Giải mã khái niệm cửa hàng flagship, concept và pop-up của các thương hiệu thời trang
Cửa hàng flagship, concept và pop-up là những “chiêu bài” kinh doanh đầy sáng tạo của nhiều thương hiệu thời trang đương đại
Bên cạnh những cửa hiệu thông thường, nhiều thương hiệu thời trang sẽ phân phối các thiết kế mới nhất thông qua cửa hàng flagship, concept và pop-up. Dù là tín đồ am tường nhất, phân biệt ba loại hình cửa hàng này cũng là “bài toán” nan giải. Cùng khám phá sự khác biệt của các hình thức bán lẻ đặc biệt này trong thế giới thời trang.
Cửa hàng flagship
Như chính tên gọi, cửa hàng flagship đóng vai trò là bộ mặt gia tăng giá trị thương hiệu cho các nhãn hàng thời trang (flagship là tàu lớn và hiện đại nhất trong hạm đội tàu châu Âu). Không nhắm vào lợi nhuận, mục tiêu của cửa hàng flagship là truyền tải hình ảnh, các giá trị nguyên bản thuộc về di sản của thương hiệu, đồng thời khẳng định đẳng cấp và thu hút sự chú ý.
Chính vì đóng vai trò “vedette”, cửa hàng flagship thường tọa lạc tại những vị trí đắc địa, sở hữu diện tích “khủng”, không gian kiến trúc và thiết kế nội thất vô cùng ấn tượng. Tuy nhiên, không phải tất cả các cửa hàng đáp ứng đầy đủ những điều kiện trên sẽ được tôn là flagship.
Các tín đồ chỉ có thể tìm được cửa hàng flagship tại những thị trường đang và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi nhuận nhất từ các mặt hàng xa xỉ cho hãng thời trang. Với mạng lưới hơn 500 cửa hàng trên khắp thế giới, Burberry chỉ đặt cửa hàng flagship tại một số thành phố như London, New York, Seoul, Barcelona, Sydney, Tokyo… Điều này đồng nghĩa, flagship chỉ xuất hiện ở những thị trường trọng điểm.
Qua bàn tay của những kiến trúc sư lừng danh, cửa hàng flagship sở hữu quy mô hoành tráng và lối kiến trúc sang trọng bậc nhất. Vừa đi vào hoạt động vào tháng 11/2018, flagship với mô phỏng chuỗi ngọc trai khổng lồ của Chanel tại New York là cửa hàng lớn nhất của hãng tại Mỹ.
Trong khi Ralph Lauren mua lại tòa nhà Rhinelander hoa lệ của giới quý tộc để đặt cửa hàng flagship New York thì Prada đầu tư xây dựng hẳn một khối kiến trúc hình học hiện đại ngay giữa lòng Tokyo.
Là một khoản đầu tư “đáng cả gia tài”, cửa hàng flagship đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và duy trì sự trung thành của khách hàng. Nhiều cửa hàng flagship cao cấp còn tích hợp không gian triển lãm nghệ thuật, trình chiếu phim…Tất cả mang đến những trải nghiệm đẳng cấp và góp phần thay đổi tư duy mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng.
Cửa hàng concept
Mua sắm cũng là một nghệ thuật và cửa hàng concept (cửa hàng của ý tưởng) được xem là một trong những khái niệm tiến bộ nhất của nghệ thuật kinh doanh thời trang đương đại. Tại cửa hàng concept, các thiết kế được tuyển chọn dựa trên một ý tưởng thống nhất và bày biện trong không gian tựa như một phòng tranh nghệ thuật. Bước vào cửa hàng, khách hàng sẽ lạc vào thế giới sắp đặt đầy sáng tạo.
Tích hợp giữa thời trang, làm đẹp, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, ẩm thực… giới mộ điệu đến với cửa hàng concept sẽ phải dừng lại để thưởng lãm từng thiết kế cùng những tổ hợp ý tưởng sáng tạo độc đáo. Chính vì vậy, cửa hàng concept đã xóa bỏ quan niệm cửa hàng thời trang chỉ đơn thuần là nơi bán quần áo.
Một trong những tên tuổi góp phần đưa trào lưu cửa hàng concept lên ngôi là Colette Paris khi xây dựng cửa hàng đầu tiên vào năm 2013. Không nằm ngoài xu hướng, nhiều nhà mốt cao cấp bắt đầu khai thác câu chuyện “sáng tạo vị sáng tạo” của cửa hàng concept để tạo nên những không gian phản ánh chính xác tư duy thẩm mỹ và dấu ấn cá nhân.
Cửa hàng pop-up
Nở rộ vào những năm 2000, cửa hàng pop-up đã không còn là một khái niệm quá xa lạ với các tín đồ sành mốt. Khác với những cửa hiệu thông thường, cửa hàng pop-up chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, tại những địa điểm đặc biệt và bất ngờ. Ý tưởng kinh doanh này xuất phát từ việc các nhà bán lẻ muốn tận dụng nhu cầu mua sắm tăng cao dịp Halloween, Giáng Sinh, Valentine…
Mô hình cửa hàng pop-up trở nên phổ biến nhờ thương hiệu thời trang Nhật Bản Comme des Garçon. Sau đó, nhiều “ông lớn” cũng nhanh chóng nhập cuộc, trong đó có Dior, Louis Vuitton, Tommy Hilfiger, Prada, Hermès, Chanel…
Đặc biệt, cửa hàng pop-up có thể được đầu tư “khủng” như flagship hoặc mang dáng dấp của một cửa hàng concept. Chính vì tính tạm thời và chớp nhoáng, những cửa hàng pop-up luôn khiêu khích sự hiếu kỳ của khách hàng. Những người yêu thời trang sẽ luôn trong trạng thái khẩn trương và nhanh chóng đến với cửa hàng trước khi chúng biến mất.
Không chỉ đem đến những trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng, cửa hàng pop-up đồng thời cũng là một hình thức thử nghiệm các chiến dịch marketing mới với ít rủi ro. Không đề cao lợi nhuận, mục tiêu của cửa hàng pop-up là tạo ra hiệu ứng và nâng cao độ nhận diện công chúng.
__
Xem thêm:
Vì sao nhiều thương hiệu thời trang quyết định nói không với lông thú?
Thương hiệu thời trang Thom Browne được bán cho tập đoàn của Ý với giá 500 triệu đô la Mỹ
Bài: Khánh Linh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Gopopup