Thời trang / Thế giới thời trang

Các thương hiệu thời trang và màn “chuyển mình” tích cực hậu COVID-19

Không tỏ ra bi quan trước tình hình đại dịch, nhiều thương hiệu thời trang tận dụng cơ hội này mang lại những thay đổi đột phá hơn.

Tuy gây ra những tổn thất nặng nề, giai đoạn khủng hoảng gây nên bởi dịch COVID-19 cũng tiềm tàng không ít cơ hội giúp các thương hiệu thời trang thay đổi cách vận hành, lan truyền năng lượng tích cực và hy vọng về tương lai tươi sáng đến người hâm mộ. Những vấn đề xoay quanh môi trường, mối quan hệ với khách hàng và hình thức trình diễn mới mẻ là những ưu tiên hàng đầu của nhiều thương hiệu trong tình hình hiện tại.

kaia gerber chụp hình cho thương hiệu thời trang loewe bởi fumiko imano
Kaia Gerber xuất hiện trong bộ ảnh Xuân – Hè 2020 của Loewe. (Ảnh: Fumiko Imano)

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến ngành thời trang

Dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc và lan rộng khắp thế giới đã gây nên nhiều mất mát và trì trệ trong sản xuất cũng như tiêu dùng thời trang. Theo báo cáo tài chính của tập đoàn LVMH, doanh thu của quý I/2020 giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lịch trình cho những sự kiện văn hóa như nhạc hội Coachella, Met Gala, Tuần lễ thời trang… bị dời hoặc hoãn không thời hạn. Hàng loạt các cửa thời trang từ H&M đến Chanel đã tạm đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của virus đồng thời cắt giảm chi phí hoạt động. Có thể nói, thời trang là một trong những ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất trong đại dịch COVID-19.

Lady Gaga tại thảm đỏ Met Gala 2019 thương hiệu thời trang Brandon Maxwell
Lady Gaga trên thảm đỏ Met Gala 2019. (Ảnh: The New York Times)

Hướng đi mới của các thương hiệu thời trang

Xanh hơn, tiết kiệm hơn

Trong khi ngày càng nhiều khách hàng để tâm đến sản phẩm thân thiện với môi trường, các thương hiệu thời trang cũng đang dần thay đổi theo hướng bền vững và tiết kiệm. Một số câu hỏi như: Có nên giảm số lượng buổi trình diễn? Có nên tận dụng BST cơ bản (capsule collection) thay cho việc ra mắt BST mới qua mỗi mùa?… đang được nhiều thương hiệu dành thời gian cân nhắc.

thương hiệu thời trang bst gucci resort 2021 epilogue
BST Gucci Resort 2021 mang tên “Epilogue” được trình chiếu online với thời lượng kéo dài 12 tiếng. (Ảnh: Gucci)

Saint Laurent và Gucci đã đưa ra thông báo tái cấu trúc lịch trình diễn, rút gọn số lượng BST thời trang được ra mắt mỗi năm. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của giới mộ điệu, với nhiều ý kiến cho rằng hai thương hiệu từ tập đoàn Kering sẽ có thể chủ động hơn trong thời gian và hình thức trình diễn. Tận dụng vải thừa, tái chế rác thải biển là một số phương án được Prada, Re/Done, Germanier… áp dụng.

Số hóa các hoạt động thời trang

Việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp là một động lực giúp các NTK phá vỡ giới hạn của hình thức trình diễn truyền thống. Định dạng hình ảnh, video, triển lãm trực tuyến cũng như phát sóng trực tiếp (live stream) trên mạng xã hội được nhiều thương hiệu tận dụng để đưa thiết kế mới đến gần hơn với người hâm mộ. Paris Haute Couture Thu – Đông 2020 đánh dấu Tuần lễ thời trang cao cấp đầu tiên được tổ chức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

phim ngắn thương hiệu thời trang dior haute couture thu đông 2021 cảnh hồ nước
BST Dior Haute Couture 2020 được công chiếu trên YouTube dưới dạng phim ngắn. (Ảnh: Dior)

Không chỉ dừng lại ở việc ra mắt BST mới, hoạt động kinh doanh của nhiều thương hiệu cũng đang được dần “số hóa”. Tuy đóng cửa gần 1.200 cửa hàng, Zara không sa thải nhân viên mà đào tạo, di chuyển nhân lực sang khâu kinh doanh trực tuyến. Inditex – công ty mẹ của Zara, Massimo Dutti, Pull&Bear… có kế hoạch đầu tư gần 3 tỷ USD vào hoạt động mua bán online. Để khách hàng có thể trải nghiệm quy trình mua hàng một cách tiện lợi nhất, những thương hiệu này sẽ nâng cấp ứng dụng điện thoại, phát triển chức năng định vị sản phẩm tại cửa hàng…

cô gái thanh toán bằng thẻ tín dụng khi mua sắm online tại nhà
(Ảnh: Pexels)

Gắn bó hơn với người dùng

Trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu, đa số các thương hiệu thời trang đều nhận ra tầm quan trọng của việc giao tiếp thường xuyên, thẳng thắn với khách hàng. Một số doanh nghiệp khuyến khích, thuyết phục người dùng mua sắm online, đồng thời gửi đi những cập nhật về tình hình sức khỏe của công nhân tại xưởng may. Nhà bán lẻ Etam đã thay đổi chính sách khách hàng mới, cho phép kéo dài thời hạn đổi trả hàng hóa. Trong khi đó, Zara và H&M cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí cho những đơn hàng online.

trong dịch covid-19 khách hàng được kiểm tra thân nhiêt trước khi vào cửa hàng hermes
(Ảnh: Reuters)

Dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành thời trang toàn cầu nhưng cũng đem đến nhiều cơ hội mới, thúc đẩy sự phát triển của hoạt động kinh doanh trực tuyến. Khi toàn xã hội bước sang giai đoạn “bình thường mới”, những thương hiệu sẵn sàng thay đổi sẽ nắm trong tay quyền chủ động, linh hoạt hơn khi tiếp cận khách hàng.

Đại sứ Tổ chức Môi trường Liên Hiệp Quốc, Elle L. cho rằng: “Thời trang là sự hòa trộn giữa nghệ thuật và tính ứng dụng. Ngành thời trang có khả năng và trách nhiệm tạo nên một môi trường mới sau đại dịch, giúp cộng đồng người dùng gắn bó, mạnh mẽ và đẹp đẽ hơn”.

Nhóm thực hiện

Bài viết: Bảo Châu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE  
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)