Farfetch, trang bán hàng online, đã đưa vào điều khoản quy định trong tháng 5/2018 sẽ không bán sản phẩm lông thú kể từ cuối năm nay. Trong vòng 18 tháng, Yoox Net-a-Porter cùng các thương hiệu thời trang như Gucci, Michael Kors, Versace, Furla, Burberry, DVF và mới nhất là Coach đều đưa ra tuyên bố nói không với thời trang lông thú. Tuần lễ thời trang London 2019 cũng là tuần lễ đầu tiên không xuất hiện lông thú trên sàn diễn.
Sự xoay vần của thời trang lông thú
Thập niên 1980, lông thú gắn liền với sự hào nhoáng xa xỉ. Ngành thương mại lông thú được định giá 40 tỷ đô la Mỹ một năm. Hiện nay, lông thú ảnh hưởng đến hình ảnh và doanh thu của nhiều hãng lớn. Gucci có thể mất đi hàng triệu đô la doanh thu từ những đôi giày loafer đính lông khi nói không với thời trang lông thú, nhưng lợi ích hình ảnh hãng nhận được sẽ lớn hơn thế.
Năm 1994, siêu mẫu Naomi Campbell và Christy Turlington tham gia chiến dịch của PETA tuyên truyền về việc không sử dụng lông thú. Ralph Lauren, Tommy Hilfiger, Selfridges đã nói không với thời trang lông thú từ giữa những năm 2000, tiếp đó là Hugo Boss vào năm 2015 và Armani vào năm 2016. Tháng 10/2017, Gucci cũng tuyên bố gia nhập làn sóng của các thương hiệu thời trang lớn.
Điều đặc biệt, chiến dịch của các nhà hoạt động vì động vật thường hướng tới các hãng lớn nhằm gây sự chú. Tháng 7/2017, 20 nhà hoạt động xã hội đã can thiệp buổi nói chuyện của Michael Kors. Tháng 9/2017, 250 nhà hoạt động đã ngăn chặn Tuần lễ thời trang London. Cả Michael Kors và Burberry sau đó đều nói không với thời trang lông thú.
Nhiều thương hiệu thời trang đã nhìn thấy được hiệu quả truyền thông của việc không sử dụng lông thú và muốn định vị thương hiệu như người đi tiên phong trong thời trang bền vững qua việc sử dụng sản phẩm thay thế. Khi các hãng quyết định nói không với lông thú, ngành công nghiệp sản xuất lông thú cũng chịu không ít tác động.
Sự đấu tranh của ngành sản xuất lông thú
Theo nhiều nhà hoạt động xã hội vì lợi ích động vật, thời trang lông thú là thiếu nhân đạo. Tuy nhiên, ngành sản xuất lông thú cũng có những phản biện rằng việc sản xuất lông thú là tự nhiên, có thể tái sử dụng và mang tính bền vững. Việc sản xuất lông thú không làm suy giảm số lượng hay môi trường sống của động vật hoang dã. Mục đích của ngành là hướng tới duy trì cân bằng tự nhiên lâu dài.
CEO của Hiệp hội Thương mại Lông thú Quốc tế đã khẳng định lông thú được sản xuất tự nhiên và ngành công nghiệp độc hại nhất là sản xuất kim loại. Lông thú có độ bền cao, có thể giữ được hàng chục thập kỷ và truyền lại nhiều thế hệ từ bà cho mẹ và con cái.
Dù còn nhiều tranh cãi về việc sử dụng lông thú là hành động ngược đãi động vật, các hãng thời trang vẫn thấy đây là chủ đề nhạy cảm. Hơn nữa, người tiêu dùng dễ dàng tác động bởi truyền thông trước các yếu tố xã hội và môi trường.
Vì sao các thương hiệu thời trang nói không với lông thú?
Nhiều thương hiệu quyết định nói không với lông thú từ áp lực của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội. Các tổ chức hoạt động nhân danh vì quyền lợi động vật đã sử dụng mạng xã hội để kêu gọi khách hàng quay lưng với thời trang lông thú.
Trước khi thông báo chính sách không bán các sản phẩm lông thú, Yoox Net-a-Porter đã đặt câu hỏi khảo sát 24000 khách hàng và nhận được kết quả: 72% khẳng định yếu tố xã hội hay môi trường đã tác động đến quyết định mua hàng của họ trong vài thời điểm, 58% nói rằng thông tin về tính bền vững của sản phẩm ảnh hưởng đến khả năng mua hàng của họ.
Các thương hiệu thời trang muốn đi đầu trong việc tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và theo đuổi thời trang bền vững để kết nối với các khách hàng tiềm năng. Trên thực tế, định nghĩa về sự sang trọng trong tư duy khách hàng đã có nhiều thay đổi. Việc sử dụng lông thú không còn đồng nghĩa với đẳng cấp xã hội.
Thu nhận lợi ích lớn về hình ảnh, Gucci, Michael Kors, Burberry và nhiều hãng khác cũng không phải đánh đổi quá nhiều về mặt doanh số. Các sản phẩm chứa lông thú đóng góp 12 triệu đô-la Mỹ, ít hơn 0,2% doanh thu của hãng. Coach cũng thừa nhận thị phần thời trang lông thú chiếm rất nhỏ trong danh mục sản phẩm của hãng. Thế nhưng, hiệu quả marketing khi tuyên bố nói không với lông thú là rất lớn. Một số hãng vẫn còn sử dụng lông thú cũng nhận thức được xu hướng này, và sự xuất hiện của lông thú trong BST Fendi Xuân 2019 ít rõ rệt hơn các mùa trước.
BÀI LIÊN QUAN
Thời trang bền vững thúc đẩy quá trình sáng tạo
Chủ tịch DVF, Diane von Furstenberg, chia sẻ trong buổi họp báo của DVF khi hãng tuyên bố nói không với lông thú: “Tôi rất hào hứng với việc công nghệ có thể giúp chúng ta cảm thấy kiêu kỳ ngay cả với lông nhân tạo”. Việc nói không với lông thú thúc đẩy nghiên cứu và sử dụng vật liệu thay thế trong thời trang, không chỉ lông thú mà còn nhựa và kim loại độc hại.
Công nghệ đi cùng thời trang bền vững là những câu chuyện dự đoán sẽ được chứng kiến trong thời trang sắp tới. Tuy nhiên, tại thời điểm trước mắt, việc nói không với lông thú giúp các thương hiệu thời trang thu được lợi ích tức thì về mặt hình ảnh.
—
Xem thêm:
Tương lai nào cho thời trang lông thú: biến mất hay vẫn giữ vị trí độc tôn ?
NTK Vũ Thảo: Chất liệu bền vững không phải là bùa hộ mệnh
Nhóm thực hiện
Tổng hợp: Nguyễn Thảo Trang Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tổng hợp: The Business of Fashion, The Guardian Ảnh: Tổng hợp