Thời trang / Thế giới thời trang

Thuy Design House 10 năm trong 1 triển lãm: Mộng Bình Thường và những điều nhìn lại

NTK Thuỷ Nguyễn trong những chia sẻ về cách sáng tạo, cách thực hành, cách nuôi dưỡng cảm xúc thông qua các BST thời trang và đặc biệt là triểm lãm Mộng Bình Thường.

Năm 2021 đánh dấu hành trình thời trang 10 năm của NTK Thuỷ Nguyễn và thương hiệu Thuy Design House. Chặng đường đáng nhớ của cá nhân Thuỷ và cộng sự nhìn rộng ra cũng là một giai đoạn đầy biến động của thời trang Việt Nam. Có nhiều phương thức làm thời trang mới đã diễn ra tạo nên diện mạo phát triển tiệm cận với thế giới hơn. Dù còn nhiều việc phải làm, nhiều cá nhân và cách thức sáng tạo mới đáng mong chờ; thì ngay thời điểm này có một khía cạnh thú vị khác để chiêm nghiệm với đa chiều cảm xúc.

NTK Thuỷ Nguyễn
NTK Thuỷ Nguyễn

Đó là triển lãm thời trang, góc nhìn của sự tổng kết với các lớp sáng tạo xếp đặt lên nhau một cách logic và đẹp đẽ. Công chúng thời trang Việt Nam đã vui mừng, phấn chấn trong mấy năm qua khi các NTK của chúng ta tích luỹ đủ để nhìn thời trang bằng các góc cạnh khác. NTK Công Trí có triểm lãm thời trang đầu tiên, mở ra chân trời sáng láng, thúc đẩy những luồng tư duy mới mẻ và quyết liệt. Rồi Thuỷ Nguyễn như một việc tất yếu sẽ làm, tất yếu nảy sinh, triển lãm thời trang của một hoạ sĩ dấn thân trong thời trang thực sự cần được xảy ra. Và khi điều đó xảy ra, chúng ta hào hứng, ta hấp thụ theo những cách riêng. Nhưng điều đọng lại với dư vị ngọt nhất có lẽ là lịch sử của các NTK, của các thương hiệu càng dày, càng chín thì càng có những nét vẽ sắc sảo, sâu lắng hơn cho lịch sử thời trang Việt Nam nói chung.

Bạn đã đến triển lãm Mộng Bình Thường của Thuy Design House. Bạn chưa đến Mộng Bình Thường nhưng xem và đọc qua báo chí, mạng xã hội. Bạn chưa đến chưa xem nhưng bạn nghe phong phanh ai đó nói về… Dù sao, tất cả đã diễn ra từ tháng 11/ 2020 đến tháng 2/ 2021 tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory. Một vài con số được tổng kết cho thấy độ thấm của sự kiện này vào lòng công chúng:

  • Hơn 6 nghìn lượt người ghé thăm triểm lãm.
  • Trong đó 28% người xem là sinh viên, 60% công chúng nói chung, 8% khách người nước ngoài.
  • Tỷ lệ người đến xem ở 2 tuần đầu đạt gần 40%.
  • 47% người xem đánh giá xuất sắc cho triển lãm.

(Nguồn số liệu: The Factory)

Thuy Design House Mộng Bình Thường
Triển lãm Mộng Bình Thường của Thuy Design House.

Trong tâm thế nhìn lại hành trình 10 năm thời trang và nhìn lại quá trình thực hiện triển lãm Mộng Bình Thường, nói về con đường dài mà chắc chắn còn bước tiếp thật lâu thì biết bao nhiêu cho đủ. Ngày hôm nay xin Thuỷ chia sẻ sâu hơn về những cảm xúc đặc biệt và những bài học quý nhất.

ELLE: Triển lãm thời trang Mộng Bình Thường đã diễn ra vào năm 2020. Đó là một điểm hẹn thời trang mà chị giới thiệu lại quá trình thực hành trong một thập kỷ. Tại sao chị chọn làm triển lãm thay vì một show tổng kết đáng nhớ?

NTK THUỶ NGUYỄN: Sau 9 năm thực hành thời trang, từng bộ sưu tập đều là một đứa con tinh thần vô giá. Xuất phát việc mình là một nghệ sĩ và hoạ sĩ, mình muốn mọi người được nhìn ngắm các tác phẩm bằng nhiều góc nhìn khác nhau, được nghiền ngẫm, được suy tư. Chứ không phải chỉ là một vài phút ngắn ngủi trên sàn diễn. Tôi và đội ngũ đã ngồi lại rất lâu để dung hoà mọi cảm xúc và thẩm mỹ,tạo thành một dòng chảy chung xuyên suốt, không khoa trương mỹ miều nhưng vẫn đầy đủ những cảm xúc và thông tin mà khán giả quan tâm, cần biết và đủ để biết.

Thuỷ Nguyễn triển lãm Mộng Bình Thường

ELLE: Những cảm xúc nào, những điều gì mà chị nhớ nhất về thời gian Mộng Bình Thường diễn ra?

Kỉ niệm đáng quý nhất là quá trình tự đấu tranh và tìm hiểu: quyết định mình có làm hay không? Đã làm thì làm thế nào để “thời trang” nhất, “rung động” nhất? Đó là một hành trình đi tìm và lắng nghe từ đồng nghiệp và khán giả. Nếu mình đưa ra tác phẩm và chỉ đến từ phía mình, là tác giả, mà không có sự phản biện của khán giả thì sẽ không công bằng. Chúng tôi đã có rất nhiều những phân tích đánh giá thật khách quan, trung thực, cầu thị những lời khen chê, phê phán của mọi người. Mỗi ý kiến đều là một bài học sâu sắc về định hướng phát triển, về phương thức sáng tạo, về thái độ lao động nghệ thuật, về kỹ năng sống với nghệ thuật thời trang, về tri thức đang thiếu hụt…

Các bạn bè thân thiết của tôi đã xem các bộ sưu tập của Thuy Design House trên sàn diễn, nhưng khi đến với Mộng Bình thường thì vẫn rất ngạc nhiên với ngôn ngữ của tác phẩm lớn này. Vẫn là thiết kế ấy nhưng được kể bằng một các khác và được hiểu theo một ý nghĩa khác, đã mang lại những trải nghiệm rất mới.

Gian phòng "Đong đầy Ký ức"
Khung cảnh gian phòng “Đong đầy ký ức” tại triển lãm Mộng Bình Thường.

Và kỉ niệm vui nhất là những người bạn thân thiết, gần gũi nhất với tôi cũng chưa từng biết tới cách suy luận, cách bày tỏ và cách sáng tạo mà tôi đã kể qua gian phòng “Đong đầy ký ức”. Ở đó họ đã tìm được câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi “vì sao” về Thuy Design House, và về Thuỷ Nguyễn.

ELLE: Điều chị thấy tâm đắc nhất sau triển lãm thời trang đầu tiên của mình là gì?

Đólà nhìn thời trang bằng cách khác: chúng ta được gần, được cảm nhận và trải nghiệm những cảm xúc trong từng sản phẩm, qua từng bộ sưu tập. Thay vì chỉ nhìn, ngắm chớp nhoáng trên sàn runway, tôi muốn đưa khán giả hiểu được những ý tưởng của Thuy Design House tới từ đâu, cách nghệ thuật đa dạng đã đi sâu vào mọi ngõ ngách biểu đạt của cảm xúc. Trong triển lãm, tôi có cơ hội để nói nhiều hơn về ý tưởng, điểm nổi bật, quá trình thực hiện, từ đó tạo nên sự liên kết, giúp người xem cảm nhận cụ thể hơn về các sáng tạo của mình.

Show diễn Viên Mãn Thuy Design House
Khoảnh khắc kết màn tại show diễn Viên Mãn của Thuy Design House.

Phục hưng giá trị truyền thống thông qua ngôn ngữ của thời trang hiện đại: Với tôi, bản sắc giống như kỷ niệm ngày xưa, chúng ta từng trải qua mà chính mình đã quên. Do đó, việc làm của tôi là biến những điều ấy trở nên đương đại hơn, gợi nhớ về thứ từng xảy ra. Những tác phẩm, thiết kế dựa trên các câu chuyện và con người Việt Nam giúp chúng ta có thể giữ gìn, bảo quản di sản lịch sử mang tính truyền thống.

Helly Tống Thuy Design House
Helly Tống trong thiết kế đến từ BST Mộng Mị của Thuỷ Nguyễn.

Thông qua Mộng Bình thường, tôi có kỳ vọng các đồng nghiệp của mình sẽ tham gia nhiều show thời trang quốc tế, cùng nhau học hỏi, trao đổi và quảng bá về vẻ đẹp Việt Nam. Mang những chất liệu đặc trưng Việt như gấm, lụa… được thể hiện trên phong cách truyền thống như áo dài, áo yếm cần có chỗ đứng xứng đáng trong làng thời trang thế giới.

ELLE: Theo chị, giá trị của một triển lãm, cũng như văn hoá xem triển lãm, góp phần như thế nào đến việc nâng cao đời sống tinh thần?

Nghệ thuật chung quy là cách mà chúng ta biểu thị suy tưởng, cảm xúc và những quan sát chắt lọc về thế giới xung quanh. Nếu tác phẩm chỉ nằm trong xưởng thực hành của nghệ sĩ thì công chúng sẽ khó tiếp cận được, và vì thế, từ rất lâu các triển lãm được tổ chức để mang nghệ thuật lại gần hơn với công chúng. Triễn lãm nghệ thuật giới thiệu nhãn quan độc đáo của các nghệ sĩ, là nơi khán giả có thể va chạm vào những câu chuyện bất ngờ, những quan sát nhỏ nhặt nhưng lại đánh động tới các giác quan, là nơi khán giả có thể ‘thoát’ khỏi nhịp sống bận rộn của ngày thường. Triển lãm không chỉ mở ra không gian thưởng lãm ‘cái đẹp’ cho công chúng mà còn là một nơi có khả năng mở ra các đối thoại, thảo luận, chất vấn không chỉ về quan niệm thẩm mỹ mà còn về các khía cạnh khác nhau của đời sống. Khác với các không gian đối thoại sử dụng ngôn từ làm công cụ biểu thị trọng yếu, triển lãm nghệ thuật mở ra khả năng đối thoại nội tại thông qua các giác quan phi ngôn ngữ – là cây cầu để chúng ta hiểu chính bản thân mình hơn.

Kathy Uyên Áo dài
Nữ diễn viên Kathy Duyên trong chiếc áo dài thuộc BST Cô Ba Sài Gòn.
Linh Nga BST Lúng Liếng
Nàng thơ làng múa Linh Nga cùng thiết kế trong BST Lúng Liếng.

ELLE: Với cương vị là một người nghệ sĩ có nhiều thể nghiệm qua các “chất liệu” khác nhau trong nghệ thuật (hội hoạ, sắp đặt, thời trang, phim ảnh, …), chị có thể chia sẻ thêm về việc sử dụng đa chất liệu để diễn tả được tính “Việt Nam”?

Tôi tin rằng, cái hồn Việt Nam đã luôn ở sẵn trong con người chúng ta mà không cần phải gồng mình diễn tả. Cứ làm đúng cái mình suy nghĩ, trăn trở, muốn phát triển, dù thực hành trên ”chất liệu” nào của nghệ thuật tự nó sẽ ra tính Việt Nam. Chất liệu chỉ là ngôn ngữ khác nhau để nói ra được ý tưởng của mình và chất liệu nào hay, đẹp và đúng thời điểm thì mình làm, không màng tới nó là gì.

Áo dài gấm Huỳnh Nữ Thuy Design House

Cũng cần lưu ý không phải cứ làm lại y chang với những gì cha ông để lại là xong, đó là phục dựng. Trải qua 10 năm làm nghề, cách tôi nhìn nhận truyền thống cũng giống như cách tôi nhìn những chủ thể khác để đưa vào tác phẩm. Mình không tham lam, vội vàng, mà bóc tách từng chi tiết: màu sắc nào, hoa văn nào… và phối trộn với sự sáng tạo của mình. Nhiều chi tiết nho nhỏ sẽ làm nên một tác phẩm Việt Nam đương đại, cổ nhưng không cũ.

Nhận định của cô Zoe – Người phụ trách The Factory về việc làm triển lãm thời trang lần đầu tiên tại The Factory:

“Bản chất của nghệ thuật đương đại là sự đa dạng, không bị bó hẹp trong một hình thái hiện hữu cụ thể của tác phẩm. Do đó, việc The Factory thực hiện triển lãm thời trang cũng không nằm ngoài mục đích nhấn mạnh sự cam kết của chúng tôi đối với các thực hành nghệ thuật liên ngành. Nghệ thuật thị giác phản ánh mọi góc cạnh của đời sống sinh hoạt, sản xuất ngày hôm nay. Bên cạnh đó, Dolla S. Merrilless – giám tuyển của triển lãm này cũng mong muốn triển lãm được tổ chức tại The Factory bởi không gian dị biệt của nơi đây. Cô ấy cho rằng đường nét đặc thù trong kiến trúc của trung tâm sẽ mang lại lợi ích, cảm hứng thú vị cho quá trình thiết kế triển lãm. Và cũng bởi Dolla là người giám tuyển chịu trách nhiệm lên ý tưởng trưng bày, lựa chọn phục trang, viết bài giới thiệu nên chúng tôi đảm đương các công việc của một người “chủ nhà” – hỗ trợ cho Dolla cùng đội ngũ của Thuy Design House. Có lẽ, một nét khác biệt trong việc tổ chức triển lãm nghệ thuật đó là việc ‘dìm’ không gian để tập trung vào tác phẩm hoặc dùng tác phẩm đối thoại trực tiếp với không gian để hai yếu tố cộng hưởng thẩm mỹ, đồng thời tạo thêm lớp nghĩa cho tác phẩm. Đối với triển lãm thời trang, việc tạo bối cảnh cho các trang phục kể câu chuyện có phần quan trọng hơn. Bối cảnh được thiết kế, dàn dựng kĩ lưỡng để tiệp với trang phục, làm rõ ý đồ của bộ sưu tập hoặc một mạch ý tưởng trong thiết kế.” 

Thanh Hằng Tình Tang Thuy Design House
Siêu mẫu Thanh Hằng trong thiết kế rực rỡ sắc màu từ BST Tình Tang
Trương Thị May Thuy Design House
Á hậu Trương Thị May nữ tính trong thiết kế lấy cảm hứng từ chiếc yếm Việt Nam của Thuỷ Nguyễn.
Phí Phương Anh BST Mỵ Châu Thuy Design House
Phí Phương Anh ma mị trong tà áo dài hồng thuộc BST Mỵ Châu.

Nhóm thực hiện

Hình ảnh: Thuy Design House Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)