Thời trang / Thế giới thời trang

Từ Jeffrey Dahmer đến Anna Delvey, tại sao tội phạm đều đeo kính mắt?

"CLB tội phạm đeo kính" bao gồm những cái tên khét tiếng nhất và có thật trong lịch sử. Đây là một chi tiết thời trang có phần "sởn lạnh" được phát hiện bởi những mọt phim của thể loại tâm lý tội phạm.

Trong nhiều năm qua, các diễn đàn như Reddit và Quora nổi lên các cuộc thảo luận thú vị về điểm chung trong phong cách của những kẻ lừa đảo, hành hung và sát nhân hàng loạt trên màn ảnh. Đặc biệt là gần đây, sức nóng của series Dahmer trên Netflix đã thổi bùng nghi vấn về việc: Phải chăng hầu hết tội phạm mắc vấn đề tâm lý đều có một chiếc kính mắt cổ điển?

Từ hai tên sát nhân tàn bạo nhất nước Mỹ là Jeffrey Dahmer và Ted Kaczynski cho đến kẻ sát hại NTK Gianni Versace là Andrew Cunanan hay nhẹ nhàng nhất là Anna Delvey với chiếc kính Celine kinh điển,… hồ sơ phạm tội của tất cả đều có ảnh chụp cùng một chiếc kính mắt.

jeffrey dahmer của netflix
Jeffrey Dahmer do diễn viên Even Peters thủ vai trong series Dahmer của Netflix. (Ảnh: Netflix)
Darren Criss trong American Crime Story
Darren Criss trong American Crime Story Season 2 với vai diễn Andrew Cunanan – kẻ sát hại NTK Gianni Versace năm 1997. Trước đó, Andrew đã gây án với 4 nạn nhân khác. (Ảnh: Suzanne Tenner)

Các trang web tra cứu trực tuyến như Urban Dictionary hay TV Tropes cũng đề cập đến mối liên hệ giữa “serial killer” và chiếc mắt kính. Trên thế giới có khoảng bốn tỷ người đeo kính cho dù có tật ở mắt hay không. Tuy nhiên, “CLB tội phạm đeo kính” dường như không phải một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi nó được giải thích bằng một loạt các thống kê, chứng cứ và cả suy luận.

Bắt đầu với chiếc kính cận đặc trưng của Jeffrey Dahmer. Dù ở ngoài đời hay trên phim, Jeff không thể sống thiếu chiếc kính gọng kim loại, tròng oversize và được lấy cảm hứng từ kiểu kính của các phi công thời xưa. Rất nhiều sát nhân khác cũng đeo kiểu kính tương tự như Francis Heaulme, Edmund Kemper, Dennis Nilsen, Dennis Rader, Rose West,… Đây thực chất là một xu hướng thịnh hành vào thập niên 70 và 80. Hầu hết những bộ phim dựng lại cuộc đời của các sát nhân được liệt kê trong bài đều lấy bối cảnh trong vòng 30 năm từ năm 1970 đến 2000. Trong thực tế, ba thập kỷ này được coi là “thời hoàng kim” của tội phạm giết người hàng loạt. Do sự lạc hậu của các thiết bị theo dõi và hệ thống an ninh lỏng lẻo ở các thành phố, tội phạm có cơ hội hoành hành và thực hiện các vụ ám sát trong nhiều năm liền. 

Ảnh chụp Jeffrey Dahmer ngoài đời thực
Ảnh chụp Jeffrey Dahmer ngoài đời thực. (Ảnh: Milwaukee Police Department)
Edmund Emil Kemper sát nhân đeo kính
Edmund Emil Kemper III là một kẻ giết người hàng loạt người Mỹ đã sát hại tổng cộng 10 người, bao gồm cả một cô gái 15 tuổi, cũng như mẹ ruột của mình, từ năm 1972 – 1973. Bản án của ông đã được đưa lên màn ảnh qua bộ phim Mindhunter. (Ảnh: Bettmann)
Francis Heaulme
Francis Heaulme – một kẻ giết người hàng loạt người Pháp được mệnh danh là “tội phạm ba lô”. (Ảnh: Getty Images)

Thêm vào đó, ấn phẩm chuyên đề kính mắt của tạp chí 2020 Magazine từng chỉ ra rằng, tròng mắt của những chiếc kính phi công (aviator glasses) “có các cạnh vát hướng xuống dưới, nó sẽ đồng thời kéo khuôn mặt của người đeo chùng xuống, tạo ra cảm giác buồn bã, cau có hoặc ngờ vực. Thiết kế gọng mảnh của kính phi công cũng làm nổi bật những nếp nhăn và dấu hiệu tuổi tác trên khuôn mặt người đeo.”

Matt Dillon The House That Jack Built
Nam tài tử Matt Dillon thủ vai một kẻ sát nhân hàng loạt trong phim The House That Jack Built. (Ảnh: Allstar/Zentropa Entertainments)
Ethan Hawke trong phim The Black Phone
Ethan Hawke trong phim The Black Phone. (Ảnh: IMDb)

Tiếp theo, vào năm 2012, tờ Washington Post đã đăng tải một bài báo thú vị về việc nhiều tù nhân Mỹ thường tráo đổi kính mắt cho nhau trước mỗi lần ra tòa. Họ cho rằng diện mạo mới sẽ khiến mình có vẻ trong sạch hơn trước bồi thẩm đoàn.

“Harvey Slovis – một luật sư ở New York bắt tất cả khách hàng của mình đeo kính. Ông gọi đó là một kiểu tạo hình ‘mọt sách vô hại’” – Trích Washington Post.

Ví dụ điển hình cho chiến thuật sau vành móng ngựa này cũng được chứng mình trong trường hợp của Anna Delvey. Spencer Shapiro, một chuyên gia về kính mắt và xa xỉ phẩm, đồng ý rằng “đeo kính tạo ra một hình ảnh ‘nâng cấp’ về trí tuệ, đẳng cấp và địa vị xã hội”. Anh tin rằng Anna đã chọn được chính xác một chiếc kính Celine không quá trendy, dễ nhận dạng và đặc biệt là có thương hiệu để giả danh thành một tiểu thư giàu có. 

anna delvey đeo kính celine cổ điển
Nhân vật Anna Delvey do Julia Garner thủ vai trong series Inventing Anna của Netflix được lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của Anna Sorokin. (Ảnh: Netflix)
ý nghĩa chiếc kính mắt của anna delvey
Tạo hình váy đen và kính mắt trên tòa án hoàn toàn là nguyên mẫu từ Anna Delvey ngoài đời. (Ảnh: Nicole Rivelli)

Lý do thứ ba đến từ một suy luận mang tính chủ quan hơn. Người đeo kính dễ tạo liên tưởng đến hình ảnh của những người hàng xóm trầm lặng, những ông bố gia đình hay những người già nhẹ dạ cả tin. Ví dụ cho trường hợp này là Dorothea Puente – một nữ sát nhân hàng loạt đã bị cáo buộc 3 vụ giết người cùng với 9 vụ khác vẫn nằm trong diện tình nghi. Để thực hiện hành vi gây án của mình, bà “nhập vai” thành một bà lão 50 tuổi cống hiến cuộc đời mình cho các công việc từ thiện. Phục trang của Dorothea gồm có áo voan, kiểu tóc búi ngược vào không thể thiếu một chiếc kính gọng kim loại.

Dorothea Puente đeo kính mắt trên tòa
Dorothea Puente – một kẻ giết người hàng loạt người Mỹ đã bị kết án. Vào những năm 1980, bà điều hành một ngôi nhà trọ ở Sacramento, California, để sát hại nhiều người cao tuổi và người khuyết tật rồi bòn rút tiền phúc lợi xã hội của họ. (Ảnh: Walt Zeboski/AP)
Ảnh chụp Dorothea Puente
Ảnh chụp Dorothea Puente trong hồ sơ của sở cảnh sát. (Ảnh: Trung tâm lưu trữ Sacramento)

Vẫn còn vô số các suy luận khác của những “thám tử mạng”, tuy nhiên, những cặp “kính mắt sát thủ” này đang trở thành món hàng hấp dẫn trong mắt các nhà sưu tầm. Kính của Robert Hansen – sát nhân hàng loạt người Mỹ có tiền án từ năm 1971 – 1983, đã được rao bán trực tuyến vào năm 2008. Mới vài ngày trước, nhà sưu tập Taylor James đã đấu giá cặp kính cận của Jeffrey Dahmer với mức khởi điểm là 150.000USD. Ngoài ra còn có những món đồ khác bao gồm ảnh gia đình của Dahmers, một cuốn Kinh thánh và một cặp kính khác đã được bán cho một nhà sưu tập tư nhân với số tiền không được tiết lộ.

Nhóm thực hiện

Bài: Diệu Thanh
Ảnh: Tổng hợp
Tham khảo: NSS Mag
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)