngắm nhìn lại nhưng di sản mà Alber để lại sau hơn 15 năm ở Lanvin và cả thương hiệu non trẻ AZ Factory chỉ vừa kịp ra mắt 1 BST. 45 nhà thiết kế từ những tên tuổi tượng đài gạo cội như Rei Kawakubo, Giorgio Armani, Dries van Noten cho đến những NTK trẻ như Thebe Magugu đã cùng nhau vinh danh tài năng, tâm hồn, và tình yêu của Alber Elbaz qua những thiết kế trang phục được lấy cảm hứng từ ông.
Nếu bạn hỏi, những thiết kế, ý tưởng nào ở Paris hứa hẹn sẽ mang đến sự thay đổi đáng mong chờ cho thời trang trong tương lai? Đối với tôi, có thể đó là những chiếc túi được làm hoàn toàn bằng da nhân tạo từ nấm được trồng trong phòng lab của Stella McCartney; Hay cũng có thể là những thử nghiệm với phom dáng, cách diễn giải mới của Jonathan Anderson cho Loewe; Hay cách Demna Gvasalia lại tiếp tục thách thức khái niệm thông thường về một show diễn thời trang. Sự kiện thảm đỏ với nhiều ngôi sao xuất hiện được truyền hình trực tiếp chính là sàn catwalk cho những thiết kế mới, để rồi finale là một episode đặc biệt của The Simpsons x Balenciaga.
Hoặc cũng có thể, giải pháp cho tương lai đòi hỏi chúng ta phải đặt câu hỏi một cách thẳng thắn, và đấu tranh một cách quyết liệt hơn nữa, như cách mà những người biểu tình đã bất ngờ xuất hiện ở cuối show diễn Louis Vuitton với những băng rôn và thông điệp không hề mới nhưng vẫn rất đáng suy ngẫm.
Bài: Liên Chi
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE