Chuyện này nghe còn ngạc nhiên hơn cả một điều kỳ diệu!
Chuyện copy mẫu thiết kế của những hãng thời trang bình dân dường như không còn xa lạ trong giới thời trang ngày nay nói riêng cũng như giới kinh doanh nói chung. Việc vay mượn này được khéo léo ngụy biện bằng những lời giải thích mang tính khiêm tốn như “học hỏi công nghệ từ bậc đàn anh” hay “vô tình trùng ý tưởng do đi theo xu hướng”, nhưng đối với các nhà thiết kế thực thụ thì sao chép là ăn cắp *chấm hết*.
Đó chính là lý do mà Forever 21 (F21) luôn là “bị cáo” hàng đầu của những vụ kiện tụng ăn cắp ý tưởng. Tính từ thời điểm thành lập cho đến nay, công ty này đã hơn 50 lần hầu tòa vì tội danh ăn cắp ý tưởng sáng tạo của các nhà thiết kế và hãng thời trang như: Diane Von Furstenberg, Anna Sui, Feral Childe, Betsey Johnson, Richmond’s Granted… Nhưng không lần nào F21 thua kiện. Chuyện này nghe còn ngạc nhiên hơn cả một điều kỳ diệu!
Năm 2011, hãng thời trang mới lên Feral Childe đã kiện F21 với cáo buộc thương hiệu này đã ăn cắp mẫu hoa văn in trên vải được sáng tạo bởi Alice Wu và Moriah Carlson (đồng sáng lập Feral Childe). Hai nhà thiết kế này cho biết họ nhìn thấy một loạt thiết kế áo của Forever 21 có họa tiết in giống y chang với họa tiết mà tự tay họ sáng tạo ra và đặt tên là “Teepees”. Hai nhà thiết kế đã mất rất nhiều tháng để có thể lên được mẫu hoa văn như trên với họa tiết ẩn đằng sau là hình vương miệng và dây thòng lọng – đây là kỹ thuật thiết kế hoa văn vô cùng khó mà họ học được từ trường lớp.
Mẫu hoa văn in trên vải này đã được Wu – Carlson đăng ký với cục bảo hộ sáng chế của Mỹ thế nhưng nó vẫn ngang nhiên được bày bán trên thị trường bởi F21 chỉ với giá rẻ mạt. “Bất kỳ ai từ Forever 21 phát hiện ra mẫu hoa văn này và quyết định copy nó, chắc chắn đã không nhìn ra được những gì ẩn đằng sau mà chỉ đơn thuần cho rằng đây là hoa văn trừu tượng” – Alice Wu và Moriah Carlson bảo vệ lập luận của họ khi cho rằng rất khó có sự trùng lặp ý tưởng ngẫu nhiên một cách chính xác như thế.
Tuy nhiên, cuối cùng thì Alice Wu và Moriah Carlson cũng không đi tới cái kết mà họ mong muốn. Chỉ là hai nhà thiết kế nhỏ lẻ mới góp mặt ở thị trường, một đội ngũ luật sư hùng hậu của F21 sẵn sàng lôi họ đi xa trong chuỗi ngày dài bất tận lên xuống tòa án để rồi chi trả thêm rất nhiều án phí cho vụ án. Cuối cùng, bài toán kinh tế về lời lãi của các nhà thiết kế nhỏ lẻ đã giúp F21 thoát khỏi kiện tụng.
Không riêng gì Feral Childe, Jeremy Scott cũng từng bị F21 ăn cắp mẫu hoa văn The Simpsons cho hàng loạt bộ trang phục có giá thành chưa quá $40. Kể cả trang phục/phụ kiện được thiết kế bởi Anna Sui, Alexander Wang, Celine, Chloé, Betsey Johnson cũng phải chịu chung số phận bị vay mượn một cách trắng trợn như thế.
Gần đây nhất, một công ty thời trang của Canada – Granted Clothing – cũng khởi kiện Forever 21 khi phát hiện mẫu áo khoác len của họ bị ăn cắp thiết kế gần như 100%. Giá của chiếc áo gốc chính hãng dao động từ $200 tới $350, trong khi hàng nhái của F21 thì lại chỉ $39.90. Khỏi phải nói sự chênh lệch về giá và sự giống nhau đến không thể giống hơn được giữa hai mẫu sản phẩm đã làm cho Granted Clothing tức giận đến mức nào. Vẫn chưa có hồi kết cho vụ kiện này nhưng mà người trong giới chỉ cần nhìn vào lịch sử hơn 50 lần thắng kiện của F21 cũng đủ biết Granted Clothing sẽ phải ngậm ngùi rút đơn ra về.
—
Xem thêm:
“Mục sở thị” đằng sau những chiếc túi Hermès
10 bí ẩn lý giải sự đắt đỏ của thương hiệu đồng hồ Rolex
Bài toán kinh tế & thị phần của thương hiệu Moschino
Nhóm thực hiện
Bài viết: Vân Trang (Tạp chí Phái Đẹp ELLE)