Thực tập sinh ngành thời trang – công việc không hào nhoáng như là mơ!
Công việc thực tập trong ngành thời trang thường khá chung chung và không hào nhoáng như mọi người vẫn nghĩ. Đa phần, thực tập sinh mới có thể bắt đầu làm từ những nhiệm vụ được giao không liên quan đến thời trang.
Bạn cần chuẩn bị sẵn tâm lý rằng công việc thực tập trong ngành thời trang có thể không hấp dẫn vào những ngày tháng sơ khởi. Hiểu rõ điều đó giúp chúng ta cảm thấy thoải mái với những trải nghiệm trước mắt, cũng như biến khó khăn bạn vượt qua sẽ trở nên có giá trị hơn.
Là một thực tập sinh thời trang, những kinh nghiệm bạn tích lũy được trong lĩnh vực này, cộng với những mối quan hệ xung quanh sẽ đem lại những cơ hội việc làm tốt trong tương lai.
Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể chọn làm việc cho công ty thời trang hoặc trở thành một nhà thiết kế độc lập. Bên cạnh đó, công việc thiết kế tự do (freelance) cũng là một lựa chọn khá được ưa chuộng gần đây. Khi đó, người làm không bị lệ thuộc thời gian hoặc ý kiến cấp trên, mà họ còn có thể tạo ra lượng khách hàng riêng bằng việc thiết kế ra các mẫu mã thời trang và làm theo ý khách hàng.
Ngoài công việc thiết kế, còn có nhiều nghề nghiệp khác mà những người yêu thời trang có thể thử sức, ví dụ: bán hàng thời trang, sản xuất tiếp thị, báo chí thời trang hoặc vị trí khác của doanh nghiệp như trở thành người mua (buyer) toàn bộ lượng sản phẩm cho những trung tâm thương mại lớn hoặc cửa hàng nhỏ.
Đặc quyền của vị trí thực tập sinh trong ngành thời trang
Được tạo ra các thiết kế sơ khởi và tham gia vào quá trình sáng tạo cho đến việc trình làng một sản phẩm hoàn chỉnh.
Tìm hiểu các thông tin chi tiết về quần áo, phụ kiện, giày dép và cách để nắm bắt xu hướng, phong cách mới nhất trong lĩnh vực thời trang.
Tìm hiểu cách chọn và kết hợp mẫu vải, nút và bất kỳ phụ liệu may mặc nào để tạo ra những thiết kế mang tính độc đáo.
Thực tập sinh ngành thời trang thường có cơ hội được tới thăm các nhà máy sản xuất hàng may mặc và xem quy trình hoạt động thực tế.
Tìm hiểu sâu thêm về khía cạnh kinh doanh của ngành thời trang.
Khả năng được hỗ trợ công việc chụp ảnh, viết bài cho tạp chí, tham gia các công tác hậu trường show trình diễn thời trang hoặc lên chiến dịch quảng cáo sản phẩm.
Được tăng cơ hội cọ xát làm việc trong các phòng trưng bày thời trang. Nơi đây thường tập hợp đầy đủ mọi dòng quần áo và phụ kiện thiết kế được bán cho cửa hàng, trung tâm thương mại và trực tuyến.
Lời khuyên quan trọng cho các thực tập sinh ngành thời trang:
Trong thời gian thực tập, không nhiều công ty sẽ trả lương cho bạn.
Sinh viên nên chủ động hỏi thăm các nhà thiết kế, công ty yêu thích của mình để xem có vị trí thực tập nào hiện tại đang trống và cần tuyển hay không.
Phần lớn các công ty thường tập trung ở trung tâm thành phố lớn, thế nên cũng có một vài nhà tuyển dụng sẽ ít xem xét đến ứng viên hiện không sống tại cùng địa bàn.
Nếu bạn không có bất kỳ trải nghiệm hoặc mối liên hệ nào với ngành thời trang, con đường tìm việc tại các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn nhiều hoặc gần như là không thể. Bởi vì, sự cạnh tranh hiện đang ngày càng khốc liệt và đang có nhiều người cố gắng để giành được cơ hội vào ngành công nghiệp lớn nhất nhì này.
Một lưu ý nhỏ nhưng không kém quan trọng: Khi nộp đơn xin thực tập trong ngành thời trang, đừng quên đính kèm hồ sơ năng lực (porfolio), thông tin cá nhân cũng như giấy giới thiệu từ cấp trên, thầy cô chuyên môn hoặc đơn vị có khả năng xác nhận thực lực của bạn.
—
Xem thêm:
Khi bài toán kinh tế ảnh hưởng đến sân chơi sáng tạo của công việc Stylist
Lược dịch: Thùy My
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Thebalancecareers.com
Ảnh: Tổng hợp