Vì sao thương hiệu thời trang cao cấp đột ngột tăng giá giữa đại dịch?
Thương hiệu thời trang Chanel cho biết, quyết định tăng giá bán của họ không nhằm cứu vãn tình hình kinh doanh ảm đảm trong thời kì COVID-19. Vậy nguyên nhân thật sự là do đâu?
Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu và làm giảm đáng kể nhu cầu của người tiêu dùng đối với các mặt hàng xa xỉ. Bây giờ có vẻ không phải là thời điểm thích hợp để tăng giá bán trên mặt hàng túi xách đắt tiền. Nhưng đó lại chính xác là những gì mà các thương hiệu thời trang hàng đầu như Chanel và Louis Vuitton đang thực hiện.
Sự tăng giá đầy bất ngờ
Theo báo cáo từ WWD, sau khi hoạt động kinh doanh xa xỉ phẩm hoạt động trở lại tại Trung Quốc, một vài thương hiệu đã quyết định tăng giá, nổi bật trong số đó là nhà mốt Chanel. Hãng này cho hay mức giá sẽ tăng từ 5% đến 17%, chỉ áp dụng cho nhóm túi xách mang tính biểu tượng như 11.12 và 2.55, cũng như dòng túi Boy, Gabrielle và Chanel 19 cùng với một số mặt hàng đồ da nhỏ. Giá túi theo mùa, quần áo may sẵn và giày sẽ không bị ảnh hưởng, tương tự với sản phẩm làm đẹp và nước hoa. Mức tăng giá này sẽ được áp dụng vài ngày tới tại thị trường Trung Quốc và không chỉ giới hạn ở quốc gia này. Khi tin tức này được lan truyền, các cửa hàng Chanel ở Thượng Hải, Hàng Châu, Quảng Châu và Bắc Kinh trở nên quá tải khi khách hàng đổ xô đi mua túi xách trước khi việc tăng giá có hiệu lực.
Chanel không phải là thương hiệu thời trang duy nhất thực hiện việc tăng giá ở đất nước tỷ dân; Louis Vuitton đã tăng 3% trong tháng 3 và thêm 5% vào tháng 5. Thương hiệu Pháp cũng đã cố gắng giảm thiểu chênh lệch giá. Tháng 4 năm ngoái, khi chính phủ Trung Quốc hạ thuế VAT đối với hàng hóa xa xỉ từ 16% xuống 13%, hãng này đã phản ứng bằng cách hạ giá 3% tại Trung Quốc.
Nguyên nhân có phải xuất phát từ đại dịch?
Đứng trước thắc mắc của công chúng và báo giới, Chanel đã trình bày trường hợp tăng giá của họ một cách trực tiếp và hợp lý. Việc tăng giá không phải là nỗ lực nhằm lấy lại phần nào doanh thu đã thất thoát do ảnh hưởng của dịch bệnh. Động thái này là một phần của chiến lược tái thẩm định mức giá hiện tại, hoàn toàn không liên quan các ảnh hưởng của COVID-19 đến ngành thời trang. Các thương hiệu thường điều chỉnh giá hai lần mỗi năm để đáp ứng với các điều kiện thị trường khác nhau, bao gồm cả việc chi phí sản xuất và giá nguyên liệu thô tăng liên tục, cũng như các biến động trong tỷ giá hối đoái.
Về cách thức xác định mức tăng cụ thể, Chanel phát biểu rằng giá thành của mỗi sản phẩm bao gồm trong đó tính độc nhất, giá trị thương hiệu, giá trị về chuyên môn và kĩ thuật chế tác của Pháp. Mức giá cao là một cam kết về chất lượng sản xuất cũng như xuất xứ của nguồn nguyên liệu thô. Đây là biện pháp cần thiết để thương hiệu tiếp tục đầu tư và duy trì các tiêu chuẩn cốt lõi của quá trình sáng tạo thủ công.
Nhiều thương hiệu xa xỉ khác cũng đang nỗ lực về mặt tài chính để đảm bảo việc cung cấp da chất lượng cao, bằng cách đầu tư vào chuỗi cung ứng và mua lại các nhà cung cấp. Những khoản đầu tư này rất quan trọng để đảm bảo tuổi thọ của các sản phẩm mang tính biểu tượng và để giữ cho chúng luôn đạt tiêu chuẩn mà khách hàng mong đợi.
Vì sao các nhà mốt lớn này lại chọn Trung Quốc là đất nước mở đầu cho chuỗi tăng giá? Đầu tiên là ở sức tiêu thụ. Người tiêu dùng Trung Quốc đã thúc đẩy 90% tăng trưởng của ngành hàng xa xỉ toàn cầu vào năm ngoái. Trong kết quả quý đầu tiên, chủ sở hữu của Louis Vuitton – LVMH đã báo cáo doanh số bán hàng tại đại lục tăng mạnh, bắt đầu từ giữa tháng 3 khi các cửa hàng ở nước này bắt đầu mở lại. Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc chỉ mua một phần ba số hàng cao cấp tại quê nhà, còn lại là từ những chuyến du lịch nước ngoài. Vì vậy, với doanh số bán hàng ở nước ngoài ở mức 0 do hạn chế đi lại, doanh số tại đại lục sẽ phải tăng gấp đôi hoặc gấp ba để bù cho doanh thu bị mất.
Tóm lại, việc tăng giá không chỉ giúp các thương hiệu thời trang đảm bảo được chất lượng và giá trị của sản phẩm mà còn là biện pháp thích ứng với các biến động của thị trường và nền kinh tế. Sau khi gặt hái được các thành công bước đầu ở thị trường đại lục, các “ông lớn” sẽ tiếp tục thực hiện việc tăng giá ở các quốc gia khác.
Tổng hợp: Khánh Thy
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: WWD, BOF