Thời trang / Thế giới thời trang

Bàn luận về tính thẩm mỹ của thiết kế quốc phục tại các cuộc thi hoa hậu

Thoát khỏi áo dài, ta va vào nội chiến của những món đặc sản ba miền. Liệu ý tưởng độc đáo nhưng bỏ quên yếu tố nghệ thuật có thực sự thể hiện được nét đẹp của văn hóa dân tộc?

Những năm gần đây, phần thi quốc phục trong các đấu trường sắc đẹp luôn trở thành chủ đề “hot” vì các sáng tạo thổi bay tâm trí người xem. Sau khi thôi phụ thuộc vào những “cây đa cây đề” của làng thời trang Việt để đón nhận làn gió mới từ các NTK trẻ, cuộc thi “Tuyển chọn Thiết kế Trang phục dân tộc” thường niên từ năm 2016 của Miss Universe Việt Nam đã thực sự phóng thích những ý tưởng táo bạo nhất.

Thiết kế "Tôm tre mỹ nghệ"
Thiết kế “Tôm tre mỹ nghệ” của Lê Hoàng Phương lọt Top 3 cuộc thi Thiết kế trang phục dân tộc năm 2022. (Ảnh: Team Sang Dao)

Vào năm đầu tiên, thiết kế Nàng Mây lấy cảm hứng từ chiếc lồng bắt cá đã tạo nên tiếng vang ở trong nước lẫn quốc tế. Bộ trang phục “gai góc” với mũi nhọn của những chiếc đó tre tủa ra tứ phía theo hình đóa sen không chỉ gây ấn tượng thị giác mà còn khiến nét đẹp dung dị, mộc mạc của làng nghề đan lát tỏa sáng.

Á hậu Lệ Hằng mặc thiết kế Nàng mây của NTK Thái Trung Tín
Thiết kế “Nàng mây” của NTK Thái Trung Tín cùng Á hậu Lệ Hằng chinh chiến Miss Universe 2016. (Ảnh: Alex Mertz)

Chính từ đây, hình bóng áo dài, áo tứ thân dần nhường lại sân chơi cho các bộ môn nghệ thuật như ca trù, cải lương, đờn ca tài tử,… Nền ẩm thực phong phú đậm sắc hương cũng đem đến nhiều gợi ý mà nổi bật là thiết kế Bánh Mì của NTK Phạm Phước Điền hay Cà phê Phin của Trần Nguyễn Minh Đức.

Hhen Niê trong trang phục dân tộc về bánh mì
Trang phục dân tộc lấy cảm hứng từ bánh mì của H’hen Niê từng nhận được nhiều khen ngợi. (Ảnh: Amorn Pitayanant)
Hoàng Thùy mặc trang phục cà phê phin
Hoàng Thùy chọn “Cà phê phin sữa đá” thi Miss Universe 2019. (Ảnh: Miss Universe)

Đặc biệt, một trong những yếu tố mà hầu hết các bản dự thi đều chú ý và chăm chút kỹ lưỡng đó chính là câu chuyện truyền cảm hứng đằng sau trang phục. Điều này dược thể hiện rõ nét qua các thiết kế được gửi đến năm nay như Chị Sáu, Thanh niên xung phong, Long mạch,

"Chị Sáu" của Nguyễn Hoàng Gia
“Chị Sáu” của Nguyễn Hoàng Gia là một thiết kế được đánh giá cao về câu chuyện truyền cảm hứng. (Ảnh: Team Sang Dao)
Thiết kế "Chiến thần Lạc Việt"
Thiết kế “Chiến thần Lạc Việt” của Lương Đức Minh. (Ảnh: Team Sang Dao)
Thiế kế “Thanh niên xung phong” của Lê Vũ
Thiết kế “Thanh niên xung phong” của Lê Vũ. (Ảnh: Kiengcan)

Đến chuyện “nhang khói” vốn luôn là vùng cấm để luận bàn trên các phương tiện truyền thông cũng không thoát khỏi bảng moodboard của những NTK. Và chuyện gì đến cũng đến, quá trình “thay da đổi thịt” quá nhanh thường khó tránh khỏi các “tác dụng phụ”. Từ cuộc thi tuyển chọn trang phục dân tộc năm nay, nhiều khán giả dễ dàng nhận thấy các nhà thiết kế trẻ đang dần đi vào một lối mòn khác. 

Trang phục dân tộc về bàn thờ miss universe 2019
Mẫu thiết kế lấy ý tưởng từ bàn thờ truyền thống từng gây tranh cãi. (Ảnh: Miss Universe Vietnam)
Thiết kế "Chiếu Cà Mau" của NTK Nguyễn Quốc Việt
Thiết kế “Chiếu Cà Mau” của NTK Nguyễn Quốc Việt đạt giải nhất trong cuộc thi Thiết kế trang phục dân tộc năm nay vướng phải quan niệm “đắp chiếu lên người”. (Ảnh: Kiengcan)

Khoan bàn đến tính thuần phong mỹ tục trong bể sáng tạo của các NTK. Hãy xét một chút đến góc độ nghệ thuật. Nếu vòng luẩn quẩn của quốc phục trước đây xoay quanh áo dài và một chiếc mấn lộng lẫy thì phần lớn các thiết kế gần đây cũng có thể quy về một công thức chung là cánh áo khổng lồ, bánh xe đẩy, màu sắc tối đa và hàng đàn những chi tiết trang trí rồng phượng, tua rua, đèn led,… Điều này cũng đưa ra thử thách không nhỏ cho các hoa hậu, bởi một “lễ hội thu nhỏ” trên lưng chắc chắn có trọng lượng không hề nhẹ nhàng và rất hạn chế trong việc đi lại.

Thiết kế "Bánh tráng" của Phan Xuân Giàu
Thiết kế “Bánh tráng” của Phan Xuân Giàu giành giải nhì trong cuộc thi. (Ảnh: Kiengcan)
Thiết kế Bánh tráng trộn trang phục dân tộc
Thiết kế “Bánh tráng trộn” của Lê Quang Thắng lọt Top 10. (Ảnh: Kiengcan)
quốc phục lấy cảm hứng từ bánh tét
Ả hậu Kim Duyên trình diễn tại Miss Universe 2021 lấy cảm hứng từ Bánh Tét. (Ảnh: Benjamin Askinas)

Những bàn tay vàng của thế hệ trẻ Việt cũng sa vào việc “đi tay hơi quá” mà không tính đến yếu tố khả thi. Tức là khi trang phục trên bản vẽ thì rất hoành tráng và thật sự “mát mắt” người xem nhưng lúc “lên vải” thực tế thì lại “không tới”, thậm chí là khác xa bản gốc dự thi ban đầu.

Bài dự thi lấy cảm hứng từ đèn lồng Hội An. (Ảnh: Fanpage Miss Universe Vietnam)
Sản phẩm thực tế của “Sắc màu Hội An” gây thất vọng thì xử lý chất liệu còn thô, khác xa bản vẽ. (Ảnh: Fanpage Miss Universe Vietnam)

Cuộc cách mạng “cởi trói” sáng tạo này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà đã trở thành xu hướng trên khắp thế giới đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Thái Lan – đối thủ nặng ký nhất sân chơi này cũng được xem là người “mở đường” của trào lưu đã “năm lần bảy lượt” giành chiến thắng ở phần thi National Costume với trang phục lấy cảm hứng từ xe tuk tuk, quả sầu riêng,… Điều đáng chú ý là những thiết kế đến từ xứ chùa Vàng không “vẽ rồng, múa phượng” mà vẫn khéo léo cân bằng được tính thẩm mỹ và sáng tạo.

Thái Lan Best National Costume
Trước khi giành giải Best National Costume tại Miss Univerve 2015, trang phục xe tuk-tuk của Hoa hậu Thái Lan Aniporn Chalermburanawong cũng gây tranh cãi không nhỏ. (Ảnh: Miss Universe)
quốc phục lấy cảm hứng từ Tom Yum của Thái Lan
Thiết kế “Tom Yum” thắng giải Best National Costume tại Miss Grand Thailand 2018. (Ảnh: PHOOWIN)

Các đại diện từ Lào, Myanmar, Phillippin,… nơi có nền văn minh lúa nước gần gũi với Việt Nam đang liên tiếp thống trị hạng mục Best National Costume tại Hoa hậu Hoàn Vũ thế giới. Các thiết kế của nước bạn cũng tận dụng kích thước để áp đảo tầm nhìn và gây choáng ngợp tức thì trên sân khấu nhưng chúng lại được đánh giá cao hơn về kỹ thuật chế tác tinh xảo trong từng chi tiết và các phối màu, chất liệu sang trọng. 

Trang phục dân tộc của Philippines
Hoa hậu Hoàn Vũ Philippines 2021 và thiết kế lấy cảm hứng từ văn hoa rồng dân gian. (Ảnh: Miss Universe)
quốc phục của Lào tại Miss Universe 2018
Hoa hậu Lào “giật” giải trang phục dân tộc đẹp nhất tại cuộc thi năm 2018. (Ảnh: Amorn Pitayanant)

Hay bàn về tính nhân văn và câu chuyện biểu tượng, chỉ mới năm ngoái thôi, quốc phục của hoa hậu El Salvador tại Miss Universe 2021 như một Đài tưởng niệm Hiến pháp El Salvador, phản ánh nỗi đau mà phụ nữ của đất nước phải gánh chịu. Thiết kế có dáng đầm đuôi cá rất gọn gàng và bảng màu xám – đỏ không mấy chói mắt lại để lại ấn tượng về nhiều tầng ý nghĩa và nghệ thuật.

Quốc phục của hoa hậu El Salvador
Quốc phục của hoa hậu El Salvador tại Miss Universe 2021 như một Đài tưởng niệm Hiến pháp El Salvador, phản ánh nỗi đau mà phụ nữ của đất nước phải gánh chịu. (Ảnh: Miss Universe)

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, thoát khỏi hình bóng áo dài và chấp nhận những đột phá chưa từng có đã thể hiện được khát khao đổi mới của cả giới chuyên môn lẫn người trẻ. Bên cạnh đó, các thí sinh tham gia cuộc thi thiết kế vốn còn là sinh viên còn trên ghế nhà trường, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Điều chúng ta cần làm bây giờ là chăm chút cho kỹ thuật thủ công bay cao cùng trí tưởng tượng. Họa chăng nên đề xuất thêm các cố vấn chuyên nghiệp từ giai đoạn “thai nghén” trên bản vẽ. Không thể thiếu những sự tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về tập tục, tín ngưỡng bởi có thờ, có thiêng, có kiêng, “có đẹp”.

Bộ quốc phục "Cò" của Hoàng Thùy
Hoàng Thùy mặc thiết kế quốc phục “Cò” của Nguyễn Đức Liêm được gắn thêm động cơ mở cánh. (Ảnh: Mr. AT)

Nhóm thực hiện

Bài: Mỹ Khanh
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)