Tiêu điểm thời trang Xuân – Hè 2022: Hy vọng mới trong hoài niệm cũ
Như một chuyến du hành vượt thời gian, thông qua BST Xuân – Hè 2022, các NTK đã đưa chúng ta trở về nhiều chặng dừng chân trong các thập kỷ thời trang một thời vang bóng.
Xuân – Hè 2022 là tuần lễ thời trang của nhiều cảm xúc và khoảnh khắc đáng nhớ, đánh dấu sự trở lại với sàn diễn thực thụ sau một năm rối bời vì dịch bệnh. Khi tất cả chỉ mới manh nha trở lại “bình thường mới” một cách dè dặt thì tương lai vẫn chưa thực sự khả quan. Vậy thì thay vì hòa cùng tâm lý vô định lo âu về tương lai, ngành thời trang chọn cách tìm về khoảnh khắc đẹp của những thập niên trước để bước vào 2022 một cách lạc quan.
Lăng kính màu hồng Y2K
Xu hướng lớn đầu tiên của Xuân – Hè 2022 chính là Y2K vốn đã thống lĩnh từ mùa Thu – Đông. Sự trở lại hoành tráng của thời trang những năm 2000 được lý giải bởi trào lưu thời trang của Gen Z trên mạng xã hội TikTok. Tông màu pastel, đặc biệt là màu hồng Barbie đáng yêu, mô-típ bướm trên phụ kiện lẫn filter video, hiệu ứng lấp lánh của những viên đá pha lê dán lung linh lấp lánh và đặc biệt lối ăn mặc ôm sát, ít vải gợi cảm.
Những năm 2000 là thời hoàng kim của các thương hiệu Ý như Versace, Roberto Cavalli và Dolce & Gabbana với phong cách Eurotrash khiêu gợi. Đó cũng là “thời” của Paris Hilton, một biểu tượng thời trang đã tác động mạnh mẽ đến thói quen sinh hoạt của chúng ta ngày nay (Đúng thế, Paris là người khai sinh ra thú vui “selfie tự sướng”). Các bộ phim như Mean Girls, Clueless cũng tạo nên những khoảnh khắc thời trang kinh điển đầy cảm hứng cho đến tận hôm nay.
Dấu ấn Y2K của Versace được thể hiện rõ nét trong BST Fendace cộng tác với Fendi. Khó quên nhất là những chiếc đầm cocktail gợi cảm bằng lưới kim loại gắn liền với hình ảnh của Paris Hilton từng tốn không biết bao giấy mực của báo giới năm nào. Hình ảnh nhân vật Hannah Montana làm nên tiếng tăm đầu đời của Miley Cyrus cũng xuất hiện trong BST với quần ống loe, váy ngắn và tóc vàng hoe mái ngang.
Nói đến thời trang Y2K là phải nói đến sự sexy vô đối qua trang phục lộ nhiều da thịt cùng họa tiết động vật và ren. Dolce & Gabbana đã remix BST Xuân-Hè năm 2005 trứ danh nhưng kịch tính hơn với gam màu đá quý, chi tiết đính kết lấp lánh phủ đầy trang phục và tối đa hình khối ở những chiếc tay áo. Tại Roberto Cavalli lại là sự đổ bộ choáng ngợp của họa tiết động vật hoang dã, trong đó có họa tiết mặt hổ tái hiện lại một thiết kế kinh điển của người sáng lập. Missoni và Blumarine cùng kết hợp những bộ bikini chỉ vừa đủ để che những phần cần che với chân váy mini, quần shorts siêu ngắn và quần dài quết đất. Bất ngờ nhất là Miu Miu xuất hiện táo bạo với chân váy cạp trễ và áo crop top siêu ngắn.
Trong mảng phụ kiện, hai thương hiệu theo phong cách Y2K đang được ưa chuộng nhất phải kể đến BY FAR và tân binh forBitches với dáng túi kẹp nách được các nàng It-Girl như Kendall Jenner, Hailey Bieber, Bella Hadid nhiệt tình lăng xê. Nếu BY FAR hướng đến sự đơn giản phi thời gian thì forBitches lại mang nét tinh nghịch và phá cách với thiết kế như đồ chơi búp bê, rất thời thượng khi xuất hiện trên Instagram hay TikTok.
“Bóng ma” của Helmut Lang
Vào những năm 90, Helmut Lang là một biểu tượng và niềm tự hào của thời trang New York, thậm chí đến thời điểm hiện tại sức ảnh hưởng của ông vẫn không hề nguôi ngoai. Những thiết kế tuy đơn giản nhưng mang tính ứng dụng cao vẫn là nguồn cảm hứng cho các NTK trẻ lẫn gạo cội. Ta có thể thấy rõ dấu ấn của Helmut Lang ở BST của Peter Do và Eckhaus Latta tại New York Fashion Week.
Được biết đến với sự biến hóa của những chiếc áo thun ba lỗ, những đường khoét xẻ táo bạo và cách phối hợp chất liệu trong suốt, sự cám dỗ xác thịt của Helmut Lang được Eckhaus Latta khai thác triệt để và có phần táo bạo hơn hẳn. Cặp đôi Mike Eckhaus và Zoe Latta không ngần ngại để lộ những đường cong mềm mại rất phụ nữ qua chất liệu xuyên thấu, phom dáng bó sát lẫn vẻ rắn rỏi nơi bẹ sườn hay khuôn ngực.
Vẫn có những trang phục dệt kim ôm sát, nhưng Peter Do không tập trung vào khía cạnh khiêu gợi mà kết hợp với thế mạnh về cắt may của mình trên những chiếc áo khoác dài và quần dài ống đứng. Đơn giản nhưng tinh tế, NTK gốc Việt đã làm sống dậy tinh thần Helmut Lang đầy tự hào của New York một cách thành công.
Trở về bản ngã
Với một NTK đã hoặc đang làm việc cho một thương hiệu, dấu ấn cá nhân của anh ta được xây dựng trước và cả trong lúc đang ở thương hiệu đó. Trên sàn diễn Xuân – Hè 2022, chúng ta bắt gặp hai cái tên mà phong cách rõ nét của họ đã trở lại sau một thời gian vắng bóng.
Có nhiều luồng ý kiến cho rằng Riccardo Tisci không thể tạo được kỳ tích tại Burberry như đã từng ở Givenchy, thế nhưng bắt đầu từ hai BST Xuân – Hè cho cả nam và nữ, chúng ta thấy được chất riêng làm nên một Riccardo Tisci táo bạo khi pha trộn streetwear và vẻ quyến rũ sang trọng từng được chứng kiến tại Givenchy. Bên cạnh công thức về phom dáng và họa tiết đối xứng dễ nhận biết, Tisci còn mang đến một cái nhìn đầy bất ngờ và khiêu khích trên những chiếc áo khoác kinh điển của Burberry khi biến đổi cấu trúc lẫn bỏ đi phần thân sau của chiếc áo.
Được mệnh danh là hoàng tử lãng mạn của thời trang châu Âu với vẻ đẹp sầu muộn u tối, Olivier Theyskens là cái tên luôn được giới thời trang ủng hộ và mong chờ trở lại. Bài học từ Rochas và Nina Ricci một thời đã khiến anh dè chừng hơn và cố gắng trở nên thương mại hơn khi tái xuất với thương hiệu riêng lẫn dòng couture của Azzaro. Với BST lần này, chúng ta lại được thấy Olivier Theyskens mà chúng ta từng yêu mến. Bất chấp xu hướng, tính thương mại lẫn truyền thông xã hội (lúc diễn ra buổi giới thiệu cũng là lúc Facebook và Instagram bị lỗi toàn cầu), BST này thực sự là sự thăng hoa đáng tự hào của một NTK. Không có sự hậu thuẫn của đội ngũ thợ lành nghề hùng hậu nhưng mỗi thiết kế là sự phô diễn những kỹ thuật cao cấp như may chắp vải biên chéo, nhuộm thủ công và đính kết lông vũ. Trường hợp này thật đúng cho câu nói: “Bạn hoàn hảo nhất khi bạn là chính mình”.
Di sản của người tiền nhiệm
Với những thương hiệu lớn lâu đời, việc các NTK đương nhiệm tìm nguồn cảm hứng từ “tàng kinh các” là điều hiển nhiên. Có lẽ đây là lần đầu tiên, Maria Grazia Chiuri mang đến một cái nhìn thực sự tươi mới so với những BST trước đây của bà tại Dior. Với mong muốn mang theo thông điệp tích cực, trẻ trung và rực rỡ vào tương lai, có lẽ không gì hoàn hảo hơn thập niên 60, cụ thể là giai đoạn của Marc Bohan tại Dior. Từ bỏ những gì xưa cũ và mang đến một Dior mới trong thế giới đồ may sẵn cao cấp bằng thời trang tối giản với những đường cắt tinh tế, đầm váy mini trẻ trung kết hợp bảng màu nổi bật là những gì để nhớ về Dior của Marc Bohan. Maria Grazia đã nâng cấp phiên bản xưa bằng việc làm ngắn hơn độ dài váy khiến tổng thể trông trẻ trung hơn. Sự kết hợp giữa màu pop và đồ họa thay vì đính kết cầu kỳ như sự lột xác của cô gái Dior mà chúng ta từng quen biết.
Sàn diễn Xuân – Hè 2022 của Chanel được tổ chức tại Grand Palais Éphémère để mô phỏng lại bầu không khí của những năm 80 – 90. Không chỉ có sàn diễn, cả trang phục và cách trình diễn của người mẫu cũng khơi gợi lại những cảm xúc của thời vàng son (đã bao lâu rồi chúng ta chưa được thấy những người mẫu bước đi uyển chuyển với nụ cười rạng rỡ?). Virginie Viard tập trung vào những yếu tố kinh điển của Chanel dưới thời Karl Lagerfeld như logo hai chữ C lồng ngược, suit vải tweed và túi xách may chần cùng quai xích. Bên cạnh những bộ suit mini mang tông màu pastel ngọt ngào, điểm sáng của BST là những bộ đồ bơi xuất hiện rất đúng thời điểm.
Bài: Hoàng Lê
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE