Thời trang / Thế giới thời trang

Tommy Hilfiger: Khi việc kinh doanh thời trang chạm tới cốt lõi của tính nhân văn

Thương hiệu Tommy Hilfiger sẽ mở rộng phân khúc của mình và tiến vào thị trường dành cho người khuyết tật – thị trường thường bị các thương hiệu thời trang cao cấp ngó lơ.

Tommy Hilfiger: Khi việc kinh doanh thời trang chạm tới cốt lõi của tính nhân văn

(Ảnh: Alexander Nemenov/ Getty Images)

Tình hình tăng trưởng kinh tế của thương hiệu không mấy khả quan, nhất là sau thời kỳ nền kinh tế có nhiều biến động dẫn đến doanh thu của các thương hiệu thời trang lớn bị ảnh hưởng. Trong khi những nhà mốt lớn như Gucci, Chanel, DIOR… đã có động thái rõ ràng để xâm tiến thị trường màu mỡ là các nước trong khối châu Á – khu vực kinh tế đang trên đà lớn mạnh và phát triển vượt bậc. Tommy Hilfiger đã lựa chọn cho mình một hướng đi khác biệt. Nhà mốt vừa tiết lộ với công ty truyền thông Bloomberg về việc thương hiệu sẽ sớm cho ra mắt dòng sản phẩm quần áo thiết kế dành riêng cho người khuyết tật.  Đây được xem là một bước đi táo bạo của nhà mốt nước Mỹ.

Những mẫu thiết kế trên sàn diễn của nhà mốt Tommy Hilfiger (Ảnh: Getty)

Tính riêng tại thì trường của Mỹ, hiện tại có hơn 53 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn, phải sống một cuộc sống phụ thuộc vào những thiết bị hỗ trợ. Tuy nhiên, hình ảnh của những người khuyết tật đang bị hiểu nhầm hoặc truyền tải sai lệch trong ngành thời trang và phần lớn các hoạt động khác trong xã hội. Ví dụ điển hình, hình ảnh của Kylie Jenner trên trang bìa của tạp chí Interview vào năm 2015 đã gây ra một làn sóng chỉ trích từ rất nhiều người, trong đó có cả những người khuyết tật. Họ cảm thấy hình ảnh của Kylie trong trang phục đầy khiêu khích, ngồi trên một chiếc xe lăn là nhạy cảm và hoàn toàn không phù hợp, ảnh hưởng đến tinh thần của họ.

Kylie Jenner trên bìa tạp chí của Interview năm 2015… (Ảnh: Steven Klein)

Đã gây nên một làn sóng biểu tình và phản đối mạnh mẽ (Ảnh: Twitter)

Đừng quên hình ảnh của nữ ca sĩ Lady Gaga trong trang phục bó sát bằng kim loại “đậm chất thời trang”, rời khỏi xe lăn, chống nạng, nhảy nhót cùng giai điệu sôi động trong MV ca khúc Paparazzi thuộc album đầu tay – The Fame. Hay cả cái lần cô ngồi trên xe lăn và trình diễn trong tour diễn vòng quanh thế giới của mình – Born This Way Ball Tour, nhưng lần này là cô có lí do chính đáng để phải sử dụng đến nó sau cuộc phẫu thuật khớp chân của mình. Họ – những người khuyết tật đã quen dần với việc hình ảnh của một người lành lặn, tận dụng chiếc xe lăn, nạng chống… như những đạo cụ trong ngành công nghiệp thời trang nhằm truyền tải tinh thần của thời trang cao cấp. Nhưng hình ảnh của Kylie Jenner đã vượt quá giới hạn của nhiều người trong số đó, buộc họ phải lên tiếng với hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên đầy mạnh mẽ.

Lady Gaga trong MV Paparazzi (Ảnh: Michael Schmidt Studios)

Karin Hitselberger – fashion blogger, người phải gắn cuộc đời của mình với chiếc xe lăn, chính cô là người đã lên tiếng mạnh mẽ nhất đối với trường hợp của Kylie: “Đối với tôi – một người sử dụng chiếc xe lăn toàn thời gian thì nó giống như là một sự giải thoát và tự do, hoàn toàn không có giới hạn hay tượng trưng cho sự hạn chế mà nó (chiếc xe lăn trong bộ ảnh của Kylie) muốn truyền tải”. Karin chia sẻ với Bustle: “Chúng ta luôn nghĩ rằng thời trang chỉ là về những bề nổi hào nhoáng của nó nhưng thực chất thì thời trang là tất cả những gì bạn thể hiện con người mình ra thế giới bên ngoài, những gì thuộc về sở thích cá nhân nhất lại trở thành tiếng nói trọng lượng nhất. Đối với tôi – một người khuyết tật, tôi vẫn quan tâm đến thời trang và việc bị khuyết tật không đồng nghĩa với việc bạn không thể có phong cách ăn mặc riêng”. Karin đã chỉ rõ nhận định sai lầm của phần đông người làm thời trang, rằng những người khuyết tật sẽ quan tâm đến trang phục có tính công năng nhiều hơn tính thời trang. Bên cạnh đó, việc sử dụng những thiết bị hỗ trợ của người khuyết tật để truyền tải tinh thần thời trang, lại không mang đúng tính chất vốn dĩ của nó thì hoàn toàn không nên được cổ súy và tiếp tay.

Karin Hitselberger – fashion blogger luôn lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho những người như cô (Ảnh: @Karin Hitselberger)

Vào tháng hai năm ngoái tại tuần lễ thời trang New York Fashion Week, FTL Moda – một agency người mẫu của Ý đã được biểu dương trên các trang tin truyền thông trong việc tuyển dụng những người mẫu khuyết tật để trình diễn trong tuần lễ thời trang lớn này. Shaholly Ayers – một người mẫu bị cụt tay; Madeline Stuart – người mẫu với hội chứng Down; Jillian Mercado – người mẫu với hội chứng teo cơ (hiện đang là gương mặt đại diện cho chiến dịch quảng cáo của Beyonce, được kí hợp đồng với công ty quản lý IMG) là những gương mặt may mắn được lựa chọn để trình diễn. Sự xuất hiện của những người mẫu khuyết tật trên sàn diễn thời trang lớn đã được truyền thông rất ưu ái quan tâm. Đến cả tờ báo The New York Times danh tiếng cũng có nhận định của riêng mình, khi cho rằng thời trang dành cho người khuyết tật sẽ là một chủ đề rất được quan tâm của ngành thời trang trong tương lai gần.

Từ trái qua: Madeline Stuart – Shaholly Ayers – Jillian Mercado (Ảnh: Instagram/Getty)

Chúng ta đang ở thế kế 21 và đã là năm 2017, mặc cho ngành công nghiệp dệt may đang tăng trưởng mạnh mẽ và lượng tiêu thụ quần áo vào năm ngoái đạt khoảng 1.182 nghìn tỉ mỹ kim, thế nhưng cộng đồng những người khuyết tật vẫn chưa có được cho mình cái quyền được sống cùng thời trang theo đúng nghĩa. Stephanie Thomas – biên tập viên thời trang kiêm stylist tự do, cô cũng là một người khuyết tật và hơn ai hết, hiểu rất rõ về ngành công nghiệp thời trang. Trong một cuộc phỏng vấn thực hiện cho trang tin Bustle, cô nói: “Việc đưa những người mẫu khuyết tật tham gia trình diễn trong một show diễn thời trang đang là một xu thế mới giữa các nhà thiết kế. Thế nhưng chỉ một vài người mẫu có thể mặc được trang phục được nhà thiết kế chỉ định, mà chúng cũng chỉ là những mẫu thiết kế vô cùng đơn giản nằm trong bộ sưu tập. Thật mỉa mai thay khi chúng ta có trang phục được thiết kế dành riêng cho thú cưng, thế nhưng lại chẳng có một thị trường thời trang bán lẻ nào thật sự dành cho những người khuyết tật hay bị bại liệt không di chuyển được.

Stephanie Thomas (Ảnh: Linkedin)

Hiện nay, tất cả những người khuyết tật đang phải sử dụng quần áo may sẵn của các nhãn hàng dành cho người bình thường, hầu như đa phần họ phải chủ động tìm đến những nhà may để đặt may đo những trang phục thuận tiện hơn trong việc thao tác. Đối với nhà mốt Tommy Hilfiger, theo những gì được tiết lộ, dòng sản phẩm đặc biệt dành cho người khuyết tật sẽ bao gồm những mẫu thiết kế có đường may căn chỉnh được, cụ thể hơn là những chi tiết đóng-mở hay các đường xẻ tà để thuận tiện cho việc mặc và di chuyển của người mặc. Nút mở nam châm sẽ là một trong những chi tiết của trang phục, nhằm giúp cho thao tác chui đầu vào trang phục bằng một tay sẽ dễ dàng hơn. Những thiết kế áo sẽ có phần đóng-mở bằng khóa dán (velcro) và nút mở nam châm trong khi quần và váy sẽ có phần xẻ tà và lai có độ dài tương thích (có thể căn chỉnh được) để thuận tiện cho những người bị tật ở chân.

Nhà thiết kế Tommy Hilfiger (Ảnh: Tim Knox/Eyevine)

Trước Tommy Hilfiger cũng đã có một vài nhãn hàng quần áo chuyên thiết kế những trang phục dành cho đối tượng đặc biệt là người khuyết tật. Trong đó nổi bật phải kể đến ABL Denim – một nhãn hàng chuyên sản xuất những mẫu thiết kế quần jeans đa dạng về mẫu mã và phong cách, dành riêng cho người khuyết tật. Những mẫu thiết kế với phần eo chun và miếng đệm được thiết kế chuyên biệt ở phần thân sau của sản phẩm – nhằm giúp giảm đau nhức cho những người phải ngồi lâu một chỗ trên xe lăn hay giường bệnh. Một nhãn hàng khác là ALLELES – có trụ sở đặt tại Vancouver (Canada), sở hữu nhiều phòng thiết kế chuyên biệt để sản xuất những mẫu thiết kế tay/chân giả nhân tạo, đa dạng về mẫu mã và màu sắc nhằm phục vụ cho sở thích của từng đối tượng khách hàng khác nhau. Hay là thương hiệu Chairmelotte – thương hiệu tự mô tả là wheelchair couture (thời trang cao cấp dành cho đối tượng sử dụng xe lăn). Những mẫu thiết kế của thương hiệu này với mẫu mã và chất liệu sang trọng, được thiết kế đặc thù để thuận tiện cho việc mặc. Chẳng hạn như những mẫu thiết kế áo/váy 2 mảnh, có thể dễ dàng cởi bỏ chỉ với một thao tác đóng-mở nút cài, hay những mẫu áo/đầm có thiết kế hàng nút phía sau lưng cũng được cân nhắc trong quá trình thiết kể để thuận tiện cho những người ngồi xe lăn.

Nhãn hàng ABL Denim chuyên sản xuất mặt hàng quần jeans dành cho những người khuyết tật (Ảnh: ABL Denim)

Thương hiệu Chairmelotte – Wheelchair Couture với dòng sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất liệu và giá thành dành cho người khuyết tật (Ảnh: Chairmelotte)

Tuy rằng thị trường này sẽ không có quá nhiều đối thủ cạnh tranh, nhưng không phải vì thế mà dễ dàng có thể được khai thác. Thương hiệu IZ Collection đã từng là một thương hiệu tiên phong trong địa hạt này, khi trở thành thương hiệu duy nhất ở thị trường Bắc Mỹ tập trung vào đối tượng khách hàng là người khuyết tật. Đối thủ duy nhất tại thời điểm đó của IZ Collection nằm ở phía bên kia bán cầu – Đức. Đáng buồn, thương hiệu Izzy Collection đã đóng cửa vào tháng 1 năm nay sau hơn 8 năm hoạt động. Izzy Camilleri – nhà thiết kế nữ tài năng với tấm lòng nhân hậu, là người đã xây dựng nên thuơng hiệu vào năm 2009 tại Toronto, chỉ để giúp đỡ người khuyết tật bằng cách giúp họ có thêm sự lựa chọn về trang phục và cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống. Izzy đã có phát ngôn chính thức sau khi đóng cửa thương hiệu: “Một trong số những thách thức lớn nhất của chúng tôi trong suốt những năm qua, đó là việc không thể nào phát triển việc kinh doanh thành hình thức bán sỉ. Hoàn toàn không hề có thị trường quần áo dành cho người khuyết tật (adaptive fashion) ở trong thị trường bán lẻ ở thời điểm hiện tại. Lợi tức đầu tư thu về quá chậm và sự tăng trưởng cũng quá chậm. Chính điều đó đã đặt dấu chấm hết cho thương hiệu, mặc dù chúng tôi đã cố gắng chèo chống suốt 8 năm qua”. Izzy thật tâm chia sẻ: “Thật sự vô cùng đáng tiếc và tôi cảm thấy có lỗi với rất nhiều khách hàng của chúng tôi, nhưng đồng thời sau này tôi cũng đã nhận được hàng nghìn email từ những khách hàng, bày tỏ lòng cảm kích bởi những gì chúng tôi muốn làm, muốn thay đổi, và họ thành tâm cảm ơn chúng tôi vì đã đem lại sự tích cực và động lực để giúp họ cảm thấy tự tin hơn, chính điều đó đã giúp thay đổi cuộc sống của họ.”

Thương hiệu IZ Collection từng chiếm lĩnh thị trường dành cho adaptive clothing – quần áo dành cho người khuyết tật (Ảnh: IZ Collection)

Chân dung Izzy Camilleri – Nhà thiết kế của thương hiệu IZ Collection (Ảnh: Maayan Ziv)

Ngành công nghiệp thời trang cần có một sự chuyển biến tích cực, mở rộng cửa hơn để thị trường quần áo dành riêng cho người khuyết tật có thể tìm được chỗ đứng riêng cho mình. Đối với những nhà thiết kế, việc để tâm đến từng chi tiết nhỏ, nhằm có thể giúp đỡ những người khuyết tật đỡ vất vả hơn trong cuộc sống thường ngày là một điều đáng làm. Chẳng hạn sử dụng những chi tiết nút đóng-mở có kích thước lớn hơn so với kích cỡ thông thường để giúp đỡ những người bị viêm khớp, gặp khó khăn trong thao tác đơn giản là đóng-mở nút. Con số 53 triệu người tàn tật hay bại liệt chỉ tính riêng tại Mỹ là không hề nhỏ, 1/3 trong số đó ở độ tuổi dưới 65. Họ gần như vẫn còn có cuộc sống xã hội và vẫn phải hòa nhịp cùng cộng đồng. Yếu tố trang phục thoải mái, vừa vặn, phù hợp và có nhiều sự lựa chọn về phong cách hay xu hướng sẽ giúp cho họ có được sự tự tin cần thiết. Đáng buồn là thực tế lại hoàn toàn trái ngược.

(Ảnh: Selcuk Acar/ Getty)

Liệu có giải pháp thiết thực nào để giảm thiểu tình trạng hình ảnh của người khuyết tật đang bị truyền tải sai lệch trên các ấn phẩm thời trang như trường hợp của Kylie Jenner? Hay bằng cách nào thị trường quần áo có thể mở rộng cửa để chấp nhận dòng sản phẩm adaptive clothing – sản phẩm quần áo dành riêng cho người khuyết tật? Hoàn toàn có những phương án khả thi để giải quyết vấn đề, tuy rằng đây sẽ là một quá trình dài hơi. Cụ thể, các nhà thiết kế hiện đại cần có sự hợp tác và đồng lòng trong việc thiết kế nên những trang phục dễ tiếp cận với tất cả mọi người – trong đó bao gồm có cả người khuyết tật (mức giá, chi tiết thiết kế, chất liệu vải…), thời trang không chỉ là để chạy theo hình thức mà còn có một ý nghĩa cao cả, nhân văn hơn. Chính nhờ sự đồng lòng của các nhà thiết kế của các thương hiệu thời trang toàn cầu, sẽ góp phần kiến tạo nên thị trường tiêu thụ và bán lẻ, nhằm giúp những người như nhà thiết kế Izzy Camilleri có thể tiếp tục công cuộc thiết kế quần áo và đem lại sự tự tin, niềm vui cho cộng đồng người khuyết tật.

Tommy Hilfiger: Khi việc kinh doanh thời trang chạm tới cốt lõi của tính nhân văn

 

Những chi tiết nhỏ trong thiết kế thế này nhưng lại rất có ý nghĩa đối với những người khuyết tật (Ảnh: Amazon)

Đây cũng là giấc mơ của những người như Karin Hitselberger – người đã cống hiến cuộc đời của mình cho thời trang để khiến nó mang ý nghĩa truyền tải cảm xúc và gắn kết tinh thần của con người, hơn là những mẫu thiết kế xa xỉ mà chẳng có gì hơn là vải vóc được may và bán buôn với cái giá đắt đỏ. Karin chia sẻ: “Sự lựa chọn trong thời trang, không gì hơn là để người mặc có thể truyền tải cảm xúc và thế giới quan của mình thông qua phong cách ăn mặc cá nhân. Đồng ý là nền công nghiệp thời trang có những quy chuẩn và khắt khe riêng, và không phải ai cũng có thể chạm ngõ tới sự xa xỉ, hào nhoáng của nó. Thế nhưng, quần áo lại là nhu cầu tối thiểu và bình thường nhất của xã hội, tất cả mọi người đều mặc quần áo. Vậy nên hãy tạo điều kiện để những người khuyết tật cảm thấy mình không bị bỏ rơi trong xã hội hiện đại khi nói đến việc lựa chọn quần áo hàng ngày, cho họ có cơ hội để cảm thấy tự tin, xinh đẹp và hạnh phúc hơn. Còn riêng đối với những người đứng đằng sau việc lên ý tưởng và bộ hình thời trang, họ cần phải ngưng việc truyền tải sai lệch hình ảnh của những người khuyết tật và đặt nó dưới danh nghĩa là thời trang cao cấp. Điều đó hoàn toàn không quá khó khăn để thuận theo.”

Việc sử dụng đạo cụ là những chiếc xe lăn như thế trong các ấn phẩm thời trang là hoàn toàn không cần thiết (Ảnh Michael Schmidt Studios)

Quay trở lại với Tommy Hilfiger, vào năm ngoái, thương hiệu này đã có một bước tiến tiên phong khi hợp tác cùng “Runway of Dreams” – một tổ chức phi lợi nhuận kết hợp với ngành thời trang để phát triển một bộ sưu tập dành riêng cho người khuyết tật. Chính bởi điều đó đã khiến Tommy Hilfiger trở thành thương hiệu thời trang đầu tiên và có tên tuổi lớn tại Mỹ thiết kế trang phục cho trẻ em khuyết tật và tạo tiền đề cho thương hiệu này tiếp tục với đối tượng là người trưởng thành.

Tommy Hilfiger đã từng đạt được thành công nhất định khi kết hợp cùng tổ chức “Runway Of Dreams” để cho ra đời một bộ sưu tập adaptive clothing dành cho trẻ em (Ảnh: Tommy Hilfiger)

 (Ảnh: Tommy Hilfiger)

Nhãn hàng ABL Denim cũng đã có mặt trên kênh bán hàng online Walmart.com, đánh dấu bước đi quan trọng trong việc dấn thân vào thị trường bán lẻ. Theo nhận định ban đầu, dòng sản phẩm mới dành cho người khuyết tật của Tommy Hilfiger là cho cả hai giới: với 37 mẫu thiết kế cho nam và 34 mẫu cho nữ. Trong phát ngôn mới nhất, nhà thiết kế Hilfiger cho rằng việc thương hiệu của mình dấn thân vào thị trường có nhiều thử thách này là một phần của công cuộc “dân chủ hóa” ngành công nghiệp thời trang. Với hàng triệu người khuyết tật ở trên toàn thế giới thì đây quả là một tin đáng mừng. Quyết định của nhà mốt được nhận định là một bước tiến khôn ngoan, đầy táo bạo và đáng để trông đợi. Và nếu Tommy Hilfiger thành công về mặt lợi nhuận sau bộ sưu tập này thì đây sẽ là cột mốc lớn trong lịch sử của ngành công nghiệp thời trang – vốn dĩ vẫn còn quá thờ ơ với cộng đồng người khuyết tật.

Nhóm thực hiện

Fellini Rose (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Hình ảnh: Sưu tầm)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)